Bốn cái ngu .

Chuly sưu tầm

Bốn cái ngu .
Sơn Nam.

Mấy người hàng xóm la hoảng lên:
– Tư Hưng đâu rồi! Nuôi heo bầy mà bỏ nó chạy cùng đường cùng sá. Sao không nhốt lại? … Thiệt hết nói. Tanh rình tanh ói, chỗ nào cũng một đống, ai hơi đâu mà hốt. Nó còn ủi nền nhà, phá mấy liếp cải. Nói ra thì mích lòng, để trong bụng thì ấm ức.
Tư Hưng từ đầu xóm chạy lơn tơn về, lên tiếng thanh minh:
– Bà con ơi! Tôi nhốt heo lại rồi. Chắc lại vợ tôi quên… Vợ tôi nó dại dột thì tôi chịu tội.
Nói xong, Tư Hưng chạy lùa ba con heo nái. Heo chạy tán loạn, đâm ngay vào vách lá, chui vào trong nhà. Anh ta nói to:
– Em ơi! Coi chừng heo chạy bể đồ đạc.
Nhưng hỡi ơi! Trong nhà không có một tiếng trả lời. Anh ta vào nhà, chạy tới trước cửa ngõ nhìn dáo dác. Vợ anh đâu rồi? Hay là đã xách gói trở về nhà cha mẹ ruột? Bốn tháng qua, vợ chồng anh ta gây lộn liên tu bất tận, tính đổ đồng hai ngày là xẩy ra một cuộc cãi vã.
Tư Hưng nói:
– Ði đâu đi phứt cho rảnh. Gặp con vợ như vầy mau tàn mạt lắm. Thật là…
Vừa lúc ấy, ông Hai Kiểm đi ngang qua, lên tiếng:
– Chuyện gì đó Hưng? Vợ chồng mới cưới, nếu cơm không lành canh không ngọt thì đóng cửa dạy nhau…
– Dạ, chuyện rắc rối lắm, đổ bể tùm lum.
– Cái gì đổ bể?… cháu nói mau.
Ông Hai Kiểm xụ mặt, tưởng tượng đến những hậu quả tai hại mà ông gánh lấy. Chính ông đã làm mai mối cho Tư Hưng cưới vợ. Bên gái đò một đôi bông búp, hai chiếc vòng đúng một lượng vàng. Vì muốn tác hợp cho hai trẻ là người dưng nhưng ông Hai Kiểm vẫn làm gan lãnh nợ, vay dùm cho gia đình Tư Hưng số tiền khá to. Chủ nợ hỏi:“Rồi làm sao vợ chồng nó đủ sức trả?” Ông Hai Kiểm đáp:“Vợ chồng nó sẽ nuôi heo nái, bán heo con lần hồi.”
Những chuyện đáng buồn đã xẩy ra, thấy tai ông Hai Kiểm. Dư luận hàng xóm đã đồn đãi quá nhiều. Ban nãy ông gặp cô vợ trẻ của Tư Hưng ở bờ chuối, sát ven đường. Ông hỏi:
– Cháu làm gì vậy đó?
Cô vợ nó đáp:
– Dạ, cháu cắt lá chuối khô đem về bó lại, làm ụ cho heo ngủ.
– Cháu biết lo xa, bác mừng lắm. Xứ này nhiều muỗi, để heo ngủ trần mà mang tội. Làm sao heo mau lớn đúng tạ được? Sao thằng Hưng không ra đây làm công việc tiếp với cháu?
Cô vợ nọ ôm mặt khóc. Bấy giờ, ông Hai Kiềm mới nhìn tường tận: gò má cô ta bầm tím. Ông thở dài, định tìm Tư Hưng để dẫy dỗ. Dè đâu vừa đi ngang cửa là nghe giọng nói vô lễ của anh ta.
Ông Hai Kiểm vào s; ân, nói lẩm bẩm:
– Làm gì mà quát nạt? Cái gì đổ bể?
– Dạ, mời bác vô nhà, cháu nói hết đầu đuôi cho bác nghe.
