CÁT LINH / Người Việt phỏng vấn –
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn: ‘Bãi Tư Chính hoàn toàn của Việt Nam’
.
LTS Người Việt : Cuộc đối đầu giữa tầu hải cảnh Trung Quốc và Việt Nam tại bãi Tư Chính trên Biển Đông đang trở nên ngày càng căng thẳng hơn. Diễn biến mới nhất, đã có tới 80 tàu Hải cảnh và các loại tàu khác của Trung Quốc đang hiện diện ở bãi Tư Chính kể từ cuối Tháng Năm, 2019 đến nay. Liên quan đến sự kiện này, Nhật Báo Người Việt đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn, người có hơn 10 năm nghiên cứu về Biển Đông, và hiện đang sống tại Đà Nẵng.
Qua việc phân tích lịch sử tranh chấp chủ quyền và nguyên nhân chính dẫn tới tình hình tranh chấp hiện nay tại bãi Tư Chính, ông Trần Đức Anh Sơn khẳng định “bãi Tư Chính hoàn toàn của Việt Nam!’
***
Trước đây, bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng sau này người ta điều chỉnh xếp nó vào một trong 6 bãi Việt Nam đang làm chủ, có các nhà giàn nằm trên thềm lục địa phía Nam. Nghĩa là Bãi Tư Chính không phải là khu vực đang có tranh chấp giữa 6 bên liên quan là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong thềm lục địa 350 hải lý và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, nghĩa là Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán về Bãi Tư Chính. Bất cứ hoạt động nào của một quốc gia kể cả thăm dò hoặc nghiên cứu khoa học ở trên các khu vực vùng biển kể cả Bãi Tư Chính cũng đều phải được sự đồng ý của nhà nước Việt Nam. Đó là về mặt pháp lý.
Về mặt lịch sử, chúng ta biết rằng Trung Quốc đến sau trong các vấn đề sáng lập, thực thi chủ quyền trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Cuốn sách của nhà báo người Anh Bill Hayton có tên “Biển Đông và cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Châu Á” thì chúng ta biết là người Trung Quốc không hề có hoạt động nào trong vấn đề tuyên bố sáng lập, chiếm hữu, chủ quyền cho đến ngày 6 Tháng Sáu năm 1909. Đó là thời điểm mà một vị là Tổng Đốc Trương Nhân Tuấn đã sai Phó Đề Đốc Lý Dục chỉ huy 3 chiến hạm của Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của 2 tàu người Đức đi từ Quảng Đông ra quần đảo Hoàng Sa, lúc đó Trung Quốc gọi là Tây Sa. Họ chỉ lên đó trong vòng 24 tiếng đồng hồ rồi họ rút lui, và họ tuyên bố quần đảo Tây Sa vô chủ.
- Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) của Việt Nam từ thời Chúa Nguyễn
Vùng đất này không phải là vô chủ, mà vùng đất này đã được các Chúa Nguyễn ở Việt Nam đã có những hoạt động mang tính chất nhà nước đầu tiên khi họ thành lập các hải đội Hoàng Sa và cử người ra đó. Một là là thu nhặt những của cải trên các tàu bị chìm đắm trong khu vực của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay người Việt Nam gọi nó là khu vực Bãi Cát Vàng. Những tên gọi này đã được ghi trong các tài liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm của người Việt. Tài liệu xưa nhất là tập bản đồ Toản Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ của Đỗ Bá, người Nghệ An.
Năm 1686, ông đã vẽ bản đồ ghi rõ Bãi Cát Vàng và chú thích Bãi Cát Vàng nằm ngoài khơi của đảo Hải Nam. Nơi đó, hàng năm các chúa Nguyễn đã cho tàu ra ngoài khơi mang về các hải vật, tức là các đặc sản dâng cho triều đình. Tháng Ba đi Tháng Tám về.
Sau đó nếu chúng ta nghiên cứu lịch sử xác nhận lịch sử chủ quyền của Việt Nam, thì chúng ta biết năm 170, Mã Cửu là một người Trung Hoa di cư về phía Nam và có công khai phá đất Hà Tiên và đã dâng đất Hà Tiên nhập vào lãnh thổ của Chúa Nguyễn ở đàng trong. Ông đã trình lên Chúa Nguyễn Phúc Chu và cho phép lập một hải đội để thám hiểm khu vực Trường Sa. Dần dần kiến thức địa lý của người Việt mở mang ra và đã phân biệt quần đảo Hoàng Sa riêng, quần đảo Trường Sa riêng.
