Đại sứ TQ tại Philippines đang tìm các đánh lừa cộng đồng quốc tế
Ngày đăng 07-08-2019
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa (29/7) đã đưa ra những tuyên bố “mị dân”, hết sức lố bịch khi cho rằng “Trung Quốc sẽ giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng thực tế lịch sử và theo luật pháp quốc tế, như UNCLOS”.
Tuyên bố lố bịch của Trung Quốc
Phát biểu trong bữa tiệc chiêu đãi kỷ niệm 92 năm Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa (29/7) đã đưa ra tuyên bố được cho là nhằm “mị dân” khi cho rằng Bắc Kinh sẽ “không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ”, “không thiết lập các phạm vi ảnh hưởng” và “không thực hiện phát súng đầu tiên” dù có trở nên mạnh mẽ như thế nào.
Ông Triệu cho rằng “Trung Quốc áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ tích cực, tuân thủ nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và phản ứng sau tấn công. Nghĩa là chúng tôi sẽ không thực hiện phát súng đầu tiên”; đồng thời tuyên bố “Trung Quốc sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình. Đây là một cam kết với người dân Trung Quốc và thế giới và điều này đã được ghi vào Hiến pháp Trung Quốc”; khẳng định “Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Philippines và các quốc gia khác có liên quan trực tiếp để giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông. Thông qua đàm phán và tham vấn song phương trên cơ sở tôn trọng thực tế lịch sử và theo luật pháp quốc tế, như UNCLOS”; cho rằng có một “động lực phát triển” cho sự hợp tác ở Biển Đông và Bắc Kinh “cam kết vì hòa bình và ổn định”.
Phản ứng của Philippines
Khi được đề nghị bình luận về tuyên bố trên của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana (30/7) cho rằng các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng gia tăng; nhấn mạnh Trung Quốc luôn tuyên bố “không bắt nạt những người xung quanh” và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng họ đang không làm điều đó và “những gì họ nói không giống những gì họ làm trên thực tế một chút nào”. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough sau tranh chấp kéo dài năm 2012.
Ai mới là kẻ gây sự, “nổ phát súng đầu tiên” ở Biển Đông
Trong những ngày gần đây, Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đang theo dõi và quyết liệt phản đối nhóm tàu Trung Quốc tiến hành thăm dò địa chấn trái phép tại khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam cũng như thông tin về hành vi quấy rối hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp tại lô 06-01 Bồn trũng Nam Côn Sơn.
Đầu tiên, khu vực bãi Tư Chính và Nam Côn Sơn cách Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa hơn 200 hải lý. Đảo lớn gần nhất với Tư Chính và Nam Côn Sơn là Trường Sa Lớn, mà đây chỉ là đảo lớn thứ tư ở Trường Sa. Phán quyết năm 2016 đã khẳng định Ba Bình không tạo cho Trung Quốc cơ sở để đòi quyền về EEZ hay thềm lục địa, vì vậy các thẩm phán giờ đây khó có thể cho rằng Trường Sa Lớn có vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, có thể nói bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của một thực thể nào đang thuộc quần đảo Trường Sa. Ngược lại, vùng Tư Chính/Nam Côn Sơn nằm hoàn toàn trong các vòng tròn 200 hải lý từ các đảo Dinh, Phú Quý, Côn Sơn của Việt Nam. Kết quả của phiên tòa sẽ khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam, cũng như giới hạn hay ít nhất sẽ làm rõ bán kính ảnh hưởng trong các tuyên bố phi lý của Trung Quốc đòi quyền về EEZ từ các thực thể đang tranh chấp ở Trường Sa. Từ đó, đóng khung vùng biển có khả năng bị tranh chấp, dẫu sao vẫn nhỏ hơn nhiều so với đường chữ U chiếm hơn 80% Biển Đông của Trung Quốc. Kết quả này cùng với kết quả phiên tòa giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016 một lần nữa khẳng định sự vô lý và phi pháp của yêu sách đường chữ U.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đầu tiên, duy nhất xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi nó còn vô chủ. Các hoạt động xác lập chủ quyền đó đều do chính quyền nhà nước tiến hành và được thực thi một cách tự nhiên, hòa bình, liên tục và rõ ràng. Chính vì thế, Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp, thông lệ và thực tiễn quốc tế.
Thứ ba, trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để tuyên truyền, củng cố, ngụy tạo chứng cứ pháp lý để tìm cách khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Lập luận pháp lý mà Trung Quốc đưa ra chủ yếu dựa trên một số khía cạnh như: Trung Quốc có “chủ quyền” lịch sử ở Biển Đông; Khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được xác định từ phần lãnh thổ Trung Quốc có “chủ quyền”; Ngư dân Trung Quốc phát hiện sớm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Hiệp ước Pháp – Thanh (26/6/1887) về phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc kỳ khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông… Trên thực tế, tất cả lập luận, chứng cứ của Trung Quốc đưa ra đều không có tính thuyết phục, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế hiện hành. Thậm chí Trung Quốc còn tìm mọi cách để ngụy tạo chứng cứ pháp lý nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường nói họ có đầy đủ chứng cứ để chứng minh người Trung Quốc đã phát hiện và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và “làm chủ” Biển Đông từ cách đây hơn 2.000 năm. Tuy nhiên, trên thực tế họ không đưa ra được một bằng chứng xác thực nào mà chỉ dựa vào những trích dẫn từ các sách cổ của các tác giả Trung Quốc rồi giải thích một cách tùy tiện theo ý mình rằng đó là bằng chứng về việc họ phát hiện và khai thác hai quần đảo này. Với cách thức tập hợp rất nhiều đoạn trích dẫn có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện là cách Trung Quốc tung hỏa mù để đánh lừa cộng đồng quốc tế về “chủ quyền” ở Biển Đông.
Ngoài ra, để ngụy tạo chứng cứ, Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi mà ít ai nghĩ đến. Báo The Straits Times từng phỏng vấn ngư dân Trung Quốc ở làng chài Đàm Môn (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã chi trả 180.000 nhân dân tệ (27.000 USD) cho các chủ tàu cá (Trung Quốc) để đi đến quần đảo Trường Sa và rằng “họ (Chính phủ Trung Quốc) không quan tâm đến việc ngư dân có đánh bắt hay không, họ chỉ muốn ngư dân có mặt ở đó”. Trước đây cũng có thông tin cho rằng Trung Quốc đã cho rất nhiều ngư dân mang cổ vật (bát, đồ sứ…) mang đổ xuống Biển Đông nhằm ngụy tạo chứng cứ cho rằng ngư dân Trung Quốc đã xuất hiện ở Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước.
Từ đó cho thấy, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền ở Biển Đông như những gì họ đang tìm cách khẳng định và chứng minh. Do đó, việc Trung Quốc tiến hành đánh chiếm các đảo, đá của Việt Nam, tiến hành cải tạo đảo, quân sự hóa trong khu vực, ngăn chặn, xua đuổi, thậm chí là đâm chìm tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống ở Biển Đông, điều tàu ngăn chặn, cản phá Việt Nam và các đối tác tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam… có phải là hành động “nổ phát súng khiêu khích”, hay “tìm kiếm quyền bá chủ” ở Biển Đông không hả ông Triệu Giám Hoa – Đại sứ Trung Quốc tại Philippines.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước ven Biển Đông đều là những người có học thức, họ đều biết lẽ phải, đều biết hành động nào là phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, chính vì vậy, hành vi “mị dân” của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa sẽ chẳng đánh lừa được ai, mà chỉ khiến cộng đồng quốc tế thêm coi thường Trung Quốc – nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà “nói một đằng, làm một nẻo”, sử dụng sức mạnh quân sự để xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.