Rượu vang Pháp trên bàn cờ chính trị Mỹ – Pháp
Thùy Dương-Đăng ngày 05-08-2019
Những chai rượu vang Pháp được bày bán trong một cửa hàng tại West Hollywood, Los Angeles, Hoa Kỳ.George Wilhelm/Los Angeles Times via Getty Images
Để trả đũa việc chính quyền Pháp đánh thuế GAFA nhắm vào các tập đoàn công nghệ số của Mỹ, tổng thống Donald Trump ngày 26/07/2019 dọa tăng thuế suất đối với rượu vang Pháp nhập vào Hoa Kỳ. Từ phòng Bầu Dục, chủ nhân Nhà Trắng còn khẳng định « rượu Mỹ ngon hơn rượu Pháp » !
Rượu vang là một trong những mặt hàng xuất khẩu biểu tượng của nước Pháp. Tuy nhiên, nếu biện pháp trả đũa của tổng thống Mỹ Donald Trump được áp dụng, chắc chắn thiệt hại không chỉ mang tính biểu tượng. Ngành trồng nho, sản xuất và xuất khẩu rượu vang của Pháp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
Hoa Kỳ hiện giờ là thị trường lớn nhất của rượu vang Pháp : doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,7 tỉ euro, chiếm 18% tổng doanh thu xuất khẩu rượu vang năm 2018 (9,3 tỉ euro). Theo Liên hiệp các nhà xuất khẩu rượu vang của Pháp FEVS, tỉ lệ trên đã tăng 32% trong vòng 5 năm trước đó. Khách hàng Mỹ ngày càng chuộng các loại rượu vang cao cấp, nhất là các nhãn hiệu có tiếng và đắt tiền của Pháp. Giới chuyên gia ước tính, thị trường Mỹ có thể chiếm tới 40% thị trường xuất khẩu đối với một số vùng sản xuất rượu vang của Pháp.
Riêng đối với rượu vang Bordeaux, mặc dù Hồng Kông và Trung Quốc là hai thị trường được ưa chuộng, nhưng thị trường Mỹ, sau một thời gian sụt giảm, đã tăng trở lại, nhất là đối với các loại rượu Bordeaux cao cấp. Còn ông François Labet, chủ tịch Hội liên ngành rượu vang vùng Bourgogne, cho đài France Info biết Mỹ là thị trường lớn nhất, trên cả Anh và Nhật Bản, của các nhà sản xuất rượu vang Bourgogne. Hoa Kỳ chiếm 25% thị phần xuất khẩu rượu vang Bourgogne, với khoảng 20 triệu chai rượu Bourgogne được bán sang Mỹ nỗi năm.
Thực ra, ngay từ hồi tháng 06, ông Trump đã hé lộ khả năng tăng thuế quan đánh vào rượu vang Pháp. Phát biểu trên đài CNBC, tổng thống Mỹ cho rằng nước Pháp áp thuế cao đối với rượu vang Mỹ, nhưng Hoa Kỳ lại đánh thuế rất thấp đối với rượu vang của Pháp. Chủ nhân Nhà Trắng hứa sẽ điều chỉnh điều mà ông coi là « sự bất công » đối với các nhà sản xuất rượu vang của Mỹ.
Thuế suất chênh lệch ?
Thuế suất châu Âu đánh vào rượu vang Mỹ và thuế suất Hoa Kỳ đánh vào rượu nhập từ châu Âu có chênh nhau nhiều không ? Đài France Info ngày 27/07 trích dẫn ông François Labet, chủ tịch Hội liên ngành rượu vang vùng Bourgogne, theo đó thông tin về sự chệnh lệch thuế suất giữa Mỹ và Pháp mà tổng thống Donald Trump đưa ra là không đúng. Trên thực tế, đó không phải là mức thuế mà chính quyền Pháp tự đặt ra, mà là mức thuế được áp dụng chung tại Liên Hiệp Châu Âu và mức chênh lệch cũng không đáng kể, chỉ là một vài cent đối với mỗi chai rượu vang.
Đài truyền hình France 3 thì cho biết theo Ủy ban thương mại quốc tế của Mỹ, tùy chủng loại rượu vang và độ cồn, mức thuế dao động từ 5-15 cent đô la/chai, còn theo Liên hiệp các nhà xuất khẩu rượu vang của Pháp FEVS, mức thuế tại châu Âu là 15-30 cent euro/chai.
Chẳng hạn, đối với một chai rượu vang trắng 13 độ cồn nhập từ Mỹ, châu Âu áp thuế 10 cent euro, còn mức thuế Mỹ đánh vào chai rượu vang trắng cùng độ cồn nhập từ châu Âu chỉ là 5 cent đô la. Còn một chai rượu vang đỏ có nồng độ cồn 14,5 độ nhập từ châu Âu bị Mỹ đánh thuế 13 cent đô la, ngược lại mức thuế tại châu Âu đánh là 12 cent euro.
Ngược lại, đối với rượu vang chưa được đóng chai, mức thuế nhập khẩu tại Mỹ cao hơn tại châu Âu, chẳng hạn đối với một lít rượu vang 14,5 độ, mức thuế lần lượt là 12 cent euro tại châu Âu và 22 cent đô la tại Mỹ.
Thêm vào đó, các quy định nhập khẩu rượu vang của Mỹ chặt chẽ hơn châu Âu. Các nhà xuất khẩu không được phép bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng Mỹ mà phải qua nhà phân phối. Từ nhà phân phối, rượu vang nhập khẩu phải qua tay các nhà bán lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng. Các nhà phân phối, thường là của Nhà nước, lấy lãi rất cao : 20%-30%. Chính điều này góp phần đẩy giá rượu vang nhập khẩu vào Mỹ lên cao hơn nhiều so với ở châu Âu.
Việc Mỹ tăng thuế suất có đáng lo ngại ?
Phát biểu với Reuters, nhà sản xuất rượu vang Philibert Perrin lưu ý : « Đó là một lời đe dọa mà chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc. Thị trường Hoa Kỳ là một thị trường rất quan trọng. Người Mỹ rất cơ hội và không phải khách hàng trung thành. (…) Nếu thuế suất tăng, khách hàng Mỹ có thể sẽ thấy ngạc nhiên về giá mới và sẽ hướng tới một nước khác. Làm người tiêu dùng bất ổn là một điều nguy hiểm. Chúng tôi không thể đo lường hết nguy cơ, nhưng các mối nguy đó có thể khiến hoạt động của chúng tôi giảm sút và làm chúng tôi mất thị phần ».
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng việc điều chỉnh thuế suất sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo đài truyền hình BFMTV của Pháp, ông Christophe Reboul Salze, lãnh đạo The Wine Merchant, một doanh nghiệp chuyên giao dịch rượu vang Bordeaux, nhấn mạnh là « nhiều loại rượu vàng của Pháp được bán tại Mỹ với giá tương đương trên 10 euro », tức là giá khá cao. Thêm vào đó, theo ông Pierre Dufort, quản lý vùng sản xuất rượu vang Rimauresq (Provence-Alpes-Côte d’Azur), « rượu vang Pháp đã bắt rễ sâu vào thị trường Mỹ, và cuối cùng, người tiêu dùng mới là người quyết định ».
Chỉ có điều quy mô biện pháp đáp trả của Mỹ hiện vẫn chưa rõ ràng. Nếu chủ nhân Nhà Trắng muốn « mạnh tay » hơn nữa, ông sẽ đẩy giá rượu vang Pháp tại Hoa Kỳ lên cao hơn rất nhiều. Một kênh truyền thông Mỹ chuyên về rượu, Wine Spectator, đã đặt câu hỏi : « Quý vị có tiếp tục mua chai rượu vang Pháp mà quý vị ưa thích với giá cao gấp đôi ? »
Nhiều chuyên gia thì đặc biệt lưu ý đến việc chỉ có nước Pháp bị tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm tới, trong khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Pháp tại thị trường Mỹ là nước láng giềng Ý. Ông Thomas Montaigne, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất rượu vang độc lập, nhấn mạnh : « Donald Trump chơi rất khéo, ông ta chỉ nói tới rượu vang Pháp mà không nhắc đến rượu vang Ý, đối thủ châu Âu lớn của chúng ta tại Mỹ. Như vậy là sẽ có một sự phân biệt giữa Pháp với Ý và cả các nước xuất khẩu rượu vang khác trên thế giới ». Theo ông, mặc dù tác động có thể không lớn đối với các loại rượu vang cao cấp, champagne và cognac, nhưng các loại rượu vang bình dân hơn, vốn được xuất sang Mỹ với số lượng lớn, sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.