Hệ thống bí mật cấm xuất nhập cảnh tại Trung Quốc
Trung Quốc đang sở hữu một danh sách đen quyết định việc đi hay ở của những người sống tại quốc gia này.
\”Biên khống\”,hay kiểm soát biên giới, hiện là một thuật ngữ thông dụng được dùng trong các báo cáo hạn chế đi lại đối với các nhà tài phiệt Trung Quốc hoặc những người bất đồng quan điểm chính trị ở quốc gia này. Trung Quốc, cũng giống các quốc gia khác, đang sở hữu một danh sách đen thuộc hệ thống kiểm soát biên giới, cấm những người có tên được nhập cảnh hoặc xuất cảnh.
Tuy nhiên, việc thiếu thông tin chi tiết về cách thức hoạt động, như lý do khiến đối tượng bị liệt vào danh sách đen, đã làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống bí ẩn trên đang phát triển nhanh chóng và được phục vụ cho mục đích chính trị. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng một từng cảnh báo công dân rằng chính quyền Trung Quốc đã khẳng định họ có quyền cấm người Mỹ rời khỏi quốc gia này.
Cuộc tranh luận về \”biên khống\” nóng lên vào tháng 7 sau khi tạp chí Caixin của Trung Quốc đưa tin tỷ phú tiền ảo Justin Sun, 29 tuổi, có tên trong danh sách kiểm soát biên giới quốc gia vào tháng 6/2018. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, Justin Sun vẫn rời khỏi Trung Quốc và tới Mỹ vào tháng 10/2018.
Trường hợp của Sun chỉ là vụ việc mới nhất trong một loạt những người nổi tiếng của Trung Quốc bị cấm rời khỏi đất nước.
Bộ Công an Trung Quốc và Cục Quản lý xuất nhập cảnh quốc gia chưa từng công bố số lượng người trong danh sách đen, chứ chưa nói đến danh tính của họ. Theo ước tính của các luật sư và nhà nghiên cứu, số người trong danh sách này có thể lên tới hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người.
Bài báo của nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Chen Qingan, được đăng trên tạp chí Chính trị và Pháp luật Trung Quốc cuối năm 2018, cho biết Trung Quốc có 178 điều luật và quy định về kiểm soát biên giới. Một hệ thống phân nhánh sẽ cho phép tòa án, công tố viên, cảnh sát và cơ quan chức năng khác quyền cấm công dân xuất cảnh.
\”Lực lượng an ninh quốc gia các cấp như Bộ Công an, hải quan, kiểm tra buôn lậu, công tố viên, tòa án, cán bộ thuế, các cơ quan tư pháp và hành chính khác có liên quan, đều có quyền hạn chế việc rời khỏi đất nước của một công dân bình thường\”, ông Chen viết.
Theo luật pháp Trung Quốc, bất kỳ ai có liên quan đến các vụ kiện hoặc điều tra hình sự, dân sự, hay thậm chí những người từng \”hỗ trợ\” cảnh sát điều tra, đều có thể bị đưa vào danh sách cấm.
Luật sư Xu Chendi, người có văn phòng luật ở Bắc Kinh, cho biết kiểm soát biên giới tại Trung Quốc dựa trên cơ sở pháp lý và giống như mọi quốc gia khác, đó là cách cần thiết để ngăn chặn nghi phạm hình sự hoặc những người có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia rời khỏi đất nước.
\”Tuy nhiên việc thiết lập danh sách đen quá tùy tiện, nó được sử dụng sai mục đích đối với các nhà hoạt động hoặc thậm chí đối với thành viên trong gia đình họ, ngăn họ rời khỏi đất nước với lý do \’đe dọa an ninh quốc gia\’\”, ông Xu nói thêm.
Một luật sư giấu tên khác, đã nói đây là điều luật mơ hồ và trên thực tế, cảnh sát không thể kiểm soát về việc có nên ngăn người dân rời khỏi đất nước hay không.
Một sĩ quan cảnh sát giấu tên đã quen thuộc với hệ thống kiểm soát biên giới, cho biết cảnh sát địa phương sẽ gửi danh sách những đối tượng tình nghi cho cơ quan an ninh cấp tỉnh, sau đó cấp tỉnh sẽ gần như tự động phê duyệt và liệt tên đối tượng trên vào danh sách kiểm soát biên giới. Những người trong danh sách không được thông báo về lệnh cấm và chỉ biết mình bị cấm rời khỏi đất nước khi tới cửa xuất cảnh. Các lệnh cấm thường dưới một năm, nhưng có thể gia hạn thêm.
Tuy nhiên, theo một nhân viên cảnh sát, một số sơ hở trong hệ thống kiểm soát biên giới có thể để lại khoảng trống vài giờ hoặc vài ngày giữa thời gian hết lệnh cấm và gia hạn lệnh cấm. Tờ Caixin suy đoán đây có thể là một trong những lời giải thích hợp lý về việc tỷ phủ Sun có thể trót lọt rời khỏi Trung Quốc.
Gần đây, tờ Fengxian News, một tờ báo được điều hành bởi chính quyền quận ở Thượng Hải, đưa tin một phụ nữ không sở hữu hộ chiếu Trung Quốc cũng bị cấm rời khỏi đất nước. Tòa án Thượng Hải hồi tháng ba yêu cầu một công ty phải trả khoảng 220.000 nhân dân tệ (31.885 USD) cho một nhà cung cấp dịch vụ địa phương nhưng công ty không thanh toán đúng hạn. Ngay lập tức người phụ nữ phụ trách công ty đã bị đưa vào danh sách đen. Cô chỉ biết điều này một vài tuần sau đó và sau khi liên lạc với tòa án để thực hiện thanh toán, cô được xóa tên khỏi danh sách.
\”Thường không có quy trình kháng cáo để dỡ bỏ lệnh cấm nếu người này tin rằng nó được thực hiện do lỗi\”, ông Chen nói.
Một số người có nhu cầu rời khỏi đất nước cũng có thể thử các biện pháp cực đoan để kiểm tra xem mình có nằm trong danh sách cấm xuất cảnh hay không. Năm 2015, sau khi Bắc Kinh mở cuộc điều tra rộng về gian lận tài chính, một ông trùm đã trốn sang Thâm Quyến với ý định rời khỏi đất nước. Lúc 1 giờ sáng, ông nhận được thông báo nên tới Hong Kong ngay lập tức. Ông trùm vội vã di chuyển tới biên giới Futian, đem theo một chiếc vali và người trợ lý.
Theo lời thành viên gia đình ông trùm, tại biên giới, ông đã yêu cầu trợ lý của mình đi trước để kiểm tra xem lệnh cấm có được áp dụng hay không và chỉ khi người này được đi qua, ông ta mới tiếp tục theo sau.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)