PHẠM CHÍ DŨNG –
Cái chết của Trần Bắc Hà và một thứ mùi rất đặc trưng
.
Hai tuần sau khi được báo chí nhà nước thông tin ‘tử vong ngoại viện’ vào ngày 18/7/2019 cùng lời phát ngôn như thể thanh minh của lãnh đạo Quân y viện 105 ‘Bệnh viện không tác động gì về mặt chuyên môn đối với ông Trần Bắc Hà’ và ‘Bệnh viện không chịu trách nhiệm pháp y’, cái chết của nhận vật từng một thời đình đám ‘lưu manh ngân hàng’ đồng thời là ‘cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng’ vẫn còn nguyên ẩn số với mối nghi ngờ rất lớn về yếu tố thực chất của nó.
Những dấu hỏi phát sinh
Ngày cuối tháng 7 năm 2019, Bộ Công an một lần nữa ‘lên tiếng’ về cái chết của Trần Bắc Hà, sau một thời gian khá dài gần như bị ‘á khẩu’.
“Hiện nay Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang chủ trì khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà” – Trung tướng Lương Tam Quan, Chánh văn phòng Bộ Công an nói như thế khi trả lời câu hỏi của báo giới về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tuy nhiên tướng Quang lại thòng thêm câu “cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả”.
Lương Tam Quan luôn khiến nhiều người nhớ về ông ta như một người phát ngôn ‘chưa có thông tin’ trước dư luận và báo chí đã trở nên rất sôi động trong hai lần rộ lên thông tin về vụ Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị bắt tại cửa khẩu biên giới Singapore – Malaysia vào tháng Giêng năm 2018, và vụ Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh bị ‘câu lưu’ vào tháng 3 năm 2018. Trong ít nhất hai lần đó, tướng Quang hoặc bị ‘hố’ nặng, hoặc đã trở thành dẫn chứng rất tiêu biểu cho tình trạng cực kỳ thiếu minh bạch thông tin trong hoạt động của Bộ Công an.
Còn vào lần này, lại một lần nữa tướng Quang ‘chưa có thông tin’. Vậy vì sao vào lúc Trần Bắc Hà chết, một số tờ báo nhà nước đã mau mắn đưa tin nguyên nhân tử vong là do bị bệnh gan và cao huyết áp – những bệnh lý quá sức đơn giản đối với công tác pháp y, nhưng cho tới nay cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra công an và Cục Điều tra hình sự quốc phòng vẫn chưa ‘điều tra’ làm rõ được?
Phải chăng đã có một khuất tất đủ lớn hoặc đủ ghê gớm nào đó mà đã khiến các cơ quan trên không chỉ ngậm tăm trong suốt thời gian qua mà còn chẳng dám hứa hẹn gì về việc sẽ thông tin về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà trong thời gian tới?
Dấu hỏi trên lại khiến người ta nhớ lại những dấu hỏi khác đã hiện ra ngay vào lúc có tin Trần Bắc Hà ‘tử vong ngoại viện’: từ bản tin của báo Tuổi Trẻ về cái chết của Trần Bắc Hà đã lần đầu tiên cho biết Hà chết trong khi đang ở trong trại giam quân đội tại Sóc Sơn (Trại 771), phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy do những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội? Hoặc thuộc loại án ‘an ninh quốc gia’ nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội) chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công an? Hay do ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà đã không thật sự tin cậy vào các trại giam của Bộ Công an – nơi mà vẫn có thể còn ủ nguyên ‘đội hình chiến lược’ các quan chức công an được bổ nhiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên phải lệnh chuyển Hà sang trại giam quân đội – khu vực mà Trọng có vẻ nắm chắc quyền bính hơn?
‘Mùi’ gì từ một bài viết ẩn danh?
