Định mệnh Hồng Kông, tương lai châu Á

Định mệnh Hồng Kông, tương lai châu Á

Thụy My-Đăng ngày 05-08-2019 

\"media\"/

Người biểu tình phản đối vụ tấn công của xã hội đen ở Nguyên Lãng (Yuen Long) đối đầu với cảnh sát. Ảnh chụp ngày 27/07/2019.REUTERS/Edgar Su

\”Không chỉ số phận của « Hương Cảng » mà là cả tương lai chính trị của Trung Quốc, thậm chí cả châu Á đang được đặt cược trên đường phố Hồng Kông\”.

Tình hình Hồng Kông và vùng Vịnh được các báo Pháp chú ý bình luận nhiều nhất, bên cạnh các vấn đề thời sự khác như chế độ hưu bổng, cái chết của một thanh niên khi cảnh sát giải tán một vụ tụ tập, các nước châu Á gởi trả rác thải, nguy cơ vũ khí nguyên tử.

Làn gió nổi dậy tại Hồng Kông

Trong bài « Tại Hồng Kông, ngọn gió nổi dậy đã bùng lên », Le Figaro cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng từ nhiều tháng qua, có vẻ bế tắc hơn bao giờ hết. Dù Bắc Kinh đe dọa can thiệp quân sự, người biểu tình Hồng Kông ngày càng dũng cảm hơn. Họ xuống đường mỗi cuối tuần với những tiếng hô « Hồng Kông tự do ! », và kêu gọi tổng đình công vào hôm nay, sự kiện chưa từng có tại thị trường tài chính thế giới này.

Dự luật dẫn độ chỉ là tia lửa làm dấy lên phong trào phản kháng nay đã mở rộng. Ngoài yêu sách hủy bỏ dự luật này và trưởng đặc khu phải từ chức, nay người biểu tình còn đòi hỏi trả tự do cho 44 người bị bắt – với cáo buộc « nổi loạn », có khung hình phạt đến 10 năm tù – và thậm chí phổ thông đầu phiếu, vốn là mục tiêu của cuộc « Cách mạng Dù » năm 2014.

Cuối tuần qua, một đồn cảnh sát đã bị bao vây trong một thời gian ngắn, những rào cản bằng tre được dựng lên, gạch đá được ném vào cảnh sát và bị trả đũa bằng hơi cay và khoảng 20 vụ câu lưu. Nhưng khiêu khích nhất đối với Bắc Kinh là những lá cờ Trung Quốc bị gỡ đi và quăng xuống nước.

Tờ Global Times tức tối viết : « Người Hồng Kông từ chối chấp nhận mình là dòng dõi người Hoa, tự coi là thuộc phương Tây ». Cựu trưởng đặc khu Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) đòi thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông (114.000 euro) cho người nào nhận dạng được thủ phạm.

Mọi giới đều ủng hộ phong trào đấu tranh

Ngoài cảnh sát, hầu như không còn giới nào là không đứng về phong trào phản kháng. Tuần trước, hàng trăm đại diện của giới tài chính, mặc những bộ đồ vét chỉnh tề, đã tập hợp tại khu kinh doanh với băng-rôn « Tự do cho mọi người, thị trường đang sụp đổ ». Ngay cả giới công chức dù bị đe dọa sa thải cũng biểu tình hàng mấy chục ngàn người tại một công viên. Đặc biệt vụ xã hội đen vây đánh người biểu tình bằng gậy sắt cả tiếng đồng hồ mà cảnh sát không đến can thiệp đã gây phẫn nộ.

Tuần rồi Bắc Kinh đã phổ biến hai video đầy đe dọa. Video thứ nhất cho thấy 190.000 cảnh sát chống bạo động được trực thăng vận, « tập huấn » tại Quảng Đông ngay sát Hồng Kông. Video thứ hai do Giải phóng quân Trung Quốc đăng lên, với những quân nhân trang bị tận răng, chuẩn bị súng ống để ngăn chận một đám đông biểu tình, với sự giúp sức của các xe bọc thép.

Ống kính dừng lại ở một người lính đội nón sắt đang cảnh cáo người biểu tình qua loa phóng thanh : « Tất cả những ai ở lại sẽ phải chịu trách nhiệm ». Đây cũng là mệnh lệnh, đúng từng chữ một, đã được đưa ra vào ngày 3 tháng Sáu năm 1989 ở quảng trường Thiên An Môn, trước khi dìm phong trào sinh viên trong biển máu.

Thuyền nhân Hồng Kông ?

Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông, thì « Tập Cận Bình có rất ít chọn lựa để xử lý khủng hoảng ».

Ông tiết lộ, Bắc Kinh đã bí mật bổ sung thêm vào lực lượng cảnh sát Hồng Kông (30.000 người) một số cảnh sát từ Hoa lục, ở vùng Quảng Đông, nơi nói cùng một thứ tiếng với người Hồng Kông, có thể trà trộn vào đám đông. Như vậy là đã vi phạm nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » vì theo thỏa thuận trao trả trước đây, đặc khu được tự trị, Trung Quốc chỉ phụ trách ngoại giao và quốc phòng.

Chuyên gia Cabestan đặt ra giả thiết, nếu chính quyền Bắc Kinh áp đặt một bí thư cho Hồng Kông, nhiều người dân sẽ ra đi, thậm chí sẽ có những thuyền nhân. Ông cho rằng Bắc Kinh phải rút ra bài học, vì tuy người dân Trung Quốc không mấy quan tâm đến chính trị, nhưng ai có thể biết được một ngày nào đó họ sẽ thay đổi như dân Hồng Kông ?

Báo chí Trung Quốc kích động dân tộc chủ nghĩa tại Hoa lục

« Ban đầu giữ im lặng, truyền thông Trung Quốc nay muốn kích động dân tộc chủ nghĩa », đó là nhận xét của thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh.

Nhà văn Karoline Kan ghi nhận, đa số người dân Hoa lục tin vào tuyên truyền rằng người biểu tình Hồng Kông « nổi dậy », thậm chí « đòi ly khai », theo xúi giục của các « thế lực thù địch » từ bên ngoài. « Người ở Hoa lục không hiểu là người Hồng Kông đang đấu tranh cho các quyền tự do mà họ đang đánh mất, hoặc đã bị mất ».

La Croix nói về một « Bức màn im lặng » khác, nơi các nghệ sĩ Hồng Kông. Không có một diễn viên điện ảnh nào phát biểu về cuộc khủng hoảng đang diễn ra, với tư cách cá nhân : các nghệ sĩ ủng hộ dân chủ bị cấm trình diễn tại Hoa lục.

Nếu năm 1989, tài tử Thành Long (Jackie Chan) là ngôi sao nổi bật trong buổi biểu diễn quy mô ở Hồng Kông để ủng hộ sinh viên Thiên An Môn tại Bắc Kinh, thì 20 năm sau, ông lại nói rằng không biết đến phong trào phản kháng tại đặc khu. Ca sĩ Hà Vận Thi (Denise Ho) từ khi tham gia Cách mạng Dù đã bị cho vào danh sách đen tại Hoa lục, Châu Nhuận Phát (Chow Yun Fat), nổi tiếng với phim « Ngọa hổ tàng long », nay có ít vai diễn hơn…

Hồng Kông, con heo đất của các thái tử đỏ

Về lợi ích kinh tế, Hồng Kông còn là « Ống heo tiết kiệm » của các thái tử đỏ Trung Quốc. Theo giáo sư Cabestan, « Đó là một nhân tố quan trọng mà Bộ Chính trị phải quan tâm khi cân nhắc các phương án ».

Ngay trước khi Anh trao trả năm 1997, Hồng Kông đã là nơi để người giàu Trung Quốc giấu tiền và kiếm tiền. Các « hồng nhị đại » (hongerdai), thế hệ thứ hai của giới quan lại đỏ, gồm con, cháu, bà con họ hàng của các quan chức cao cấp Trung Quốc sẵn sàng bán các mối quan hệ, được các ngân hàng quốc tế tuyển dụng hàng loạt để dễ làm ăn.

Cho đến năm 2013, Ủy ban quản lý chứng khoán Hoa Kỳ quyết định mở điều tra, rốt cuộc Crédit Suisse phải chịu nộp phạt 47 triệu đô la. J.P.Morgan, đã nhận trên 200 « hồng nhị đại » và bạn bè, bị phạt 267 triệu đô la. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Tất cả các quan chức cao cấp Trung Quốc đều có tài sản tại Hồng Kông, hoặc là nhà cửa, hoặc là doanh nghiệp. Panama Papers năm 2016 đã tiết lộ có ít nhất 8 ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đương nhiệm hay đã nghỉ, là sở hữu chủ các công ty bình phong ở vùng Caribê. Trong đó có con gái của cựu thủ tướng Lý Bằng (Li Peng), « đao phủ Thiên An Môn », cháu gái cựu chủ tịch Quốc Hội Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), Đặng Gia Quý (Deng Jiagui), anh rể Tập Cận Bình.

