Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Kỳ 5: Giữ hồn quê hương nơi hải ngoại

VĂN LAN / Người Việt –

Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Kỳ 5: Giữ hồn quê hương nơi hải ngoại

.

\"\"
Tiết mục “Âm Điệu Giao Duyên” kết thúc Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Kỳ 5 tại Nam California. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California – Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam kỳ 5, do Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam (Vietnamese Traditional Arts Development Organization-VTADO), Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng tổ chức từ ngày 1 đến 3 Tháng Tám, 2019, với nhiều đoàn văn nghệ dân tộc trên các nước tham dự.

Theo truyền thống 2 năm một lần, bắt đầu từ lần thứ nhất năm 2011 tại Mississauga, Toronto, Canada; lần thứ hai năm 2013 tại Seattle, Washington, USA; lần thứ ba năm 2015 tại Bankstown (Sydney) và Melbourne (Úc); lần thứ tư năm 2017 tại Paris, Pháp.

Đại hội kỳ 5, năm nay với sự tham gia hùng hậu của các đoàn văn nghệ nghệ thuật truyền thống Việt Nam và các giáo sư đến từ các nước Canada, Pháp, Na Uy, Việt Nam, cùng các Đoàn Hướng Việt, Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc Paris, Phượng Ca Na Uy, Tre Việt, Tiếng Hoài Hương,Tiếng Vọng Quê Hương, và Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng.

\"\"
Trao và nhận huy hiệu luân lưu cho kỳ 6 sẽ tổ chức tại Đài Loan năm 2021. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Kỹ Sư Tạ Trung, phó chủ tịch ngoại vụ của Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, phó đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, trưởng ban tổ chức đại hội kỳ 5, cho biết: “Đại Hội năm nay với 3 mục đích: trau dồi kinh nghiệm giảng dạy, trình diễn và học hỏi về âm nhạc truyền thống; kết chặt tình thân giữa các tổ chức, các nhóm nhạc dân tộc Việt Nam trên khắp thế giới; và phổ biến, duy trì và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nhạc sư truyền lại kiến thức cho nhạc sinh, người sẽ tiếp nối con đường bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam.”

Thứ Bảy, 3 Tháng Tám, tại nhà hát Rose Center, Westminster, người thưởng thức đã không bỏ công chờ đợi, khi sân khấu tràn ngập các giai điệu âm nhạc và các nghệ sĩ đã cống hiến hết mình trong 17 tiết mục, với nhiều tràng pháo tay nồng nhiệt tán thưởng.

Sân khấu tràn ngập âm thanh của 3 miền Bắc, Trung, Nam trong các làn điệu ca trù, chèo, quan họ, nhạc thính phòng Huế, vọng cổ cải lương, các nhạc cụ thi nhau hòa điệu trong tiếng đàn tranh, tỳ bà, bầu, nguyệt, trống chầu, các nhạc cụ cổ truyền cùng vang tiếng vọng thời gian.

\"\"
Các giáo sư và nhạc sinh chào tạm biệt khán thính giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mở màn là tiếng trống vang rền, hòa tấu cùng đàn tranh trong bản “Chiều Trên Cao Nguyên,” sáng tác Nguyễn Châu, với sự hợp tấu của các ban Hướng Việt, Lạc Hồng, Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc-Paris, Phượng Ca Na Uy, Tiếng Hoài Hương, Tiếng Vọng Quê Hương, và Tre Việt.

Một tiết mục đặc sắc, lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt Nam tại hải ngoại trong màn chầu văn Bắc, “Cô Đôi Thượng Ngàn,” biên soạn Nguyễn Châu, do em Emily Nguyễn cùng Ban Nhạc Thiếu Nhi Lạc Hồng trình diễn, nhận được sự nhiệt liệt tán thưởng.

Không khí đôi lúc trầm mặc khi đoàn Hướng Việt trình bày “Ngọc Quý Trong Sen,” cả thính phòng tràn ngập cùng âm hưởng câu thần chú “Án Ma Ni Bát Mê Hồng” trong ý nghĩa giữ thân tâm trong sạch, đoàn Hướng Việt vừa đàn vừa hát, thính giả cùng hòa theo câu thần chú.

Không khí vui tươi lên với bản hòa tấu “Ca Vang Lên,” biên soạn Kim Uyên, đoàn Tre Việt trình bày, mọi người cùng hát lên hòa điệu. Hoặc trong “Ca Khúc Trầm Hương” sáng tác Linh Mục Dao Kim, hòa âm Nguyễn Châu, cho thấy sự đa dạng của nhạc cụ dân tộc trong trình diễn.

\"\"
Tiết mục đàn tranh “Ngọc Quý Trong Sen,” đoàn Hướng Việt (Canada) trình bày trong đại hội âm nhạc kỳ 5.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ban Hòa Tấu Hợp Xướng Thiếu Nhi Lạc Hồng, thế hệ tiếp nối âm nhạc truyền thống Việt Nam, khiến người nghe thích thú qua hợp xướng “Ru Con và Những Nẻo Đường Việt Nam,” dân ca Nam Bộ, sáng tác Thanh Bình, hòa âm Nguyễn Châu, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt.

Chương trình đưa người nghe qua 3 miền đất nước, với sự dẫn dắt tài tình của 2 MC Nguyễn Hoàng Dũng và Y Sa.

Giáo Sư Nguyễn Thị Mai, đồng sáng lập và điều hành Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, và Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, chúc đại hội kỳ 6 sẽ thành công hơn nữa, và nói lời cảm ơn, xin lỗi của ban tổ chức đến quý khán thính giả, vì đã không đáp ứng đủ chỗ ngồi trong đêm trình diễn, dù đã chuẩn bị trong suốt năm qua.

Ban tổ chức công bố đại hội âm nhạc truyền thống Việt Nam kỳ 6 năm 2021 sẽ được trình diễn tại Đài Loan, do Đại Học Nghệ Thuật Đài Bắc quảng bá. Đây là dịp đem âm nhạc truyền thống Việt Nam giao lưu với các nền âm nhạc của các nước trong khu vực.

Tất cả các ban nhạc cùng hòa tấu “Âm Điệu Giao Duyên” sáng tác Nguyễn Châu, để ca ngợi tình bằng hữu liên kết giữa các đoàn đã khép lại chương trình.

Giữ hồn dân tộc

Trước đó, hôm Thứ Sáu, 2 Tháng Tám, tại Trung Tâm Lạc Hồng, Westminster, có buổi hội thảo về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhiều đề tài được chia sẻ giữa quý vị giáo sư và nhạc sinh, cùng nhiều người hâm mộ, như “Đại Cương Sự Khác Biệt Âm Nhạc Việt Nam và Tây Phương,” “Sự Phát Triển Hòa Tấu Âm Nhạc Dân Tộc Trong Giai Đoạn Hiện Nay,” “Âm Nhạc Cổ Truyền Miền Bắc”

Những câu hỏi thực tế cũng được nêu lên như: “Làm sao duy trì và phát triển được nền âm nhạc truyền thống Việt Nam đến giới trẻ,” “Sự khác biệt giữa âm nhạc truyền thống Việt và thế giới,” “Làm gì để giới trẻ biết yêu nhạc truyền thống Việt Nam.”

\"\"
Tiết mục quan họ “Người Ơi Người Ở Đừng Về” của đoàn Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc-Paris và Phượng Ca Na Uy trong đại hội âm nhạc kỳ 5. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Nguyễn Châu cho rằng: “Nếu giới trẻ không tiếp thu và phổ biến, nền âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ mất. Vì thế để phát triển nền âm nhạc Việt, dù có kết hợp tinh hoa và nhạc cụ thế giới, phải có chất Việt Nam, không được lai căng, hòa hợp với cái mới nhưng không mất đi những đặc sắc âm nhạc cổ truyền của mình, đó là kỹ thuật nhấn, rung, mổ.”