Trong khi những dấu hỏi trên chưa có cơ may nào được làm rõ, trên mạng xã hội đã xuất hiện bài viết mang tựa đề rất ấn tượng “Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng c03, Bộ Công an và các điều tra viên có liên quan” của một tác giả ẩn danh.
Theo tác giả này, việc chuyển bị can sang tạm giam tại Trại 771 chỉ áp dụng đối bị can trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, chuyên án ma tuý, hoặc vụ án mà bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bí mật nhà nước…
Cũng theo tác giả này, việc không cho phép bị can Trần Bắc Hà được hưởng quyền của bị can theo luật định, việc chuyển bị can sang Trại 711 không đúng quy định để giam giữ theo hình thức biệt giam trong những ngày hè nắng nóng… của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 rõ ràng có đủ dấu hiệu mặt khách quan của hành vi sử dụng nhục hình, song là cách dùng nhục hình hết sức tinh vi, lách luật nhằm gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với bị can Trần Bắc Hà. Hành vi này đã xâm phạm quyền con người, vi phạm Công ước Chống tra tấn là 01 trong 09 Công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1987; bị cấm trong hoạt động điều tra được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 về những hành vi bị nghiêm cấm là: “Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Đáng chú ý, bài viết trên đã mô tả về quá trình tạm giam Trần Bắc Hà từ Trại giam T16 của Bộ Công an, sau đó chuyển sang Trại 771 của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, việc Trần Bắc Hà bị đối xử rất thiếu ‘nhân quyền’ và sau đó phải tuyệt thực đến chết… rất chi tiết đến mức cứ như thể tác giả là người trong cuộc, tận mắt nhìn thấy toàn cảnh vụ Trần Bắc Hà đã chết như thế nào.
Bài viết trên đã xuất hiện gần như đồng thời với thời điểm ‘lên tiếng’ của người phát ngôn Bộ Công an là Lương Tam Quang – như một đòn phản bác dữ dội vào bộ này.
Mặc dù nhiều chi tiết của tác giả ẩn danh trên được cho là rất khó để kiểm chứng về tính xác thực của chúng, nhưng sự xuất hiện của bài viết rất chi tiết này – vào đúng lúc hai cơ quan điều ta của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có vẻ còn đang lúng túng chưa biết nên công bố nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà là do đâu hay ai đã làm cho Trần Bắc Hà phải ‘tử vong ngoại viện’ – đã khiến nồng lên một thứ mùi rất đặc trưng: mùi đấu đá phe phái.
Hầu như có thể chắc chắn là bài viết của tác giả ẩn danh trên – lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội – sẽ trở thành tâm điểm ‘điều nghiên’ của không chỉ hai cơ quan Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, mà còn có thể gây xáo động trong phòng họp của Bộ Chính trị đảng và các phòng họp cơ mật khác.
Cách đặt vấn đề và lối hành văn dẫn dắt chi tiết của bài viết trên còn cho thấy tác giả – mà đứng phía sau có thể là một lực lượng chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền – không chỉ dừng lại ở việc quy kết ‘trách nhiệm hình sự’ đối với Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, mà còn có thể sẽ nêu ra những cái tên khác, ở cấp cao hơn.
