Chuly sưu tầm
Sự ra đời của ca khúc ‘Mùa thu chết’ và cái tên Julie Quang.
Sau người vợ đầu Julie, Duy Quang có nhiều bóng hồng khác trong đời mình nhưng ngày anh nằm ở bệnh viện Hoa Kỳ vì căn bệnh ung thư gan, cũng vẫn Julie là người sớm hôm túc trực bên giường bệnh.
Julie sinh năm 1951, mang hai dòng máu Việt – Ấn. Cha cô là một người lính trong quân đội Pháp tham chiến tại VN (trước năm 1954). Mẹ cô tên Phạm Thị Hoài quê ở Cần Thơ, khi Julie vừa tròn 1 tuổi thì mẹ con cô phải theo ông bố qua Pondichery (Ấn Độ). 5 năm sau bà mẹ mới đưa mấy chị em cô trở về VN sống với ông bà ngoại.
Đàn con của bà Hoài vẫn “tiếp tục phát triển” và Julie là chị cả của 5 đứa em còn lại. Lúc này gia đình cô rất nghèo, thiếu thốn đủ thứ nhưng mẹ cô vẫn tằn tiện cho cô theo học trường Tây và không hề tiếc tiền khi phải chắt chiu từng đồng mua cho cô rất nhiều bài hát để cô sưu tầm cũng như tập dượt. Julie nói và hát được thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh (dĩ nhiên cả tiếng Việt nữa!)
Được sự khuyến khích của mẹ (đang lúc vấn đề kinh tế thúc bách) Julie bước vào con đường nghệ thuật bằng cách đi hát với những ban nhạc trẻ vào những năm cuối thập niên 60. Cô hát nhạc Anh, Pháp cho các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất… Và trong một lần đi hát như thế, cô đã gặp Duy Quang. Trong Tự truyện Môi son Julie, cô đã viết:
“… Thời gian khởi đầu ca hát, những năm cuối thập niên 1960, tôi tuổi teen như con thiêu thân, tự mình chắp đôi cánh nhung thiên thần “lao vào lửa”. Tự mình lao vào hát nhạc Pháp nhạc Anh cho các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất… Lúc đó tôi nào biết Duy Quang là con trai nhạc sĩ Phạm Duy.
Câu hát đầu tiên trên môi anh ngọt: “Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Lòng anh mở với quạt này. Trăm con chim mộng về bay đầu giường …” (Ngậm Ngùi, thơ Huy Cận, nhạc P.D). Làm sao em quên được nỗi hạnh phúc run rẩy khi hai đứa lần đầu tiên cắn vào trái cấm.
Đây là thời kỳ trăng mật của hai chúng mình. Em nhớ không sai. Hai chúng ta ra Nha Trang để được Tự Do yêu mà không bị giám sát bởi gia đình…
Hai trẻ chắt chiu dành dụm được một số tiền để mua lại một số dụng cụ âm thanh, đàn trống, do những ban nhạc Mỹ khi về nước họ để lại.
Và chúng tôi đã thành lập ban nhạc gia đình: The Dreamers. Nhờ Chàng, tôi bắt đầu tập ca nhạc Việt. Không bao lâu sau, tôi được khán thính giả Việt biết đến với bài Mùa Thu Chết, nhạc Phạm Duy phổ thơ Apollinaire. Rồi tôi bắt đầu nổi danh với một lọat tình ca thời chinh chiến…”.
Như vậy, Duy Quang gặp và yêu Julie, rồi khi lập ban nhạc The Dreamers chàng đưa nàng về nhập nhóm và Julie trở thành một thành viên chính thức trong đại gia đình Phạm Duy.
Julie kể trong tự truyện Môi son Julie rằng: Thuở đầu đời mới làm quen với nhạc Việt và khán thính giả Việt qua nhạc ngoại quốc lời (Việt) của Phạm Duy, cô chỉ được biết đến qua cái tên rất ngắn gọn: Julie…
Cô cũng không biết Bùi Giáng là ai, dù lúc đó ông ấy đã là một “thi sĩ lẫy lừng tên tuổi, một thiên tài trong Thi văn nước Việt” (nguyên văn). Cô không thuộc thơ, cho nên cũng chưa bao giờ nghe nói tới “ông thi sĩ ngoại quốc Guillaume Apolinaire”…
Cho đến một hôm thi sĩ Bùi Giáng đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy. Bố Phạm Duy khoe với thi sĩ: “Để Moi bảo bọn nhỏ đàn hát cho Toi nghe! Julie, con hát bài “Vòng tay nữ sinh” và bài “Hai khía cạnh cuộc đời nhé!” (tức ca khúc To Sir With Love và Both Sides Now – cả 2 bài đều do P.D đặt lời Việt-NV).
Trong lúc Julie hát thì Bùi Giáng cầm cây bút chì hí hoáy vào một tờ giấy… Rồi ông khen Julie hát hay, và nói: “Ông và Bố sẽ có bài hát dính liền với tên con!”
Mà “dính” thật! – khi Julie đang hát thì ông dịch bài thơ L’autaumne est morte của thiên tài Guillaume Apolinaire ra tiếng Việt tại chỗ, và cũng trong ngày hôm ấy “Phù thủy” Phạm Duy đã cho ra đời ca khúc Mùa thu chết. Dĩ nhiên, bài hát này ông dành cho giọng ca của Julie.
Ca khúc Mùa thu chết cũng là bài hát đầu tiên của Julie được thu thanh vào đĩa nhựa. Tuy nhiên Cô Sáu – chủ hãng đĩa Việt Nam đã yêu cầu Julie phải có một cái tên Việt, để những người Việt ở tận vùng nông thôn cũng có thể đọc được, gọi tên được…
Khi Julie còn đang lúng túng, chưa nghĩ ra được một cái tên Việt cho mình, thì đã thấy xuất hiện trên bao bì đựng đĩa (và cả in trên đĩa nhạc) cái tên Julie Quang. Đó là quyết định của “Bố già” Phạm Duy. Julie nói: “Bố ghép tên chúng tôi lại, như một lời chúc phúc cho đôi trẻ”.
Julie Quang nói về Mùa thu chết như sau: “Mùa thu chết là một kết hợp của Thi Ca – East meets West (Đông Tây gặp gỡ) – thai nghén và sinh ra bởi những Cổ Thụ như Apolinaire, Bùi Giáng và Phạm Duy thì làm sao không đáp ứng được nhu cầu Thời Thế. Duyên may cho tôi kết tụ tại đấy… Là người chuyên chở bài hát chẳng đánh Bắc dẹp Nam hay cậy mình tài giỏi, tôi tin rằng đã có người hát hay hơn mình, và sẽ có người thể hiện bài Mùa thu chết “tới” hơn Julie Quang…”.
Ca khúc Mùa thu chết và cái tên Julie Quang được khai sinh cùng lúc như một định mệnh, lời của bài hát hình như cũng vận vào cuộc tình của hai người: Duy Quang và Julie…
“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo.
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…
Em nhớ cho: đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa trên cõi đời này…
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo.
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em…”
(viết đến đây, tôi nhớ hồi các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy mới được phép hát lại (đầu những năm 2000) và Công ty Văn hóa Phương Nam đã mua độc quyền các bài hát (được cấp phép) của ông thì có một chiến dịch chống đối của các nhạc sĩ phía Bắc diễn ra một cách rất khiên cưỡng và hàm hồ. Tiêu biểu là nhạc sĩ Nguyễn Lưu đã viết một bài báo, trong đó cho rằng ”đỉnh điểm của tư tưởng chống phá Cách Mạng của P.D là viết bài hát Mùa thu chết. ”Mùa thu chết” chính là Cách mạng mùa Thu”- (tức Cách mạng tháng 8). Suy luận như thế thật… khôi hài. Sau đó báo Thanh Niên đã đăng một bài “phản pháo” chỉ rõ những lỗ hổng kiến thức của nhạc sĩ Nguyễn Lưu, ông này biết “bị hớ” nên im re!).
Nhưng Julie Quang đâu chỉ hát có mỗi Mùa thu chết. Cô còn hát nhiều ca khúc khác của Phạm Duy như: Giết người trong mộng, Huyền thoại trên một vùng biển, Một ngày một đời, Thu ca điệu cô đơn, Thú đau thương, Tưởng như còn người yêu (phổ thơ Lê Thị Ý), Nước mắt mùa thu… và cả Mùa thu còn đó (Châu Kỳ), Số phận bẽ bàng (Thanh Phong)… Nói chung, giọng của Julie Quang thích hợp với những bản nhạc buồn thật buồn và đã để lại dấu ấn “Julie Quang” trong lòng khán giả mộ điệu.
Thời gian đầu chung sống hạnh phúc, Duy Quang đã viết ca khúc Bài thơ vu quy(phổ thơ Tuệ Mai), bìa là ảnh ca sĩ Julie Quang trong trang phục cô dâu mặc áo váy, đội khăn voan trắng muốt… Họ có với nhau một con gái tên Lylan.
Rồi ly thân “Chẳng còn nhìn nhau nữa…” vì một lý do rất nhạy cảm. Julie Quang lấy lại cái tên ban đầu: Julie!
Mùa Giáng sinh năm 1974, Julie Quang sang Pháp và ở lại đó bởi những thay đổi ở quê nhà. Duy Quang và 3 em trai cũng kẹt lại VN trong khi bố mẹ cùng với 4 em nhỏ của anh đã qua Mỹ. Đó là một giai đoạn đầy khó khăn, Duy Quang phải trân mình tìm chỗ đàn hát để tự tồn tại và nuôi sống các em. Ngoài khả năng về ca nhạc, anh đâu biết nghề nghiệp gì khác, nhưng để được đàn hát cũng không phải dễ, đôi khi anh còn bị tủi nhục vì sự nghi kỵ vì anh là con của “ông Trùm”!
Tuy đã ly thân nhưng đến năm 1978, Julie vẫn bảo lãnh Duy Qung qua Pháp. Một thời gian sau (1980), anh qua Mỹ để đoàn tụ cùng gia đình.
Những ngày cuối cùng của Duy Quang và…
Khi phát hiện mình bị ung thư gan ác tính, nhiều bạn bè lo lắng còn Duy Quang thì vững vàng bảo: “Chắc không sao đâu, mình sang Mỹ sẽ có thuốc hay, rồi chắc qua khỏi thôi”. Và khi căn bệnh đã cướp dần sinh lực của Duy Quang, anh mới được người bạn thân là bác sĩ đưa sang Mỹ điều trị. Tại đây, Duy Quang nằm tại Bệnh viện Orange Coast nhưng tình trạng sức khỏe anh ngày một xấu đi.
Điều cảm động là khi hay tin Duy Quang nhập viện với tình trạng sức khỏe rất xấu, Julie – người tình đầu tiên của anh cùng với con gái (Phạm Lylan) đã bỏ hết công việc để vào bệnh viện chăm sóc anh. Dưới đây là những đoạn hồi ký trích trong Son môi Julie:
“… Cô y tá bước vào phòng bệnh nhân thay thuốc và chào mọi người buổi sáng .
Trong phòng người thăm hầu hết là thân nhân.
– Đau quá. Duy Quang nói.
– Anh lập lại: “Ôi đau quá”.
Mọi người hoảng hốt không biết anh đau ở mô ?
– Anh đau đâu ? Cô y tá hỏi.
– Anh để tay lên ngực: “Đau lòng”. Anh nói.
Anh vẫn thích đùa đến giờ phút cuối. hẳn nhiên là anh không chọn nhìn thấy chúng ta phân ưu bịn rịn thế này.
Lúc này vẫn chưa phải là vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhau để nói câu giã từ vĩnh biệt… Vì em tin rằng không giã từ có nghĩa là một ngày nào đó chúng ta lại gặp nhau trên một con đừờng khác có âm nhạc cho 2 ta cùng song ca như thuở trước. Có các em đàn trống theo sau. Có Thái Hiền chờ anh tập hát…
Anh còn là thần tượng của Bố đấy, anh biết không. Bố xây Tượng đài cho anh từ lâu, có lẽ từ bài hát đầu tiên Thà như giọt mưa, thơ Nguyễn Tất Nhiên. Bố tôn giọng hát của anh thành thần tượng trong lòng âm nhạc của Bố. Trong suốt chặng đường dài cống hiến cho cuộc đời, từng bài hát Bố sáng tác cho riêng anh hát là từng khối Đá vàng nạm kim cương, làm bục bệ, để con trai Bố trở thành ngôi sao lấp lánh trong lòng người hâm mộ …
Và sắp tới đây người ta sẽ được nghe anh hát những bài hát cuối đời. Trong loạt bài hát phổ thơ Bích Khê này, Chàng hát thật đắm say, thật lạ, thật hay, như kể chuyện cho chỉ một người nghe… một Chuyện dài…
(Julie chăm sóc Duy Quang được 44 ngày. Đến 11 giờ 39 sáng ngày 19/12/2012 tại Bệnh viện Orange Coast- giờ Hoa Kỳ, anh đã về cõi vĩnh hằng-NV).
Tang lễ anh… Con gái Lylan và tôi không có mặt trong đám tang anh. Với bạn bè là một điều khó hiểu. Tôi khó lòng giải thích điều này trong lúc này. Mong có dịp thuận tiện để giải bày.
Riêng với các khán thính giả và bạn đọc, xin tạ lỗi …
Bởi trong đời có những nỗi rất riêng, không thể chia sẻ cùng ai. Tôi xin giữ lại cho riêng mình.
Tôi xem tang lễ qua TV.
Tang lễ anh và cũng là show diễn cuối cùng
Có khán giả có đại gia đình, có MC, có ca sĩ, có báo chí bạn bè thân hữu … rộn lên cả phố Bolsa.
Nhưng trong show diễn cuối cùng, anh không diễn. Anh làm khán giả. Một Duy Quang khán giả nằm yên đó ngắm nhìn.
Chợt nhớ một buổi chiều sau khi anh đã nằm trong lòng đất, tôi đi thăm nghĩa trang. Sau đó tôi viếng mộ mẹ Thái và mộ bác Mai Thảo. Trên mộ bác Mai Thảo người ta khắc lại bốn câu thơ của ông.
Tôi thấy bốn câu thơ cũng đã đúng cho anh vào những phút giây nào đó …
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
(Trích “Tự truyện Son môi Julie)
Theo Hà Đình Nguyên (báo Phụ Nữ)