Rất nhiều tài liệu phản ảnh chi tiết việc này như trong Biên Tập Luật của Lê Quí Đôn, thậm chí trong tài liệu của người Trung Hoa, như quyển Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sáng đều ghi rõ là các Chúa Nguyễn đã cho người ra khai phá vùng đất Hoàng Sa, Trường Sa.
Qua thời nhà Nguyễn, ngay sau khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1803 ông cho tái lập lại hải đội Hoàng Sa và đưa nó vào trong thuỷ quân vào những năm 1807, 1808. Sau đó cử người ra Hoàng Sa thăm dò địa lý, vẽ lại bảng đồ các hòn đảo. Năm 1816, vua Gia Long tuyên bố xác nhập quần đảo Hoàng Sa vào trong lãnh thổ Việt Nam một cách chính thức.
Tôi đã tìm khoảng 50 tài liệu bằng các thứ tiếng như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Đức đã ghi rất rõ điều đó.
Chúng ta đã có một quá trình xác lập chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm.
Người Việt: Như vậy Trung Quốc tuyên bố Bãi Tư Chính là của họ dựa trên cơ sở nào?
Trần Đức Anh Sơn: Họ dựa trên 1 bản đồ, được Bạch Mi Sơ là một người theo chính quyền của Trung Hoa Dân Quốc, lúc Trung Hoa chưa tách ra khỏi Đài Loan. Ông này lập ra một bản đồ dựa trên bản đồ của người Anh và dịch tên gọi của các đảo trong Biển Đông chủ yếu do người phương Tây, trong đó có người Anh đặt tên và chuyển các tên đó thành tiếng Trung Quốc. Sau đó ông ta xác định một vùng nằm giữa Biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vạch một đường là đường 11 đoạn.
Sau đó các học trò của ông này tiếp tục cũng cố bản đồ đó và năm 1947 đã trình lên chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Rồi chiến tranh giữa Quốc Dân Đảng với Trung Quốc Cộng Sản Đảng kết thúc năm 1949, Đảng Cộng Sản Trung Quốc thắng lợi, nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân (CHND) Trung Hoa ra đời, họ tiếp tục kế thừa những kiến thức này nhưng họ cũng không quan tâm lắm bởi vì lúc đó họ là một nước thuỷ quân rất yếu. Trong lịch sử họ đã có khoảng 400 năm từ thời cận đại tiếp giáp với thời hiện đại “quay lưng lại với biển”. Chính sách của họ là tránh biển, chủ yếu tập trung vào lục địa.
Cho đến năm 1953, Thủ Tướng Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm đến đường 11 đoạn. Có lẽ vì tình hữu nghị với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cùng hệ thống tư tưởng Cộng Sản nên ông ta đã bỏ hết 2 đoạn trên Biển Đông.
Nhưng nếu lưu ý sẽ thấy con đường 9 đoạn CHND Trung Hoa lập ra sau này nó rộng hơn so với đường 11 đoạn chính quyền Trung Hoa Dân Quốc lập ra và chính thức hoá năm 1947. Cụ thể nó đi sát với vùng nước, vùng biên giới của Việt Nam ở phía Tây, đi sát với Philippines ở phía Đông, cận với vùng biển Natura ở phía Nam, tiếp giáp với Indonesia và Malaysia. Nghĩa là nó tham lam hơn rất nhiều so với đường 11 đoạn mà Trung Hoa Dân Quốc đã vẽ.
Và Bãi Tư Chính, theo quan điểm của Trung Quốc thì nó nằm trong khu vực đó, trong đường lưỡi bò. Họ phục hưng lại một bản đồ, thừa kế lại bản đồ của chính phủ đối lập trước đây là Quốc Dân Đảng của Trung Hoa Dân Quốc và mở rộng ra, cho rằng họ có chủ quyền lịch sử
Nguồn cội của Trung Quốc tranh chấp Bãi Tư Chính bắt nguồn từ lịch sử. Nói nhu Bill Hayton là bắt nguồn từ vẽ bản đồ và trở thành luận điểm chính của họ đến thời điểm này.
- Âm mưu chiếm trọn Biển Đông
Người Việt: Trước những cơ sở của chủ quyền lịch sử như thế, thái độ và cách hành xử của 2 bên trước diễn biến ở Bãi Tư Chính đang nói lên điều gì? Ông có nghĩ rằng hình như phản ứng của chính phủ Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính lần này không mạnh mẽ bằng vụ giàn khoan HD 981?