Cái chết ‘tử vong ngoại viện’ của Trần Bắc Hà cũng bởi thế nhiều hứa hẹn trở thành một cái cớ xác đáng để thổi bùng một cơn địa chấn không mấy êm dịu vào thời kỳ ‘toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’, đặc biệt trước thềm những hội nghị trung ương quyết liệt ‘làm nhân sự’ sẽ diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Nguồn: Blog VOA
LIÊN QUAN
Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà
Nguyễn Thắng
1-8-2019
Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng C03, Bộ Công an và các điều tra viên có liên quan
Chúng tôi được cung cấp thông tin để tập hợp viết bài này là từ những cán bộ, nhân viên đang công tác tại Trại giam T16 – Bộ Công an, Trại giam 771 Bộ Quốc phòng, các cán bộ tại Cục C03 – Bộ Công an, Bệnh viện 198 – Bộ Công an và Bệnh viện quân y 105 và thành viên nhóm pháp y hình sự đã mổ, khám nghiệm tử thi ông Trần Bắc Hà. Đây là những người đã có thời gian làm việc, trực tiếp chứng kiến về quá trình ông Trần Bắc Hà bị tạm giam, bị điều tra, hỏi cung và quyết tâm tuyệt thực, chết trong trại giam 771 – Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà những cán bộ này không dám công khai sự thật, nhất là họ sợ trả thù của những người có trách nhiệm liên quan đến cái chết của ông ấy, trong khi những người này đang nắm trong tay quyền lực có thể quyết định đến sinh mạng chính trị và nghề nghiệp của họ. Do đó, chúng tôi xin được không nêu tên cụ thể những người đã cung cấp thông tin để bảo vệ an toàn cho họ.
Chúng tôi cũng biết rằng, cho đến nay, sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà vẫn đang bị bưng bít do có nhiều tình tiết liên quan đến trách nhiệm của cá nhân Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng C03- Bộ Công an và một số cơ quan, cá nhân có liên quan. Cho dù bài viết và những thông tin về sự thật này gửi đến các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống trong nước thì cũng không một cơ quan nào dám đăng tải. Do vậy chúng tôi không còn cách nào khác là đưa bài viết và sự thật này lên mạng xã hội và các kênh truyền thông, báo chí ngoài nước.
Chúng tôi khẳng định việc đưa ra công luận về sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà là:
1- Không nhằm ủng hộ, bênh vực cho ông này, bởi vì ông ấy phạm pháp đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó;
2- Vì lý do nhân đạo, chúng tôi quyết định với mong muốn đối xử công bằng, ông ấy vẫn có tư cách là con người, không thể đối xử với ông ấy như vậy được.
3- Không có ý định, mưu đồ chính trị lợi dụng vụ việc này để hạ uy tín, phá hoại sự nghiệp, công danh đối với một ai;
4- Không có ý đồ gì ngoài việc: (1) bảo vệ sự đúng đắn, trong sạch trong hoạt động tư pháp của các cơ quan thực thi pháp luật về tố tụng hình sự; (2) bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, những quyền cơ bản của con người đã được Hiến định;
Chúng tôi cũng nhận thấy, có nhiều cơ quan, cá nhân, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm liên quan đến cái chết của ông Trần Bắc Hà, bao gồm: (1) trách nhiệm của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc- Cục trưởng Cục C03 và các điều tra viên Cục C03 trực tiếp thụ lý vụ án điều tra vụ án; (2) trách nhiệm của lãnh đạo Vụ 5 – Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Kiểm sát viên được giao trực tiếp theo dõi vụ án; (3) trách nhiệm của Giám thị và cán bộ quản giáo Trại 771- Bộ Quốc phòng; (4) trách nhiệm của Lãnh đạo Bệnh viện 198 Bộ Công an và bác sỹ trực tiếp khám, kết luận về sức khoẻ bị can Trần Bắc Hà….
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi sẽ nêu cụ thể về: (1) tình trạng sức khoẻ hoàn toàn khoẻ mạnh của ông Trần Bắc Hà trước khi bị bắt; (2) quá trình ông Trần Bắc Hà bị bắt, tạm giam tại Trại giam T16 – Bộ Công an và những gì ông đã khai báo: lý do chuyển sang giam tại Trại 771 – Bộ Quốc phòng; (3) quá trình ông Trần Bắc Hà bị biệt giam tại Trại 771 và suy yếu về sức khoẻ; (4) nguyên nhân làm cho ông ấy tuyệt thực, lý do bị chết trong trại giam.
Đồng thời, chúng tôi bước đầu phân tích, chỉ ra trách nhiệm hình sự của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cục C03 và các điều tra viên Cục C03 trực tiếp thụ lý vụ án điều tra vụ án, trong đó Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc- Cục trưởng Cục C03 phải là người chịu trách nhiệm chính đối với cái chết của ông Trần Bắc Hà. Còn đối với trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan khác có liên quan, chúng tôi sẽ phân tích ở các bài tiếp theo.
Chúng tôi mong muốn cơ quan có thẩm quyền làm rõ sai phạm, trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan, do đó trước mắt kiến nghị:
1. Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát nhân dân tối cao: tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội giết người, tội dùng nhục hình; tiến hành điều tra, làm rõ sai phạm và trách nhiệm hình sự của Thiếu tướng nguyễn Duy Ngọc- Cục trưởng Cục C03 và các điều tra viên Cục C03 trực tiếp thụ lý vụ án đã làm cho ông Trần Bắc Hà chết trong tù.
2. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận:
– Thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Cục C03- Bộ Công an và Thiếu tướng nguyễn Duy Ngọc- Cục trưởng Cục C03, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, cùng các Điều tra viên Cục C03 trực tiếp điều tra vụ án (theo quy định tại Điều 13 – Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 về Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử).
– Thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động kiểm sát của Vụ 5- Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao trách nhiệm theo dõi việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra vụ án có bị can Trần Bắc Hà (theo quy định tại Điều 10 – Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 về Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân).
I/ SỨC KHOẺ ÔNG TRẦN BẮC HÀ TRƯỚC KHI BỊ BẮT
Từ năm 2010, ông Trần Bắc Hà đã bị bệnh gan và tiến hành điều trị, đến năm 2012, sang Bệnh viện Quốc tế Singapore điều trị, phẫu thuật cắt một phần lá gan. Sau khi phẫu thuật, sức khoẻ ổn định, minh mẫn, thông tuệ, làm việc bình thường, không phải nghỉ ốm, hàng năm chỉ sang Singapore một tuần để kiểm tra kết hợp nghỉ dưỡng. Sau mỗi lần kiểm tra đều kết luận sức khoẻ tốt, không có bệnh gì.
Trong thời gian này, ông Bắc Hà đã biết đến ăn kiêng, bỏ rượu bia, thuốc lá, biết tìm đến Phật pháp (tụng kinh, niệm Phật) để có sự cân bằng tinh thần.
Trước khi bị bắt 2 tháng, tháng 9/2018 ông ấy tiếp tục sang Singapore để kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm và kết quả tốt, không có bệnh gì, chỉ có huyết áp hơi cao, song đó là chuyện bình thường của người cao niên.
(Chúng tôi có đầy đủ hồ sơ sức khoẻ của ông Trần Bắc Hà đi khám, điều trị tại Singapore, khẳng định sức khoẻ ông ấy hoàn toàn bình thường, không phải bị bệnh ốm yếu, ung thư như báo chí đăng tải)
II/ TRONG THỜI GIAN ÔNG TRẦN BẮC HÀ BỊ BẮT TẠM GIAM
2.1. Tại Trại T16 – Bộ Công an.
Sau khi bị bắt tháng 11/2018 và tạm giam tại trại T16 Bộ Công an, ông Trần Bắc Hà hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo, sức khoẻ tốt, không có bệnh tật gì.
Mỗi lần đi lấy cung, ông ấy đều yêu cầu có luật sư theo luật nhưng không được Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng C03 chỉ đạo đáp ứng, còn các lời khai của ông này chủ yếu là phản bác lại các cáo buộc phạm tội trong hầu hết các vụ việc, các câu trả đều lô gích, sắc sảo, kín kẽ, thông tuệ, không có tình tiết nào sơ hở để bị buộc tội, ông ấy chỉ đuối lý trong vụ án BIDV cho công ty Bình Hà vay vốn thực hiện dự án trại bò tại Hà Tĩnh.
2.2. Lý do chuyển tạm giam ông Trần Bắc Hà từ Trại T16 sang Trại 771
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng C03 trực tiếp chỉ đạo việc chuyển ông Trần Bắc Hà sang tạm giam tại trại 771 Bộ Quốc phòng theo hình thức biệt giam (một mình một buồng giam) vào đúng thời gian khởi tố bị can Trần Duy Tùng (tháng 3/2019) liên quan đến Công ty Bình Hà vay vốn thực hiện dự án trại bò tại Hà Tĩnh, mục đích nhằm:
1- Gây sức ép lên thể xác buộc bị can khai báo.
2- Đảm bảo bí mật hoạt động điều tra (chúng tôi sẽ có bài viết tiếp theo về sự thật lý do đảm bảo bí mật hoạt động điều tra).
2.3. Trong thời gian bị biệt giam tại trại 771 – Bộ Quốc phòng
a) Về điều kiện giam giữ tại Trại 771
Điều kiện giam giữ theo hình thức biệt giam đối với ông Trần Bắc Hà tại trại 771 Bộ Quốc phòng hết sức hạn chế: buồng giam rộng 6 m2, có duy nhất một lỗ thoáng có song sắt rộng 20 cm, dài 40 cm; vật dụng sinh hoạt không có gì, phải nằm sàn; Trại chỉ cung cấp cho một xô nhựa và một cái bô để đi vệ sinh, nước uống hạn chế chỉ 1,5 lít nước/một ngày trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt khiến cho điều kiện môi trường sống trong buồng giam hết sức khắc nghiệt; điều kiện y tế Trại 771 cũng rất kém, chỉ có một phòng cấp phát thuốc, không có Trạm xá.
b) Về việc tuyệt thực của ông Trần Bắc Hà
Trong suốt thời gian bị biệt giam, ông Trần Bắc Hà thường xuyên ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh sám hối và tập khí công, do đó tình trạng sức khoẻ tốt, tinh thần tỉnh táo, các quản giáo đều bất ngờ vì khả năng chịu đựng của ông ấy.
Do cái nắng mùa hè gay gắt liên tục từ tháng 5 đến đầu tháng 7/2019, có khi nhiệt độ buồng biệt giam lên tới gần 50o C, ông Trần Bắc Hà có biểu hiện ốm yếu, cơ thể lở loét vào đầu tháng 7/2019. Khi đó, Trại 771 đã có văn bản gửi Cục C03- Bộ Công an đề nghị đưa đi khám bệnh. Trên cơ sở báo cáo tình hình của hai Điều tra viên Cục C03 được giao thụ lý vụ án, Cục C03 đã đưa bị can này đi khám tại Bệnh viện 198 mà không có sự chứng kiến của gia đình, thân nhân theo quy định của pháp luật. Bệnh viện 198 đã tiến hành các xét nghiệm một cách sơ sài trong một buổi sáng và đưa ra kết luận sức khoẻ bị can tốt, tim, gan, phổi, dạ dày hoạt động bình thường, không có vấn đề gì về sức khoẻ, chỉ có huyết áp hơi cao lên đến 140, song đó là bệnh của người già.
(Chúng tôi có hồ sơ y bạ về khám bệnh sơ sài và kết luận của Bệnh viện 198)
c) Về nguyên nhân ông Trần Bắc Hà chết trong trại 771
Sau khi đi khám về, ông Trần Bắc Hà tiếp tục yêu cầu Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng C03 trực tiếp chỉ đạo Cục C03 cho ông ấy đi bệnh viện điều trị bệnh, hoặc cho chuyển trại giam, nếu không ông ấy sẽ chết trong trại. Không được đáp ứng yêu cầu, từ ngày 12/7/2019, ông Bắc Hà tuyên bố và bắt đầu tuyệt thực, không ăn cơm, không uống nước, thậm chí cán bộ quản giáo đã phải xúc cháo, sữa cho ăn, song ông ấy nhè ra không chịu nuốt.