Rồi Tư Hưng tố cáo bao nhiêu sự lơ đễnh của vợ: nào vợ ngủ trưa, nào vợ kho cá ăn mặn đắng, nào vợ lười biếng nuôi heo. Và nhứt là ưa cãi vã với chồng. Hễ giận hờn, lập tức cô vợ bỏ nhà ra sau vườn. Ông Hai Kiểm dùng tình cảm để khuyên nhủ:
– Nó lo cắt lá chuối kho chớ đâu phải dạo xóm ngồi lê đôi mách hoặc đánh bài tứ sắc. Cháu hãy bình tĩnh. Vợ nó có lỗi thì dậy dỗ bằng lời nói nhỏ nhẹ.
Tư Hưng nói nhanh:
– Dạ, nó cứng đầu lắm. Hễ cháu đánh thì nó đứng lì một chỗ, không thèm chạy.
– Ừ… Nhưng mà cháu đừng đánh ngay con mắt vợ.
Tư Hưng phục thầm sự nhận xét của ông Hai Kiểm:
– Sao bác biết?
– Trời đất xui kiến như vậy. Bác sống tới năm nay là sáu chục tuổi rồi. Ðàn ông ưa bạt tai vợ, táng ngay con mắt. Rủi đui con mắt thì sao?
*
* *
– Cục cu cu… cu! Cu!
Ông Hai Kiểm bước tới lui, ngắm nghía con cu mồi mới mua ở Xẹo Bần với giá là mười giạ lúa. Ông bắc ghế, đứng lên, mang cặp kiếng, nói thì thầm:
– Ồ! Con cu hai cốt. Chưa chắc! Hồi bữa hổm, nó gáy tới bốn cốt.
Rồi bác đưa tay lên miệng, bụm lại, nhái giọng gáy:
– Cục cú cu… cu!
Tức thời con cu mồi nhảy nhót, vỗ cánh, đòi bay ra khỏi cái lồng bằng tre. Nó đứng lại, há mỏ, ưỡn ngực:
– Cục cúc cu… cu! Cu! Cu!
Ông Hai Kiểm cười dòn:
– Giỏi quá! Trót làm thằng ngu thì ngu luôn cho trọn kiếp. Sáng mai, mầy nhớ gáy đủ bốn cốt cho tao!
Từ ngoài cửa, Tư Hưng bước vào. Anh ta nghe lóm tiếng được tiếng mất:
– Bác Hai ơi! Nói chuyện với ai vậy?
– Tư Hưng đó hả? Bác nói chuyện với con cu mồi. Gần tết rồi. Cu gáy vang dậy ngoài đồng, bác tính cho con cu mồi này ra nghê. Mua tới mười giạ lúa đó.
Tư Hưng vẫn thắc mắc:
– Con cu này mua quá mắc nhưng tại sao ngu dại. Nếu nó khờ thì luyện tập lại. Bác rành nghê gác cu lắm mà.
Một dịp may để ông Hai Kiểm giải toả bao nhiêu thắc mắc. Ông rót nước trà ngồi cao hứng rung đùi:
Ở đời có bốn cái ngu,
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu…
– Mấy câu đó ý nghĩa như thế nào?
– Khó lắm. Nó ra sợ cháu hiểu lầm. Ông bà mình hồi xửa hồi xưa đặt để câu đó, nhắn nhủ mấy người lớn tuổi mà ưa làm chuyện ba vơ như bác. Cháu thử nghĩ: bác ở không suốt ngày, chỉ còn biết tiêu khiển bằng cách thăm viếng người chòm xóm, giúp đỡ lặt vặt. Rồi thì dưỡng nhàn. Cháu biết tại sao làm mai là cái ngu dại thứ nhứt?
Tư Hưng đáp:
– Dạ cháu hiểu mơ màng thôi…
– Nói ra, cháu đừng giận nghe không. Mình làm mai, giúp hai gia đình bên trai, bên gái kết tình thông gia. Nếu con cái họ ăn ở với nhau êm ấm thì thôi. Nhược bằng gặp thứ trai lỗ mãng, thứ gái lười biếng hỗn hào thì thế nào bên trai hay bên gái cũng trách móc mốc ông mai. Nào là thằng rể hoặc con dâu đó tệ quá. Không khéo, vài ngày nữa, nếu vợ chồng cháu chưa hoà thuận với nhau được….
