Nổ ra cuộc biểu tình đầu tiên về vụ Bãi Tư Chính trước ĐSQ TQ ở HN
.
Cuộc biểu tình đầu tiên liên quan đến đối đầu Việt-Trung ở Bãi Tư Chính diễn ra vào sáng ngày 6/8 trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.
Dù chỉ có khoảng 10 người, theo lời thuật lại của nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh với VOA, song cuộc biểu tình đang gây tiếng vang lớn trên mạng xã hội, giữa lúc cẳng thẳng về tranh chấp giữa hai nước láng giềng cộng sản chưa có bất cứ dấu hiệu nào sẽ sớm kết thúc.
Hình ảnh và video do bà Hạnh chia sẻ lên mạng xã hội Facebook trong cùng ngày cho hay nhóm biểu tình gồm bản thân bà, cùng với các nhà hoạt động khác là Lê Hoàng, Bùi Tiến Hưng, Thảo Teresa, Hồng Thái Hoàng và bạn bè.
Họ đứng trước cơ quan đại diện ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc, giơ các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh đòi Trung Quốc rút khỏi Bãi Tư Chính, lên án nước này tập trận gần quần đảo Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc tại tòa quốc tế.
Các đoạn video cho thấy những người biểu tình hô đến lạc cả giọng những lời phản đối:
“Đả đảo Trung Quốc gây hấn. Đả đảo Trung Quốc xâm lược Bãi Tư Chính của Việt Nam. Đả đảo Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam. Đả đảo hữu hảo với giặc Tàu. Trung Quốc cút khỏi Biển Đông. Hoàng Sa – Việt Nam. Trường Sa – Việt Nam”.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh nói với VOA rằng cuộc biểu tình được tổ chức “một cách bất ngờ” nên phải sau 15 phút kể từ khi họ bắt đầu mới thấy các nhân viên công an Hà Nội xuất hiện. Một số người dân đi đường đã dừng xe, mượn biểu ngữ của các nhà hoạt động, cùng giơ biểu ngữ và hô theo, bà Hạnh kể lại.
Phía nhà chức trách không có động thái can thiệp, cuộc biểu tình diễn ra khoảng 30 phút từ đầu đến cuối, sau đó các nhà hoạt động tự ra về.
Bà Hạnh cho biết thêm:
“Chúng tôi thấy như thế cũng là đủ rồi, không cần thiết phải tạo ra những cuộc bắt bớ nữa, nên là chúng tôi về. Tôi không khẳng định được nếu chúng tôi tiếp tục đứng đấy thì người ta [công an] có bắt hay không. Nhưng trước khi chúng tôi rời khỏi đấy thì thái độ của họ vẫn bình thường”.
Thông tin từ một số nhà nghiên cứu có uy tín và các hãng tin lớn trong mấy tuần qua cho hay Trung Quốc điều một tàu khảo sát có nhiều tàu hải cảnh hộ tống tới khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 3/7. Bộ Ngoại giao Việt Nam trong những tuần gần đây liên tiếp kêu gọi Trung Quốc rút các tàu đó ra khỏi khu vực này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như một số các quan chức cấp cao trong chính phủ và quốc hội Mỹ đã lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với Việt Nam giữa lúc vụ đối đầu tại Bãi Tư Chính tiếp diễn.
Tuy nhiên, về mặt đối nội, theo quan sát của VOA, nhà chức trách Việt Nam đang bị giới hoạt động và nhiều người dân chỉ trích trên mạng xã hội vì hầu như không có động thái nào chia sẻ thông tin với người dân về những gì đang diễn ra ở vùng biển có tranh chấp, hoặc đường lối của ban lãnh đạo đảng, nhà nước về vấn đề này là gì.
Hồi tuần trước, ở thời điểm gần tròn một tháng tính từ khi đối đầu về Bãi Tư Chính bắt đầu, vẫn chưa có cuộc biểu tình nào của người dân. Một số nhà hoạt động khi đó nhận định rằng trong các năm trước, người dân từng bày tỏ lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc, nhưng đổi lại là sự “ngược đãi” của chính quyền. Vì vậy, giờ đây người dân có thái độ “thờ ơ”.
Bày tỏ quan điểm về việc tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc hôm 6/8, nhà đấu tranh Thảo Teresa viết trên Facebook cá nhân rằng khi thấy Trung Quốc “ngày càng leo thang xâm phạm trắng trợn biển đảo của Việt Nam, bắn giết ngư dân là đồng bào tôi, tôi đã chả thể nào ngồi yên”.
Bà Thảo Teresa nhấn mạnh: “Tôi chả quan tâm nhà nước cs [cộng sản] này có muốn chúng tôi biểu tình hay không, cũng chả quan tâm tổ chức hay hội nhóm nào âm mưu toan tính điều gì, tôi chỉ muốn làm theo lương tâm mình mách bảo”.
Chung suy nghĩ với bà Thảo, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh chia sẻ với VOA:
“Rất nhiều lần chúng tôi đi biểu tình bị hành hạ, bị bắt bớ, bị làm nhục. Thế nhưng chúng tôi không thể vì thế mà ngồi ở nhà im lặng khi mà Trung Quốc đang giày xéo lên chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam. Trước thái độ lúng túng, bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam, chúng tôi không thể im lặng”.
Giới hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tiến bộ xã hội thường bị nhà chức trách và báo chí nhà nước Việt Nam mô tả là những thành phần “phản động”, “câu kết với các thế lực thù địch”, “xuyên tạc, bôi nhọ” sự lãnh đạo của đảng cộng sản, và “chống phá đất nước”.
Nhìn lại cách đối xử của nhà nước với người dân thời gian qua, bà Hạnh đồng ý với quan điểm của một số người hay lên tiếng vì tiến bộ xã hội, như blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh/Mẹ Nấm, danh hài Nguyễn Công Vượng, võ sư kiêm nhà văn Đoàn Bảo Châu, cho rằng lòng yêu nước của nhân dân từng bị chính quyền “làm tổn thương”, dẫn tới phản ứng nhất thời từ một số người muốn để mặc cho “đảng, nhà nước tự lo” về việc đối phó với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, theo suy nghĩ cá nhân của bà Hạnh, tư tưởng bao trùm trong dân vẫn là “bất cứ con tim yêu nước nào cũng không thể ngồi yên khi đất nước bị dày xéo”.
Nhà hoạt động nữ bày tỏ niềm tin vững chắc rằng nếu Trung Quốc “ngang nhiên lấn tới” trong khi nhà cầm quyền Việt Nam “thực sự bỏ mặc, để mất lãnh thổ, lãnh hải”, khi đó “người dân sẽ lại xuống đường, người dân sẽ không để yên”. Bà Hạnh nói:
“Đấy là truyền thống ngàn đời của người dân Việt Nam. Chính bởi thế mà đất nước hình chữ S này còn tồn tại đến bây giờ\”.
Đòi hỏi từ giới hoạt động, từ người dân đặt ra lúc này, theo lời nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, là giới lãnh đạo phải thể hiện “thái độ dứt khoát rằng họ có còn coi Trung Quốc là ‘bạn vàng’, họ có còn phụ thuộc vào Trung Quốc, họ có còn ‘đi đêm’ với Trung Quốc hay không”.
Nguồn: VOA