Trước tình hình đó, cán bộ quản giáo đã báo cáo và Trại 771 đã có văn bản thông báo tình trạng tuyệt thực của bị can cho Cục C03 – Bộ Công an. Cục C03 đã cử hai điều tra viên đến trại 771 nắm tình hình, động viên, nhưng ông này đã không nghe. Hai điều tra viên này đã về báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo Cục C03, song thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cục C03 nói rằng “kệ xác nó”.
Đến ngày 16/7/2019, khi sức khoẻ của ông ấy đã giảm sút nghiêm trọng, Trại 771 tiếp tục có công văn lần 2 thông báo cho Cục C03, đồng thời gọi điện thoại trực tiếp cho Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng C03 biết tình trạng thực tế. Tuy nhiên, cho đến chiều ngày 17/7/2019, hai điều tra viên Cục C03 mới lên đến Trại 771 và cùng quản giáo mở cửa buồng biệt giam lúc 17 giờ 30, khi đó đã thấy ông Trần Bắc Hà nằm co bất động, thân thể đã chết lạnh cứng (chúng tôi có hình ảnh và video clip về hiện trường ông ấy bị chết nằm co trong buồng biệt giam, song vì lý do nhân đạo đối với người đã khuất, đồng thời không muốn xới thêm vào nỗi đau thương mất mát của gia đình ông ấy, vì vậy chúng tôi không đưa hình ảnh và clip này lên).
Tối 17/7/2019, Trại 771 điện thoại cho các cơ quan liên quan đến làm việc, Bệnh viện 198 – Bộ Công an do đã biết thông tin ông Bắc Hà đã bị chết trong trại giam nên chối bỏ trách nhiệm, đề nghị Trại 771 liên hệ đúng tuyến Bệnh viện quân y 105 Sơn Tây. Khi có mặt đầy đủ, các cơ quan liên quan (Cục C03 – Bộ Công an, Vụ 5 – Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bệnh viện quân y 105…) tiến hành khám nghiệm hiện trường và thống nhất kịch bản đưa thông tin báo chí là bị can có tiền sử ốm yếu, mắc bệnh ung thư gan và bị chết trên đường đi cấp cứu.
Khoảng hơn 05 giờ sáng hôm sau, ngày 18/7/2019, xe cấp cứu của Bệnh viện quân y 105 mới chở thi thể ông Trần Bắc Hà đến Bệnh viện quân y 105. Bệnh viện đã yêu cầu đưa nạn nhân vào nhà xác và lập Biên bản tiếp nhận tử thi. Tiếp theo, việc mổ pháp y khám nghiệm tử thi đối với ông Trần Bắc Hà được tiến hành, phía gia đình ông Trần Bắc Hà đến chứng kiến chỉ có một cán bộ cấp Ban của ngân hàng BIDV và duy nhất một người anh trai kế trên ông Trần Bắc Hà. Người anh trai này tên Nam, gia đình ở Hà Nội, trước đây nguyên là một Phó Vụ trưởng thuộc Văn phòng Chính phủ đã về hưu, gia đình thường gọi là ông Chín (người con thứ chín), còn ông Bắc Hà là người con út thứ mười.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, các bộ phận nội tạng trong cơ thể ông ấy còn nguyên vẹn, tim, gan không bị tổn thương gì, trong miệng ngậm một miếng bánh quy, trong dạ dạy không có thức ăn, bị lở loét da thịt vùng sát gáy, lưng, hai bờ vai và hai mạn sườn, điều đó chứng tỏ ông Trần Bắc Hà bị kiệt sức, chết đói do tuyệt thực, trước khi chết bị ốm yếu.
Thi thể ông được chuyển đi bảo quản lạnh tại Bệnh viện Bạch Mai lúc 01 giờ ngày 19/7/2019, được gia đình tổ chức khâm liệm ngày 22/7/2019 và chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm tang lễ, an táng cùng ngày.