Vụ bắt cóc nhà tỉ phú thiếu kín tiếng

Điều tra của Bloomberg năm 2012 cho thấy hai vợ chồng ông Đặng Gia Quý sở hữu một biệt thự trị giá 25 triệu euro trên đảo Hồng Kông, và có cổ phần trong nhiều công ty về đất hiếm và công nghệ. Tin này gây rúng động trong lúc Tập Cận Bình vừa mới lên ngôi, khiến ông ta phải ra lệnh cho người thân bán đi cổ phiếu.

Năm 2014, Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), một tỉ phú Hoa lục cư trú tại Hồng Kông, từ lâu vẫn đóng vai ngân hàng không chính thức của các « hoàng tử, công chúa đỏ », kể với New York Times đã mua lại một số cổ phần của gia đình ông Tập. Sự ngây thơ đã khiến ông Tiêu phải trả giá đắt.

Cho dù có đầy vệ sĩ, sống trong khách sạn Four Seasons sang trọng nhất Hồng Kông, nhà tỉ phú đã bị mật vụ Trung Quốc bắt cóc hôm 28/01/2017 trong dịp Tết âm lịch. Các nhân chứng trông thấy ông lần cuối trong một xe lăn, được nhiều người đàn ông đẩy trong bãi đậu xe khách sạn. Tiêu Kiến Hoa sắp bị xử ở Bắc Kinh vì tội « tham nhũng ».

Với Trump, « Giấc mơ Trung Hoa » của Tập xa dần

Riêng về « hoàng đế đỏ » Trung Quốc, Le Monde trong bài cuối của loạt bài về Tập Cận Bình trích nhận xét của Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, cho rằng ông Tập là một người khó đoán. Trước thái độ hòa hiếu của Obama, năm 2013, Tập Cận Bình đã gây ngạc nhiên cho người Mỹ khi ồ ạt đào đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, « vì biết rằng sẽ không bị trừng phạt ».

Nay, « giấc mơ Trung Hoa » của ông đã bị ngăn lại vì một đối thủ còn khó lường hơn : tổng thống Mỹ Donald Trump, một cái gai trong mắt của chủ tịch Trung Quốc. Tập Cận Bình đã gặp phải cao thủ còn cứng cựa hơn ông ta. Evan Medeiros, cựu trợ lý về châu Á của Barack Obama nói : « Trump thường xuyên thay đổi ý kiến, điều này hết sức phức tạp cho Tập Cận Bình ».

Số phận Hồng Kông, tương lai châu Á

Trong bài xã luận mang tựa đề « Tương lai của châu Á », tác giả Arnaud de la Grange trên Le Figaro ghi nhận, nhân dân Hồng Kông nổi dậy vào thời điểm kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Giống như những oan hồn còn vất vưởng của Mùa Xuân Bắc Kinh đã thổi thêm sức mạnh cho những người biểu tình đã đứng lên chống lại độc tài.

Cứ ngỡ rằng người Hồng Kông đã phải khom lưng cúi đầu trước gã khổng lồ châu Á, cứ ngỡ họ chỉ quan tâm đến vật chất, đến việc làm giàu, nhưng người Hồng Kông đã chứng tỏ họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bản sắc, các quyền và sự tự do của mình và của con cháu. Và hầu như chỉ có mình họ dám chống chọi lại cỗ máy đàn áp của Trung Quốc.

Cuộc chiến không ngang sức chút nào. Một bên là cường quốc thế giới đang trên đà tiến, bên kia là một mẩu lãnh thổ nhỏ bé có quy chế đặc biệt do lịch sử để lại, và đặc thù này sẽ kết thúc vào năm 2047. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thời hạn này có vẻ quá xa, và năm này qua năm nọ, họ gặm nhấm Hồng Kông, siết thêm về kinh tế để đặc khu phải lệ thuộc về chính trị. Dù có một số người phản đối, nhưng tiến trình này không gặp nhiều phản ứng. Tình hình này nay đã thay đổi.

Cái tát cho Tập Cận Bình

Với Tập Cận Bình, đây là một cái tát vỗ mặt. Hoàng đế đang trị vì 1,4 tỉ thần dân với bàn tay sắt, lại bị 7 triệu người Hồng Kông thách thức.

Hồng Kông và Đài Loan đã chứng minh suy nghĩ – tiếc rằng cũng phổ biến ở phương Tây, làm lợi cho đảng Cộng Sản – thà độc tài còn hơn hỗn loạn, là sai lạc.

Tác giả kết luận, không chỉ số phận của « Hương Cảng » mà là cả tương lai chính trị của Trung Quốc, thậm chí cả châu Á đang được đặt cược trên đường phố Hồng Kông. Những tiếng hô vang của tuổi trẻ Hồng Kông là những câu trả lời đẹp đẽ nhất cho chế độ độc tài của ông Tập.

Bài Liên Quan

Leave a Comment