Tư Hưng cúi đầu:
– Dạ, cháu hứa…
– Ðây là cái ngu thứ nhì của bọn già cả, có chút ít thể diện hoặc điền sản như bác. Mình lãnh nợ dùm cho thiên hạ, nếu con nợ trả đủ thì chủ nợ vui sướng, hưởng tiền lời. Bằng không, họ lại mắng vốn… Còn cái ngu thứ ba là gác cu.
Nghe đến đó, Tư Hưng mỉm cười. Gác cu tức là đem con cu mồi ra ngoài ruộng để cho cu gáy lên, nhử bắt con cu rừng. Mấy ông cai tổng, ông hội đồng địa hạt thường gác cu vào mùa này. Tư Hưng còn nhớ năm ngoái ông cai tổng đi gác cu với vài đứa tiểu đồng, mang theo nào trả ấm, thịt gà, cơm nếp. Tại sao gác cu là cái ngu dại thứ ba? Anh ta hỏi mãi nhưng Hai Kiểm cứ lắc đầu. Sao rốt, anh ta gợi ý:
– Dạo này, hễ ở nhà thì gây gổ với vợ. Cháu muốn theo bác, làm đứa tiểu đồng để học nghề. Hồi đó tới giờ, cháu ưa đá gà, đá cá thia thia. Mai kia mốt nọ, về già, cháu sẽ gác cu như bác.
– Ðừng, cháu ơi. Dại dột lắm.
Con cu mồi gáy vang lên. Ngoài bờ tre xa xôi dường như có tiếng đáp lại. Khiêu khích –“Cu kêu ba tiếng cu kêu, cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè.” Ông Hai Kiểm căn dặn Tư Hưng nên về nhà giúp công việc lặt vặt cho vợ bớt mệt. Nhứt là sửa các chuồng heo, đừng để lối xóm phiền hà…
Sáng hôm sau, Tư Hưng đã có mặt tại nhà ông Hai Kiểm. Hai người ăn cơm rang dằn bụng rồi lên đường. Ông Hai Kiểm đi trước, xách cái lụp, tức là cái lồng bằng dây chì, trong đó có để con cu mồi. Tư Hưng theo sau, vác một cây sào dài, đầu cây sào có cái móc nhỏ bằng sắt. Lại còn có cái bình tích, đầy trà nóng, hộp quẹt và chiếc chiếu.
Gió chướng thổi lao xao mang hơi lạnh từ phía tây bắc, báo hiệu ngày gần Tết. Mặt trời lên cao, bầu trời vẫn chưa trong sáng. Vài đám mây đen bay lởn vởn, thứ mây chuyển mưa còn rơi rớt. Mùi lúa chín xông lên vừa nồng vừa ấm. Qua khỏi bờ ven, hai người đều xăn quần lên tận gối. Lá lúa cứa vào da, hơi rát. Ðôi khi, bùn ngập tới nửa ống chân. Vài con cò trắng đáp xuống vũng nước cạn, rình cá tôm. Ông Hai Kiểm bước khá nhanh, dod6i mắt nhìn đăm đăm về hướng cây gáo cổ thụ, giữa đồng.
Ðến nơi, Tư Hưng đứng lóng nhóng. Ông Hai Kiểm nói:
– Trải chiếura, ngồi xuống. Nếu khát nước thì uống trà cho thấm giọng.
Trèo lên cây gáo, bẻ vài nhánh cây nhỏ, quăn xuống cho bắc.
Ông Hai Kiểm đem lá cây ghim lên cái lụp:
– Nhờ làm như vầy để cho cu rừng không thấy cái lồng bằng dây chì. Lát nữa, cu rừng sẽ bay tới, đậu trên cái sàn, trước mặt lụp.
– Còn mớ lưới này?
– Mình giương lưới lên, gài chốt. Cu rừng đến trước mặt cái lụp, khiêu chiến. Nếu cu đạp nhằm cây chốt, lưới chụp xuống cái sàn, túm con cu rừng.
Ðâu đó xong xuôi, ông Hai Kiểm dùng cây sào có móc sắt mà đưa cái lụp lên gần trên ngọn cây gáo. Ông bước ra xa, nhìn đôi ba lần khen ngợi:
– Ðược rồi, Cu rừng chẳng bao giờ biết con cu mồi đang bị nhốt trong cái lụp. Và trước mặt lụp là cái sàn nhỏ, có lưới giương lên. Êm lắm!
Hai người rút lui vào lùm cây mua, hơi thấp, vạch một lỗ khá to trong lùm rồi chui vào. Tư Hưng nói nhanh:
– Giống như ngồi trong hang…
– Ồ! Người gác cu ngồi ngoài bờ ngoài bụi như vầyl. Nếu đứng lom khom ở ngoài chỗ trống trải, cu rừng đâu thèm tới nạp mạng.
Ngồi giữa lùm cây, ông Hai Kiểm hút hết điếu thuốc này qua điếu thuốc khác. Con cu mồi bị nhốt trong lụp bắt đầu gáy vang:
– Cúc cù cu… cu! Cu! Cu!
Ông cười dòn:
– Giỏi quá! Ra đây, nó gáy tới ba cốt.
Tư Hưng hỏi:
– Dạ, cốt là cái gì?
– Theo tiếng lóng của nhà nghề, mấy tiếng cúc cú cu, gọi là tiếng cốt. Con cu mồi này gáy ba cốt. Bảnh quá! Cháu nghe lại thử. Nó gáy kìa!
Từ ngọn cây gáo, con cu mồi cất tiếng thảnh thót:
– Cúc cù cu… cu! Cu! Cu!
Ông Hai Kiểm nhướng mắt!
– Ðó… Nó gáy đủ bốn cốt. Loại cu nào nhiều cốt thì được cu mái say mê. Lúc lúa chín, cu rừng bắt đầu“phân đồng” mỗi con cu trống, chiếm một khu vực riêng biệt, từ cây này qua bờ tre bên kia. Nó tha hồ ăn lúa chín và tìnht ự với bọn cu mái. Nếu con con cu trống nào toan vào khu vực của nó, nó sẽ đánh đuổi, đá và cắn tơi bời. Thí dụ như khu vực này, từ cây gáo qua bờ tre, đã có sẵn một con cu trống làm bá chủ. Mìnhd dem con cu mồi này tới để xâm chiếm. Lát nữa, con cu trống sẽ ra tranh cắn, đánh đuổi con cu mồi này để rồi bị lưới chụp xuống.
Thời khắc trôi qua chậm chạp. Tư Hưng bắt đầu nản chí, muốn xin phép rút lui về nhà để… nuôi heo trả nợ đám cưới. Bỗng đâu từ phía bờ tre đối diện có giọng gáy thanh tao:
– Cúc cù cu… cu cu!
Ông Hai Kiểm ngồi nhốm tới, nép sát vào bụi cây mua, mang kiếng, nhìn qua kẽ lá:
– Ðó! Con cu rừng lên tiếng, đòi đá lộn với con cu mồi của bác.
– Sao nó chưa qua?
– Cháu nên bền chí. Cu rừng khôn ngoan lắm. Nó hồ nghi điều gì… bất an. Nhiều con cu rừng đã bị lưới chụp hụt vài trận rồi. Nó còn dè dặt, dò xét tình hình.
Trên ngọn cây, cu mồi gáy lên, thúc giục:
– Cú cù cu… cu! Cu! Cu!
Từ phía bờ tre, cu rừng bay nhanh qua cây gáo, đảo hai ba vòng, toan đáp xuống.
Tư Hưng nói:
– Nó tìm kẻ thù hả bác?
– Nói chuyện nho nhỏ một chút. Coi chừng nó nghe. Nó tìm kẻ tình địch. Cu rừng này cho rằng con cu mồi trong bụi là kẻ từ nơi xa lạ đến xâm chiếm cánh đồng lúc để ăn no và chiếm đoạt người yêu của nó.
