Cựu Ngoại trưởng Philippines: Đã đến lúc đưa tranh chấp Biển Đông ra Liên hợp quốc
Ngày đăng 07-08-2019
Phát biểu tại một cuộc họp của Hiệp hội Luật sư Philippines ở Manila, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (31/7) cho biết, khi tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông tiếp tục nóng lên, Philippines nên cân nhắc đưa vấn đề này ra đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết, đã đến lúc chúng ta nên cân nhắc việc đi đến Đại hội đồng Liên hợp quốc để có thể có được số phiếu cần thiết nhằm thuyết phục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016), vốn ủng hộ Philippines trong vụ kiện chống các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Được biết, Đại hội đồng là cơ quan đại diện rộng rãi nhất của Liên hợp quốc, hiện gồm 193 quốc gia thành viên. Các thành viên Đại hội đồng đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quỗc gia thành viên đều được một phiếu bầu. Theo Điều 1 của Hiến chương, Liên hợp quốc được thành lập nhằm bốn mục tiêu: Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung. Ngoài ra, các nguyên tắc hoạt động chủ đạo của Liên hợp quốc quy định trong Hiến chương là: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Thực hiện các nghĩa vụ quốc tế; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình..
Trước đó, ông del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales (3/2017) đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về “những hành động sai trái của các quan chức Trung Quốc ở biển Đông”. Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales kêu gọi Công tố viên Fatou Bensouda của ICC khởi xướng “cuộc khảo sát sơ bộ” nhằm “đánh giá các hành vi phạm pháp của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác”. Khẳng định đại diện cho hàng trăm ngàn ngư dân, ông del Rosario và bà Morales cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông là “sự hủy diệt, gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Vụ kiện này khi đó đã nhận được sự tán thành của hàng ngàn người Philippines, theo tuyên bố ủng hộ được đăng trên website kiến nghị trực tuyến Change.org.
Để trả đũa cho hành động trên của ông del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales, Trung Quốc đã có hành động vô cùng khiếm nhã. Đầu tiên, bà Conchita Carpio-Morales bà bị nhân viên cơ quan di trú chặn giữ khi đến phi trường Hồng Công cùng với chồng, con trai, con dâu và hai cháu nội. Bà bị tách rời ra khỏi gia đình và đưa vào phòng thẩm vấn riêng. Bà cho biết được yêu cầu ký vào giấy tờ bằng tiếng Tagalog, nhưng nói với giới hữu trách là bà muốn bản Anh Ngữ. Tuy nhiên, sau đó bà vẫn từ chối không ký vì có những phần bỏ trống trong tờ giấy và thiếu nhiều chi tiết. Bà Carpio-Morales cho biết thêm, giới chức Hông Công sau đó cho biết bà có thể tiếp tục vào Hồng Công, song bà và gia đình đã quyết định bay về Philippines, do lo ngại bị Trung Quốc tiếp tục trả đũa. Tiếp theo, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đáp chuyến bay của Cathay Pacific tới Hồng Công lúc 7 giờ 40 phút ngày 21/6, sau đó bị giữ tại sân bay. Khi đó, ông Albert del Rosario xuất trình hộ chiếu ngoại giao Philippines ở cửa kiểm soát xuất nhập cảnh nhưng lại bị đưa đến khu vực nhập cảnh dành cho người nhập cư và bị giữ ở đây gần ba tiếng rưỡi. Theo luật sự của ông Albert del Rosario, ông bị từ chối nhập cảnh và bị trục xuất và cho biết thêm các nhà chức trách Hồng Công không đưa ra bất cứ lý do nào về việc từ chối cho thân chủ nhập cảnh. Ông Albert del Rosario sau đó phải lên máy bay trở về Philippines.
Cựu ngoại trưởng Rosario được biết đến là người duy trì đường lối ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tại nhiệm. Ông chính là người đề xuất đưa vụ tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài quốc tế năm 2013. Tòa án có trụ sở ở The Hague sau đó đã đưa ra phán quyết có lợi cho Manila, khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế.
Phát ngôn của Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario được đưa ra trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Liên quan hành động phi pháp này của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.