TÂM AN / Người Việt –
Giáo Sư Phương Oanh 50 năm sống cùng nhóm Phượng Ca tại Pháp
.
WESTMINSTER, California – Sáng Thứ Năm, 1 Tháng Tám, 2019, Giáo Sư Phương Oanh cùng các bạn trẻ của nhóm Phượng Ca từ thủ đô Paris, Pháp, tới thăm nhật báo Người Việt, Westminster, nhân chuyến lưu diễn tại “Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam kỳ 5” tại Little Saigon, Nam California.
Giáo Sư Phương Oanh tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn năm 1962, sau đó bà trở thành giảng viên tại Nhạc Viện Quốc Gia Cao Đẳng Sài Gòn từ năm 1964 đến 1975. Sau khi định cư ở Pháp năm 1975, bà tiếp tục hoạt động âm nhạc và được mời làm giảng viên tại Nhạc Viện Quốc Gia Pháp để giảng dạy về Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam từ năm 1977 đến năm 2011.
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, Giáo Sư Phương Oanh cho hay: “Khi còn ở Sài Gòn, tôi từng tham gia phong trào Trầm Ca với các nhạc sĩ, ca sĩ như Nguyễn Đức Quang, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Phong, Hoàng Thái Lĩnh… Trong lúc ca sĩ Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đang trăn trở suy nghĩ về thân phận đất nước mình trong các ca khúc tại phòng trà thì tôi cùng với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trăn trở theo một hướng khác. Chúng tôi cùng với các anh Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Ngọc Tuệ, Hà Tường Cát – thế hệ những người sáng lập và đóng góp cho nhật báo Người Việt tại hải ngoại sau này – đã thành lập ra phong trào Thanh Ca Tác Động, đem tiếng hát của mình đi khắp nơi để thức tỉnh giới trẻ về hiện tình đất nước. Chúng tôi thường sinh hoạt tại nhà trưởng nhóm là anh Hoàng Ngọc Tuệ ở đường Sương Nguyệt Ánh. Sau này phong trào Du Ca mới ra đời.”
“Vào năm 1969, khi mà phong trào Du Ca đang phát triển rất mạnh, tôi mới nói với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang rằng tôi muốn quay về nhóm Phượng Ca mới thành lập của mình, để tập trung vào việc duy trì và phát triển nền âm nhạc dân tộc. Cái tên Phượng Ca là do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đặt,” bà nói thêm.
Từ đó tới nay, Giáo Sư Phương Oanh đã dành trọn 50 năm để duy trì hoạt động của nhóm Phượng Ca.
Đến nay, Phượng Ca đã có một chỗ đứng quan trọng trong lãnh vực giáo dục tại Pháp, góp phần khơi mở dòng chảy âm nhạc dân tộc vào các học đường, các trường đại học và cộng đồng Việt ở hải ngoại.
Tới năm 1980, Phượng Ca được đổi tên thành trường Nhạc Viện Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Paris. Đây cũng là một trường được chính phủ Pháp công nhận là trường nhạc dân tộc duy nhất tại Pháp với chương trình giảng dạy đàn tranh chính thức có trong bộ văn hóa giáo dục. Vì thế Giáo Sư Phương Oanh được mệnh danh là người “gieo mầm âm nhạc truyền thống Việt Nam nơi xứ người.”
Cùng đi với Giáo Sư Phương Oanh có các bạn trẻ gốc Việt trong nhóm Phượng Ca Paris để tham gia biểu diễn các nhạc cụ dân tộc tại Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần này. Có một điều khá đặc biệt, các bạn trẻ đều là những bác sĩ, kỹ sư, nhưng có niềm đam mê âm nhạc truyền thống như Long Vo Quang, kỹ sư IT Analyst hiện đang làm trong hệ thống ngân hàng; hai anh em Julien Quyen và Elodie Quyen, kỹ sư hạ tầng thông tin; Hssaini Tarik, bác sĩ đa khoa tại Paris.
Tham gia “Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam kỳ 5” lần này, Long sẽ chơi đàn nhị, Eledie sẽ thổi sáo, Julien sẽ biểu diễn đàn tranh còn Hssaini Tarik đi theo để “cổ vũ tinh thần.” Hssaini Tarik vốn là bạn thân của Long, con trai của Giáo Sư Phương Oanh, cha mẹ anh là người Pháp gốc Morocco.
“Tôi rất thích các món ăn Việt Nam, nhất là món phở. Tôi đã từng du lịch ở Sài Gòn, Việt Nam, hai lần vào năm 2014 và 2016. Tôi rất ngạc nhiên ở Mỹ lại có một Little Saigon nữa, nên tôi rất hào hứng tới đây,” anh cho biết.
Theo Giáo Sư Phương Oanh, còn có một nhóm Phượng Ca từ Na Uy cũng tới Little Saigon để chuẩn bị cho Đại Hội Âm Nhạc sắp tới.
Được biết, “Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam kỳ 5” sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ 30 phút tối Thứ Bảy, 3 Tháng Tám, tại Rose Center Theater, 14140 All American Way, Westminster, CA 92683. Đây là một chương trình ca nhạc-âm nhạc truyền thống đặc sắc do các đoàn văn nghệ truyền thống Việt Nam trên thế giới biểu diễn. (Tâm An)
Nguồn: Người Việt