Hàng loạt công ty đa quốc gia thiệt hại vì biểu tình ở Hong Kong
Doanh thu nhiều công ty đa quốc gia, từ Disney, Prada đến Swatch đều đã sụt giảm và có khả năng tiếp tục đi xuống.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong, nhằm phản đối dự luật dẫn độ tội phạm, đã diễn ra 9 tuần liên tiếp, buộc nhiều cửa hàng phải đóng cửa, gây gián đoạn giao thông công cộng và kéo tụt tăng trưởng kinh tế. Hàng loạt công ty đa quốc gia tại đây, như Disney, HSBC, Prada, Swatch và Cathay Pacific đã phải chịu hậu quả từ việc này.
Thứ sáu tuần trước, giới chức Hong Kong còn cảnh báo tình hình này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế hơn cả dịch SARS năm 2003. Quý trước, Hong Kong tăng trưởng thấp nhất trong một thập kỷ.
Thành phố này là quê hương của 7 công ty trong Fortune Global 500 (500 công ty lớn nhất thế giới theo doanh thu). Hong Kong cũng là nơi đặt trụ sở châu Á của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia lớn. Phòng thương mại Mỹ tại Hong Kong tháng trước cho biết các công ty thành viên đã báo cáo \”hậu quả nghiêm trọng từ việc gián đoạn kinh doanh\”, từ doanh thu giảm, chuỗi cung ứng thay đổi đến việc phải hủy đầu tư.
Hãng bay hàng đầu Hong Kong – Cathay Pacific cho biết các cuộc biểu tình khiến hành khách của họ tháng trước giảm mạnh. Việc này sẽ tiếp tục \”tác động tiêu cực\” lên lượng đặt chỗ trong tương lai.
Tại Intercontinental Hotels, doanh thu trên mỗi phòng giảm trong nửa đầu năm, một phần vì các cuộc biểu tình đang diễn ra. Marriott và Disney cũng dự báo việc kinh doanh năm nay bị ảnh hưởng. \”Rõ ràng là các cuộc biểu tình ở đây rất nghiêm trọng\”, CEO Disney Bob Iger tuần trước đánh giá, \”Tác động có thể sẽ được phản ánh trong quý này\”.
Các thương hiệu xa xỉ toàn cầu cũng chịu chung số phận. Prada tuần trước cho biết doanh thu của họ \”bị ảnh hưởng tiêu cực vì bất ổn tại Hong Kong\”. Richemont – công ty mẹ của Cartier cho biết doanh thu tại Hong Kong \”đi xuống\” một phần vì biểu tình. Đây cũng là lý do cho việc nguồn thu của hãng sản xuất đồng hồ Swatch (Thụy Sĩ) tại thành phố này đi xuống.
HSBC – một trong những nhà băng lớn nhất thế giới – đã phải tạm đóng cửa một số chi nhánh tại đây. Tuần trước, Giám đốc Tài chính Ewen Stevenson dự báo tác động từ việc này sẽ còn kéo dài sang nửa cuối năm. \”Nếu tình hình vẫn tiếp tục, niềm tin nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng\”, ông cảnh báo.
Các cuộc biểu tình đang đe dọa hình ảnh thân thiện với doanh nghiệp của Hong Kong. Khả năng giới chức Trung Quốc kiểm soát chặt hơn các vấn đề của thành phố này cũng sẽ càng khiến họ mất sức hấp dẫn. \”Tôi không cho rằng đây sẽ là một cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn. Nó giống trong trung đến dài hạn hơn\”, Davide De Rosa – Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Hong Kong kết luận.
Hà Thu (theo CNN)