– Tại sao nó bay qua đây! Hồi nãy bác nói con cu rừng này đầy đủ kinh nghiệm, chết hụt nhiều lần nên khôn ngoan….
– Lời tục thường nói: Biết chết nhưng cũng nhào vô. Con chim ghét nhauv ì tiếng gáy. Cu rừng gáy hai cốt ghét con cu mồi gáy tới bốn cốt. Nó cho rằng có kẻ bảnh trai hơn, toan chiếm đoạt sự sống của nó… Im đi.
Qua kẽ lá, Tư Hưng thấy rõ ràng con cu rừng. Nó thuộc loại cu cườm, mớ lông chung quanh cổ nhuộm màu hường dợt, lấm tấm những điểm trắng tuyết, mỏ và đôi chân đỏ sậm, nhứt là con mắt tròn xoe, sáng ngời lấp lánh như giọt máu tươi.
– Nó khôn quá. Nó nhảy trên nóc lụp chớ không thèm nhảy trước cái sàn để vướng vào bẫy!
– Cháu nói đúng. Nhưng con cu mồi của bác còn khôn hơn!
Con cu mồi nhảy nhót, vỗ cánh ngược lên trời… nhưng bầu trời của nó quá hẹp, nó té xuống. Nó bước tới sát lưới, quơ chân. Cu đá nhau như gà, dùng mỏ mà cắn, đưa chân mà quào. Con cu rừng cứ bay quanh quẩn rồi đứng trên lụp mổ xuống, để khỏi Sa trại chủvào cạm bẫy. Lát sau, nó bay lên trên cao… trở qua bờ tre gáy inh ỏi, thứ tiếng gáy kém đẹp, có hai cốt “cu, cu” khi chấm dứt.
Ông Hai Kiểm đưa tay lên miệng, nhái tiếng gáy để thúc giục cu mồi. Cu mồi lại gáy, khoe giọng thiên phú, đến bốn cốt. Nắng lên cao. Cu rừng dường như còn phân vân, chưa chịu xáp chiến.
Tư Hưng thở dài:
– Chừng nào nó bay qua đây…
Ông Hai Kiểm đáp:
– Bữa nay không xong thì chờ ngày mai, ngày mốt không xông thì ngày nọ, ngày kia… Gác được một con cu rừng khôn ngoan, mình vui hơn là gác con cu rừng thứ dại dột. Cháu mệt mỏi rồi hả?
Tư Hưng ngáp dài:
– Ðể cháu về nhà, lo cái chuồng heo.
– Cháu muốn về thì cứ về. Bác không dám cản cháu.
Nghe vậy, Tư Hưng lật đật cầm cây sào, bước ra khỏi lùm cây. Ông Hai Kiểm kêu lên thất thanh:
– Làm gì vậy? Cháu về thì về một mình. Ðể bác ở lại…
*
* *
Bảy ngày sau, Tư Hưng đã quên hẳn chuyện gác cu của ông Hai Kiểm. Hàng ngày, anh ta lo nuôi heo, quét nhà, sửa sang bồ đựng lúa. Vợ chồng đối xử với nhau êm ấm.
Lúc vợ chồng Tư Hưng đang ăn cơm chiều, bà Hai Kiểm chạy vô sân, nói hơ hãi:
– Tư! Mầy thấy bác Hai mầy ở đâu không?
Trời mưa lất phất, lạnh lẽo. Trận mưa bấc dai dẳng, còn rơi rớt. Tư Hưng nhìn bà Hai Kiểm, thương hại:
– Chuyện gì mà bác gái dầm mưa? Lâu rồi, cháu không gặp bác trai.
– Ổng đi gác cu với mầy mà! Mỗi ngày mỗi đi, từ bữa đi chung với mầy đó.
– D ạ, cháu theo bác trai có một buổi đầu mà thôi…
– Kiếm bác trai mầy dùm tao! Tao hồ nghi quá.
Lập tức, Tư Hưng buông chén đũa, chạy ra sau vườn. Trời vẫn mưa. Mặt trời khuất đâu mất, cảnh vật tối om. Cây gáo đứng trơ vơ giữa đồng như bóng ma trơi. Tư Hưng lục soát bụi cây, chẳng có cái lụp nào cả. Tư Hưng thất vọng, trở về. Bỗng dưng, anh ta nhớ tới cái bờ tre bên kia, đối diện với cây gáo. Anh ta chạy qua, nhướng mắt: giữa bụi tre, cái lụp gác lơ lửng, trên đó có con cu mồi và một con cu rừng bị lưới chụp.
Cu rừng và cu mồi đều cú rũ, bất phân thắng bại vinh nhục, lông cánh lù xù vì dầm mưa quá lâu. Nhưng ông Hai Kiểm ở đâu? Tư Hưng toan kêu lên nhưng sợ làm lộ bí mật nhà nghề. Anh ta bèn đưa hai tay lên miệng, bụm lại, nhái tiếng cu kêu:
– Cúc cù cu… cu! Cu! Cu!
Bỗng nhiên, bụi nhãn lồng nhúc nhích. Có tiếng rên hừ hừ. Tư Hưng ngỡ là ma nhát, sửa soạn co chân tẩu thoát. Nhưng giọng run rẩy của ông Hai Kiểm vang ra từng đọt:
– Cứu… tao… tao gần chết… á khẩu…
Tư Hưng cõng ông Hai Kiểm vào nhà, đốt lửa hơ, cạo gió, mua thuốc cảm mạo, nấu cháo thương hàn… vài phút sau, ông Kiểm mới tỉnh táo, nói thân mật:
– Tao chờ đợi… mắc mưa suốt buổi. Con cu mồi bay quá. Rốt cuộc con cu rừng chịu đá lộn, mặc dù bị gài bẫy nhưng cũng đá. Vui quá… Ủa! Ngu quá. Con cu rừng đó, tao cho vợ chồng bây nướng ăn. Hồi xưa, nhiều người đi gác cu như tao, ngồi rình mò dè đâu phía sau lưng có con cọp đang chờ ăn thịt họ. Gác cu không đem lợi lộc gì ráo mà mình ham. Cái thói phong lưu đó nguy hiểm lắm. Nếu mày không ra ngoài cứu kịp thì tao á khẩu, chết luôn ngoài bụi tre rồi. Ðó là cái ngu thứ ba: “Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu mà!”
Tư Hưng mỉm cười, nhờ đến cái ngu thứ nhứt, thứ nhì:
– Dạ, hai vợ chồng cháu cỡ này đề huề lắm. Ba con heo nái đang có chửa, món nợ mà bác bảo lãnh hồi cháu sửa soạn cưới vợ…
– Tao hiểu rồi. Ráng mà làm ăn. Thôi tao về kẻo bác gái mầy trông đợi.
– Dạ, trời còn mưa lai rai. Ðể cháu nhắn tin cho bác gái hay… Còn cái ngư thứ tư nó ra làm sao bác?
– Cầm chầu hát bội. Rằm tháng giêng, cháu sẽ thấy. Hễ mình ít“chầu” bọn đào kép cho rằng mình là thằng già cầm chầu khó khăn, phách lối, khinh khi kẻ xướng ca vô loại. Nhưng nếu mình đan1h chầu đúng điệu thì có kẻ giềm siểm, cho rằng mình là thằng già dê, cứ đ1nh chấm khen ngợi mấy cô đào trẻ mà quên mấy cô đào già.
Tư Hưng nắm bàn tay gân guốc của ông Hai Kiểm:
– Bác tử tế quá.
– Sao mầy biết? Ðừng nịnh tao. Vợ chồng mầy nên ăn ở thuận thảo đi.
Giọng Tư Hưng như ngậm ngùi:
– Bác dám lãnh đủ bốn cái ngu trên đời… Không màng tiếng bấc, tiếng chì. Cái tiêu khiển của bác không làm hại cho ai. Và bác dám gánh trách nhiệm để cho kẻ khác vui sướng. Cháu phục mấy ông già xưa quá trời.

Sơn Nam.

Bài Liên Quan

Leave a Comment