Trần Đức Anh Sơn: Chúng ta khẳng định Trung Quốc không có quyền gì đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Bãi Tư Chính.
Dưới đáy biển của khu vực Biển Đông có rất nhiều tài nguyên dầu mỏ là những nguyên liệu có thể khai thác thành dầu trong tương lai. Trung Quốc quan tâm đến nguồn nguyên liệu này. Họ là quốc gia tiêu thụ năng lượng hoá thạch lớn thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ
Thứ hai là họ muốn kiểm soát con đường hàng hải đi qua Biển Đông. Bãi Tư Chính chỉ là một phần. Họ đã kiển soát Hoàng Sa. Bây giờ họ lập nên 7 đảo nhân tạo thành cứ điểm quân sự ở Biển Đông. Họ âm mưu lắp đặt phòng nhận diện phòng không. Họ áp đặt quyền và luật chơi của họ. Đồng thời họ còn muốn kiểm soát phần không phận ở Biển Đông. Do đó Bãi Tư Chính chỉ là một hành động tiếp theo về trong một chuỗi hành động mà Trung Quốc đã gia tăng, đặc biệt là khi Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước với khái niệm Trung Hoa Mộng, Một Vành Đai Một Con Đường.
Về phía Việt Nam, như chúng tôi có thông tin thì Việt Nam đã cử 2 tàu cảnh sát biển ra ngay khi Trung Quốc đưa tàu hải cảnh của họ vào. Tàu có trọng lượng rất lớn, 10 ngàn tấn nước. Tuy nhiên Việt Nam giữ kín thông tin này cho nên các người quan sát, nghiên cứu không có thông tin mà chủ yếu dựa vô trang thông tin Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á và Tweeter của Martison của trường đại học Hoa Kỳ.
Tôi cũng có tin cho biết là thời gian qua Việt Nam đã tăng cường tàu cảnh sát biển ra đó, số lượng thì chúng tôi không được biết vì phía Việt Nam vẫn giấu kín. Nhưng chắc chắn là cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam đang trong khu vực gần bồn trũng Bãi Tư Chính để bảo vệ chủ quyền và ngăn cản hành động quấy rối của Trung Quốc.
Theo tôi những phản ứng của phía Việt Nam trong lần này tương đối mạnh so với trước đây. Trước đây chờ rất lâu. Nhưng lần này trong mười mấy ngày đã lên tiếng và chỉ đích danh Trung Quốc.
Tuy nhiên những thông tin khác thì vẫn giữ kín, hoăc ở mức độ phát biểu. Còn những phát biểu của cấp cao hơn thì chưa có.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đang tìm cách không đẩy tình hình leo thang lớn hơn nữa, nhằm tìm giải pháp mà theo họ là tốt nhất, tránh chiến tranh nổ ra trên biển.
Đối với những người nghiên cứu, người quan tâm trong và ngoài nước thì họ cho là Trung Quốc đang đẩy tình hình căng thẳng lên, đẩy Việt Nam đến giải pháp ngoại giao là không ăn thua, bây giờ chắc phải dùng đến pháp lý, cân nhắc khởi kiện Trung Quốc ra toà quốc tế. Nhưng đó là quan điểm của học giả, chuyên gia, còn về phía chính phủ thì đến giờ chúng tôi vẫn chưa nghe gì.
Khởi kiện là con đường tốt nhất
Người Việt: Ông có nghĩ rằng Việt Nam kiện Trung Quốc ra toà quốc tế như Philippines từng làm là cách tốt nhất hiện nay?
Trần Đức Anh Sơn: Theo tôi nghĩ với Việt Nam bây giờ thì đó là con đường tốt nhất. Không ai muốn có một cuộc chiến tranh cục bộ trên biển dẫn đến chiến tranh toàn diện trên đất liền, tất cả đều thiệt hại.
Thứ hai, Việt Nam đang có quan hệ mà tôi nghĩ là dùng chữ “lệ thuộc” về kinh tế, chính trị với Trung Quốc cho nên có rất nhiều phiền toái xảy ra. Việt Nam muốn tránh những điều này. Nhưng nếu không làm vậy thì Trung Quốc ngày càng lấn tới.
Đối với những nhà nghiên cứu thì cho rằng kiện là giải pháp tốt nhất.
Nhưng kiện thì kiện cái gì?
Nếu kiện về lịch sử chủ quyền thì chúng ta có rất nhiều tài liệu nhưng chúng ta chưa biết phía Trung Quốc đưa ra tài liệu gì. Trung Quốc nghiên cứu về Việt Nam, về Biển Đông cũng rất kỹ. Nghiên cứu về Biển Đông với họ là những đề tài cấp độ nhà nước, luận án luận văn tiến sĩ về Biển Đông của họ gấp ngàn lần chúng ta.
Nhưng có 1 điều chắc chắn chúg ta có thể dựa trên phụ lục bản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để kiện Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như Philppines đã làm.
Nếu chúng ta kiện thì tôi đoán rằng toà sẽ phán quyết như đối với quần đảo Trường Sa, tức là không có một điểm nào trên quần đảo Hoàng Sa đủ tư cách là một đảo thật sự. Như vậy nó sẽ không có quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Điều đó vô cùng có lợi. Nó không như luận điểm của Trung Quốc đưa ra là tất cả đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa là một thể thống nhất. Như thế các đảo trên đó chỉ là những cá thể địa lý đơn lẻ và không có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Có nghĩa là vùng Trung Quốc bá quyền sẽ bị thu hẹp, bị vô hiệu hoá. Điều đó có lợi cho chúng ta, đặc biệt là cho ngư dân Việt Nam.
Người Việt: Khi Toà Trọng Tài Quốc Tế phán quyết Philippines thắng kiện thì ngay sau đó Tập Cận Bình đưa ra phát biểu là “phán quyết không có giá trị.” Ông có nghĩ điều này lặp lại một lần nữa nếu Việt Nam thắng kiện?
Trần Đức Anh Sơn: Phán quyết đấy có lợi cho Philippines. Tôi hay nói đùa là ông Duterete bỏ cái phán quyết của Tòa PCA trong túi rồi đi nói chuyện với Liên Hiệp Quốc. Nếu không có cái phán quyết đó thì Tổng thống hiện nay của Philippines không dám mạnh dạn đặt cược ra điều kiện với Trung Quốc.
Cái thứ hai, sau kết quả của vụ kiện thì Trung Quốc không còn hô hào to tát lớn tiếng ầm ĩ như trước đây. Những phát biểu của Tập Cận Bình chỉ từ 2015 đến đầu 2016 là hết.
Thứ ba, Trung Quốc vừa là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vừa là nước tham gia soạn thảo nên nếu họ liên tục vi phạm như vậy họ sẽ bị cô lập.
Vì họ không thừa nhận kết quả như vậy nên các nước xung quanh có quyền lợi liên quan Biển Đông bắt tay nhau thành lập các liên minh mới chống lại Trung Quốc. Đây là điều Trung Quốc rất sợ.
Đừng nghĩ họ bỏ qua phán quyết đó. Họ nghiên cứu các khía cạnh tìm các thích ứng làm thế nào có lợi cho họ. Đó không phải là tờ giấy lộn vô giá trị như nhiều người đã nghĩ.
- ‘Tôi sẽ trao toàn bộ tài liệu nếu Việt Nam khởi kiện, nhưng không tham gia’
Người Việt: Ông đã bị buộc phải từ chức, buộc ra khỏi ĐCS VN vì những nghiên cứu và sự lên tiếng rất thẳng thắn về vấn đề Biển Đông. Nếu bây giờ nhà nước CSVN mời ông tham gia vào chuẩn bị hồ sơ khởi kiện Trung Quốc thì câu trả lời của ông ra sao ạ?
Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Đức Anh Sơn: Tôi đã có thời gian dài nghiên cứu và sưu tầm tài liệu về vấn đề này. Tôi đã đi đến 13 nước khác nhau để tìm các tài liệu này về. Bây giờ tôi đang có trong tay khoảng 1.7TB tài liệu đã và chưa công bố. Tôi sẵn sàng trao lại cái này cho nhà nước để họ có thêm tư liệu để họ kiện chứ tôi không tham gia.
Tôi không gia vì bao nhiêu năm qua tôi làm việc và tôi thấy việc nhà nước đối xử với những trí thức như bọn tôi quá bạc bẽo nên tôi không tham gia. Tôi tránh để tập trung yên tâm làm những công việc mới. Nhưng họ cần thì tôi sẵn sàng đưa họ đầy đủ.
Người Việt: Cảm ơn ông đã trả lời Nhật Báo Người Việt!
Nguồn: Người Việt