III/ TRÁCH NHIỆM CỦA THIẾU TƯỚNG NGUYỄN DUY NGỌC – CỤC TRƯỞNG CỤC C03 VÀ CÁC ĐIỀU TRA VIÊN CỤC C03 – BỘ CÔNG AN
3.1. Trách nhiệm của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cục C03
Trách nhiệm chính dẫn đến cái chết của bị can Trần Bắc Hà trong thời gian bị gửi biệt giam tại Trại T771 thuộc về thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cục C03 do đã có các hành vi vi phạm pháp luật sau:
a) Có hành vi dùng nhục hình với bị can Trần Bắc Hà và phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội dùng nhục hình quy định tại Điều 373 Bộ Luật hình sự 2015.
– Một là, trong suốt thời gian hơn 7 tháng bị tạm giam tại trại T16 – Bộ Công an và biệt giam tại Trại 771 – Bộ Quốc phòng, ông Trần Bắc Hà không được Cục C03 do Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng C03 chỉ đạo cho phép được thực hiện các quyền của bị can theo luật định, như:
– Không được thân nhân thăm nuôi theo quy định pháp luật, bản thân gia đình cũng không biết bị can bị tạm giam ở đâu để tiếp tế;
– Không có luật sư tham gia các buổi hỏi cung để bảo vệ quyền và lợi ích cho bị can, mặc dù bị can này đã có sẵn luật sư từ trước.
– Nhiều lần hỏi cung, Cục C03 cũng không thực hiện việc ghi hình, ghi âm buổi hỏi cung theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng C03 đã vi phạm nghiêm trọng quyền của bị can được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự để phòng tránh oan sai, tra tấn, dùng nhục hình, bức cung đối với bị can.
– Hai là, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 đã chỉ đạo chuyển sang trại giam 771 Bộ quốc phòng đối với bị can Trần Bắc Hà để đảm bảo bí mật hoạt động điều tra là không đúng quy định, bởi vì:
– Bị can này bị khởi tố với tội danh thuộc loại vụ án kinh tế đơn thuần, không thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Trong khi việc chuyển bị can sang tạm giam tại Trại 771 chỉ áp dụng đối bị can trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, chuyên án ma tuý, hoặc vụ án mà bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bí mật nhà nước… vụ án kinh tế.
Việc Cục C03 thực hiện chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 chuyển bị can Trần Bắc Hà sang biệt giam (giam giữ một mình một buồng) tại trại T771 với điều kiện sống khắc nghiệt, có chế độ sinh hoạt và điều kiện y tế hạn chế đã làm cho bị can này đến đầu tháng 7/2019 bị suy giảm sức khoẻ, phải đưa đi Bệnh viện 198 để khám bệnh.
Như vậy, việc không cho phép bị can được hưởng quyền của bị can theo luật định, việc chuyển bị can sang Trại 711 không đúng quy định để giam giữ theo hình thức biệt giam trong những ngày hè nắng nóng… của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 rõ ràng có đủ dấu hiệu mặt khách quan của hành vi sử dụng nhục hình, song là cách dùng nhục hình hết sức tinh vi, lách luật nhằm gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với bị can Trần Bắc Hà.
Hành vi này đã xâm phạm quyền con người, vi phạm Công ước chống tra tấn là 01 trong 09 Công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1987; bị cấm trong hoạt động điều tra được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 về những hành vi bị nghiêm cấm là: “Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Hành vi dùng nhục hình của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đã khiến bị can tự sát bằng hình thức tuyệt thực, đã vi phạm vào quy định tại Khoản 1, Điểm b Khoản 3 Điều 373 Bộ Luật hình sự 2015, đó là:
“1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. …. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Làm người bị nhục hình tự sát”.
Về mặt chủ quan, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cục C03 đã cố ý và từng bước tính toán rất chi tiết về việc điều chuyển bị can Trần Bắc Hà sang biệt giam tại Trại T771, biết trước điều kiện giam giữ hạn chế, chế độ sinh hoạt và y tế hạn chế sẽ hành hạ thân thể bị can.
b) Có hành vi giết người, phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người do cố ý thúc đẩy bị can Trần Bắc Hà vào tình trạng tuyệt thực bằng hành vi dùng nhục hình tinh vi, đồng thời bỏ mặc để bị can tuyệt thực đến chết.
Bên cạnh phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi dùng nhục hình, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cục C03 đã cố tình không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình theo uy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra:
“Thủ trưởng Cơ quan điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định các vấn đề về công tác của Cơ quan điều tra do mình làm Thủ trưởng; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên…”;
Mặc dù Trại 771 đã thông báo, điều tra viên thụ lý vụ án cũng đã báo cáo về tình trạng tuyệt thực và sức khoẻ suy sụp nghiêm trọng của bị can Trần Bắc Hà, song thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, người có quyền lãnh đạo, trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án đã không hề có bất kỳ một ý kiến chỉ đạo nào theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình nhằm ngăn chặn, xử lý, giải quyết tình trạng tuyệt thực của bị can này, trong khi đó việc ngăn chặn, xử lý tình trạng tuyệt thực đó hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện nhanh chóng. Hành vi cố tình bỏ mặc với quan điểm “kệ xác nó” của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc nhằm để cho bị can chết trong trại giam có đầy đủ dấu hiệu mặt khách quan, chủ quan, khách thể, chủ thể và hậu quả của cấu thành tội phạm Tội giết người quy định tại Khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.
3.2. Trách nhiệm của các điều tra viên Cục C03 trực tiếp thụ lý vụ án
Các điều tra viên Cục C03 được giao thụ lý vụ án đã có báo cáo bằng văn bản gửi Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cục C03, Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về tình trạng sức khoẻ nguy kịch đến tính mạng do tuyệt thực của bị can Trần Bắc Hà và đề xuất đưa bị can đi chữa bệnh. Khi Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cục C03, Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cố tình bỏ mặc, không chỉ đạo để ngăn chặn tình trạng tuyệt thực của bị can Trần Bắc Hà, các điều tra viên Cục C03 được giao thụ lý vụ án đều biết rõ khả năng suy kiệt sức khỏe có nguy cơ tử vong của bị can nếu không thực hiện đề xuất đưa bị can đi chữa bệnh.
Tuy nhiên trong trường hợp này, đúng ra là các điều tra viên phải báo cáo, nhưng lại không có báo cáo bằng văn bản với những cấp có thẩm quyền, bao gồm Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an là thượng tướng Lê Quý Vương, và Kiểm sát viên Vụ 5- Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao theo dõi vụ án. Việc không báo cáo nói trên đã làm cho các cấp có thẩm quyền không nắm được tình hình, thực trạng nguy cấp để kịp thời có biện pháp giải quyết, ngăn chặn tình trạng tuyệt thực đến chết của bị can Trần Bắc Hà.
Bên cạnh đó, các điều tra viên Cục C03 được giao thụ lý vụ án còn vi phạm các quy định pháp luật tố tụng hình sự về việc không cho bị can được thực hiện các quyền được người thân thăm nuôi, được có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình hỏi cung; không ghi âm, ghi hình các buổi hỏi cung.
Do vậy, các điều tra viên này đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của điều tra viên được quy định tại Điều 53 – Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự là:
“1. Điều tra viên được tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra. 2. Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự. 3. Điều tra viên có trách nhiệm sau đây: a) Áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan để điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; b) Tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra….”
Do không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình dẫn đến cái chết của bị can Trần Bắc Hà, hành vi của các điều tra viên Cục C03 được giao thụ lý vụ án có đầy dủ dấu hiệu cấu thành Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 360 Bộ luật hình sự 2015, đó là:
“Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm: a) Làm chết người;…”
Nguồn: Tiếng Dân