Giáo Sư Võ Quang Phương Oanh chia sẻ những thao thức làm sao giữ được căn bản của âm nhạc dân tộc. Bà cho rằng đại hội âm nhạc dân tộc truyền thống kỳ 5 này có những sáng tác được soạn rất kỹ, mong rằng sẽ giữ được nét dân tộc của mình, nếu không sẽ bị mất gốc.

“Làm sao giữ lại được cái hồn bản gốc của dân tộc mới là quan trọng, nếu không giữ lại được nền nhạc truyền thống Việt, với kỹ thuật của riêng mình thì chính mình đã tự làm mình mất gốc, có khi lai nhạc Tàu!,” Giáo Sư Oanh nói thêm.

Trưởng đoàn Tre Việt, đến từ Toronto, Canada, cô Kim Uyên chia sẻ nếu nắm vững và áp dụng đúng phương pháp truyền thống, với kỹ thuật nhấn, rung, và mổ, chắc chắn tiếng đàn tranh của Việt nam sẽ có sức truyền cảm lan khắp thế giới.

Đa số ý kiến trong buổi hội thảo đều cho rằng cần phải đưa văn hóa dân tộc, âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ, cần có bản quốc ngữ của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Phải hiểu mới yêu được âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhạc cụ dân tộc khác với âm nhạc dân tộc, đừng thấy đàn bầu Việt Nam chơi được nhạc Tchaikovsky thì khen là hay, vì nó không có hồn dân tộc!

Tiến Sĩ Khoa Học Lý Diệu Sang, đến từ Pháp, trong đoàn Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc – Paris, cho biết: “Ban đầu học đàn tranh, em thắc mắc muốn tìm hiểu sự khác biệt giữa thang âm của đàn tranh Việt Nam và đàn Guzheng Trung Quốc. Nhưng khi đi sâu vào thực hành em thấy tự tin và có hồn hơn khi chơi đàn tranh Việt Nam.”

Giáo Sư Tiến Sĩ Trương Thị Quỳnh Hạnh, giám đốc Nhà Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam tại Paris. Bà đã sáng chế ra đàn tranh bầu độc đáo trình diễn tại concert ở Paris và quốc tế, để sáng tác và hòa thanh dân tộc cho nhiều tập khúc viết cho đàn tranh bầu, trình diễn thành công rực rỡ tại nhiều concert quốc tế.

\"\"
Em Kayla Trần độc tấu tỳ bà và Ban Nhạc Thiếu Niên Lạc Hồng hòa đàn trong “Về Miền Sông Nước.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Phần thuyết trình của bà rất thú vị khi trình bày có trình diễn các thể loại trong âm nhạc cổ truyền miền Bắc như Ca trù, Chèo, Hát ru, Hát ví, Kiều lẫy, Chầu văn,…

Cô Kim Uyên, trưởng đoàn Tre Việt, đến từ Canada, người tổ chức đại hội âm nhạc truyền thống thế giới đầu tiên năm 2011 tại Toronto, Canada, chia sẻ: “Điều mong muốn nhất của tôi là không chỉ có người Việt, mà cần mở rộng ra, để các bè bạn của mình trên khắp năm châu hiểu được âm nhạc truyền thống Việt Nam hay, đẹp như thế nào. Và sự hy sinh của phụ huynh để hướng con em mình vào niềm đam mê âm nhạc truyền thống là cần thiết, phải cùng chung ý tưởng yêu quê hương, bảo tồn nền âm nhạc truyền thống Việt Nam nơi xứ người.”

Các đại hội đã thu hút được sự tham gia, cộng tác của các giáo sư và các nhóm âm nhạc truyền thống Việt Nam hiện đang hoạt động gắp nơi trên thế giới, cùng góp sức chung tay giữ gìn phát triển, luôn giữ vững hồn dân tộc nơi hải ngoại.

Mọi chi tiết xin liên lạc: (714) 642-9590, (714) 251-2132, (657) 246-9775. (Văn Lan)

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment