Tìm thấy 2 chất quý hơn vàng trong gạo trắng ở Việt Nam

Tìm thấy 2 chất quý hơn vàng trong gạo trắng ở Việt Nam

.

\"\"
Nông dân ở các Hợp Tác Xã sản xuất tại tỉnh Quảng Trị chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh khi trồng lúa. (Hình: Hải Quan)

HÀ NỘI, Việt Nam – Hai hợp chất có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, bệnh gút có trong gạo hữu cơ ở Quảng Trị được xem còn quý và đắt hơn vàng gấp 30,000 lần.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, sáng 3 Tháng Tám, 2019, tại Hà Nội, Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Sản Xuất và Thương Mại Đại Nam (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tổ chức họp báo chính thức công bố hai hợp chất Momilactone A (MA) và Momilactone B (MB) có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, bệnh gút được tìm thấy trong gạo hữu cơ trồng ở tỉnh Quảng Trị.

Trước đó, hồi cuối Tháng Giêng, 2019, Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Trần Đăng Xuân, trưởng Phòng Thí Nghiệm Sinh Lý Thực Vật và Hóa Sinh, Đại Học Hiroshima (Nhật Bản), lần đầu tiên công bố trên tạp chí khoa học quốc tế nổi tiếng Molecules của MDPI về việc tìm thấy sự hiện diện của hai hợp chất MA và MB trong gạo trắng trồng ở Việt Nam.

Tại buổi họp báo, ông Xuân cho biết đã làm xét nghiệm các chỉ tiêu và phát hiện gạo hữu cơ Ong Biển Quảng Trị không chỉ có hai hợp chất MA và MB, mà loại gạo này còn là siêu sạch đạt cả 545 chỉ tiêu về phẩm chất.

Báo VNExpress cho hay, hai hợp chất MA và MB trước đó từng được trang điện tử Carbosynth.com, một công ty chuyên về các sản phẩm hóa sinh nổi tiếng của Anh Quốc bán với giá $1.25 triệu/1 gram (đắt gấp 30,000 lần giá trị 1 gram vàng).

Sở dĩ hợp chất này có giá đắt như vậy vì rất ít phòng thí nghiệm tách chiết thành công. Cũng vì giá của nó quá đắt nên hiếm có phòng thí nghiệm tách chiết nào đủ điều kiện tài chính để mua MA và MB, do đó các nghiên cứu sâu về hợp chất này cũng vắng bóng trên thế giới.

“MA và MB là các hợp chất tiềm năng chống tiểu đường mới, chống béo phì và gout thông qua khả năng ức chế hoạt động của các enzymes liên quan đến các bệnh này. Đây là những hoạt tính sinh học quan trọng, lần đầu tiên được nghiên cứu trên MA và MB,” Phó Giáo Sư Trần Đăng Xuân kết luận.

\"\"
Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Đăng Xuân trong buổi công bố hai hợp chất  MA và MB sáng 3 Tháng Tám, 2019. (Hình: VietNamNet)

Dựa vào kết quả nghiên cứu in vitro, ông Xuân và cộng sự khẳng định, việc ăn một lượng gạo nhất định hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ bệnh gút, béo phì và tiểu đường. Kết luận này thay đổi quan niệm thông thường rằng ăn gạo làm đẩy mạnh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cho con người.

Công bố này gây sự chú ý lớn trong giới khoa học về sinh lý thực vật trên thế giới, đặc biệt trên cây lúa. Phó Giáo Sư Trần Đăng Xuân cũng khẳng định: “Hai hợp chất MA và MB còn có khả năng kì diệu hơn nữa.”

Ông Xuân cũng tiết lộ với báo chí “sẽ kết hợp với một số công ty của Nhật Bản và các cơ quan nghiên cứu Việt Nam như Viện Di Truyền Nông Nghiệp để sản xuất ra các giống lúa có hàm lượng MA và MB cao gấp nhiều lần thông thường, nhằm tạo ra sản phẩm gạo ‘Made in Việt Nam’ nhưng có thể được bán với giá cao trong và ngoài nước với các tính năng giảm thiểu các bệnh nan y đang xảy ra tại Việt Nam và thế giới.”

Ông tin tưởng, sau vài năm nữa những sản phẩm thương mại đầu tiên từ cây lúa Việt Nam có chứa hàm lượng cao hai hợp chất MA và MB sẽ được người Việt Nam, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ biết đến.

Phó Giáo Sư Trần Đăng Xuân hy vọng “công trình sẽ góp phần nâng cao vị thế lúa gạo của Việt Nam trên thế giới, và sớm có thể tạo nên các sản phẩm là niềm tự hào của người Việt.”

Ông Xuân là nhà khoa học Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Hiện ông hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu về nhân giống cây trồng, bộ gene, khoa học cỏ dại, sản xuất nông nghiệp bền vững, hóa học hữu cơ, hóa học phân tích, năng lượng sinh khối…

Ông Xuân có hơn 110 công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI và 130 bài trong danh mục Scopus, với điểm H-index là 24.

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment