Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung – Kỳ 2: Chiến dịch RYaN của Liên Xô
07/08/2019
TTO – Lo ngại bị Mỹ và NATO tấn công hạt nhân phủ đầu, Ủy ban An ninh quốc gia Xô viết (KGB) đã phối hợp Bộ An ninh quốc gia Đông Đức (Stasi) mở chiến dịch thu thập thông tin tình báo mang mật danh RYaN – Tấn công bằng tên lửa hạt nhân.
Liên Xô mở chiến dịch RYa N để ngăn ngừa bị tấn công hạt nhân phủ đầu – Ảnh: Slate
Oleg Gordievsky đã gây thiệt hại nặng nề nhất cho an ninh quốc gia trước khi Liên Xô tan rã.
Cựu chủ tịch KGB VLADIMIR SEMICHASTNY
Liên Xô (cũ) lo ngại bị Mỹ và NATO tấn công hạt nhân phủ đầu từ năm 1979 sau khi Học viện Các vấn đề tình báo của Liên Xô phát cảnh báo.
Dựa theo cảnh báo ấy, Ủy ban An ninh quốc gia Xô viết (KGB) đã phối hợp với Bộ An ninh quốc gia Đông Đức (Stasi) mở chiến dịch thu thập thông tin tình báo mang mật danh RYaN (Raketno-Yadernoye Napadenie, nghĩa là \”Tấn công bằng tên lửa hạt nhân\”).
7 nhóm dấu hiệu tấn công phủ đầu
233 trang tài liệu giải mật được Trung tâm nghiên cứu Wilson (Mỹ) công bố vào tháng 11-2014 đã cung cấp thông tin cụ thể về quy mô của chiến dịch RYaN, cách thức tiến hành chiến dịch và tầm quan trọng của tin tình báo Đông Đức.
Tổng hành dinh KGB đã lập 300 vị trí công tác làm nhiệm vụ thẩm định các dấu hiệu tấn công hạt nhân phủ đầu và một sư đoàn đặc nhiệm thực hiện chiến dịch RYaN. Trong sư đoàn có 50 sĩ quan KGB.
KGB đã chỉ thị cho mọi điệp viên KGB ở nước ngoài phải theo dõi các kế hoạch và biện pháp cụ thể của NATO về kế hoạch chuẩn bị tấn công hạt nhân phủ đầu.
Báo cáo đầu tiên giải thích rõ ràng về chiến dịch RYaN là tin điện tuyệt mật có tiêu đề \”Nhiệm vụ tác chiến thường xuyên nhằm phát hiện hành động chuẩn bị tấn công Liên Xô bằng tên lửa hạt nhân của NATO\” được tổng hành dinh KGB gửi cho chi nhánh London vào tháng 2-1983.
Tin điện nêu cụ thể bảy nhiệm vụ tức thì và 13 công tác trước mắt cần thực hiện trong chiến dịch RYaN, ví dụ như thu thập dữ liệu về các địa điểm di tản và trú ẩn của NATO; đánh giá số lượng máu trong các ngân hàng máu; xác định các đầu mối quyết định về hạt nhân và kho vũ khí hạt nhân; khảo sát mạng lưới thông tin liên lạc; giám sát những người phụ trách nhà thờ, ngân hàng, các dịch vụ an ninh và cơ sở quân sự.
Tháng 10-1983, Học viện Các vấn đề tình báo của Liên Xô đã cung cấp cho KGB bảy nhóm dấu hiệu báo trước sẽ xảy ra tấn công hạt nhân phủ đầu.
Cuộc tập trận Able Archer 83 của NATO vào tháng 11-1983 và các cuộc tập trận khác cho thấy nhiều dấu hiệu phù hợp với các nhóm dấu hiệu cảnh báo, bởi thế Liên Xô mới báo động toàn quân.
Ví dụ như NATO đã tổ chức chuyển quân quy mô lớn, NATO đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị trang thiết bị chống vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học đồng thời có thay đổi quan trọng trong thông tin liên lạc.
Đến tháng 5-1986, KGB đã có trong tay danh mục 292 dấu hiệu cụ thể về tấn công hạt nhân phủ đầu bao gồm nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, tình báo, phòng vệ dân sự, kinh tế.
Trong chiến dịch RYaN, Đông Đức là nguồn tình báo nước ngoài chủ yếu của KGB. Stasi khởi động chiến dịch RYaN từ đầu năm 1983 nhưng hai năm sau mới thực sự thu thập tin tình báo. Tài liệu giải mật của Stasi cho thấy KGB và Stasi luôn yêu cầu đánh giá tin tình báo để đừng bị mắc lừa.
Tháng 8-1984, phó chủ tịch KGB Lev Shapkin trao đổi với Markus Wolf – giám đốc Cục Tình báo đối ngoại của Stasi – rằng nếu quan sát thấy các dấu hiệu tấn công hạt nhân, cần phải làm rõ tin tình báo để tránh dấu hiệu giả.
Markus Wolf khẳng định phải nắm tình hình thực tế để xác định các diễn biến có thực sự là khủng hoảng hay không chứ không chỉ căn cứ các dấu hiệu.
Phòng kiểm soát dưới hầm ngầm của Đông Đức phục vụ chiến dịch RYaN – Ảnh: Benjamin Fischer
Người tiết lộ chiến dịch RYaN
Mỹ và NATO đã biết nội dung chiến dịch RYaN nhờ điệp viên hai mang người Nga Oleg Gordievsky. Sau này trả lời Đài phát thanh radio Svoboda (Nga), Gordievsky tiết lộ sau khi Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc (tháng 6-1968), ông bất mãn nên đã tiếp xúc với cơ quan tình báo quân đội MI6 của Anh để cung cấp thông tin.
Gordievsky sinh năm 1938, mang quân hàm đại tá KGB. Năm 1982, Gordievsky đến công tác tại Đại sứ quán Liên Xô ở London (Anh) với nhiệm vụ chỉ đạo mạng lưới KGB tại Anh. Ba năm sau, KGB nghi ngờ ông làm gián điệp cho địch nên triệu hồi về nước và bắt giữ để thẩm vấn.
Do KGB không có chứng cứ, Gordievsky được cho về nhà với vợ con. Sau đó, MI6 đã tổ chức đưa Gordievsky đào thoát. Ngày 19-7-1985, Gordievsky tìm cách rời Matxcơva đến biên giới Phần Lan, sau đó trốn trong cốp xe của nhân viên sứ quán Anh vượt biên sang Anh.
Trong tác phẩm Điệp viên và kẻ phản bội: Lịch sử vụ gián điệp lớn nhất chiến tranh lạnh (xuất bản tháng 9-2018), nhà nghiên cứu Anh Ben Macintyre kể vào tháng 2-1983, Gordievsky ở London nhận được tin điện từ tổng hành dinh KGB.
Tin điện nêu chiến dịch RYaN ghi nhận có dấu hiệu xảy ra tình trạng khẩn cấp đặc biệt nghiêm trọng và chỉ thị phải báo cáo sớm mọi động thái chuẩn bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Gordievsky đã cung cấp thông tin quan trọng này cho MI6, sau đó MI6 chuyển tiếp tin cho CIA.
Do tin tình báo trong chiến dịch RYaN quá lớn, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã sử dụng hệ thống vi tính còn sơ khai để tính toán tương quan lực lượng.
Gordievsky đã chuyển tin cho Anh biết Bộ Quốc phòng Liên Xô đã sử dụng mô hình vi tính lớn dùng để tính toán các yếu tố quân sự, kinh tế và tâm lý nhằm xác định quân số và đối trọng liên quan.
Gordievsky cũng là người cung cấp thông tin Liên Xô báo động toàn quân vào thời điểm NATO tiến hành cuộc tập trận Able Archer 83 vì tin vào kết quả tính toán của máy tính.
Máy tính đánh giá tương quan lực lượng của Liên Xô chỉ đạt chưa tới 45% so với Mỹ trong khi tình hình chỉ ổn định khi tương quan lực lượng đạt mức từ 60-70%.
Năm 1991, Oleg Gordievsky và nhà sử học Christopher Andrew người Anh đã công bố toàn văn tin điện chỉ đạo chiến dịch RYaN nêu trên trong cuốn sách Các chỉ thị của đồng chí Kryuchkov: Hồ sơ tuyệt mật về các chiến dịch ở nước ngoài của KGB, 1975-1985.
Liên Xô kết thúc chiến dịch RYaN hai năm sau khi Liên Xô và Mỹ ký kết Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào cuối năm 1987.
Điệp viên hai mang Oleg Gordievsky – Ảnh: Rex
Điệp viên Nga nổi tiếng nhất thời chiến tranh lạnh
Năm 1985, Liên Xô tuyên án tử hình vắng mặt đối với Oleg Gordievsky về tội phản bội tổ quốc nhưng bản án chưa bao giờ được thi hành sau khi Liên Xô tan rã.
Trong tác phẩm Năm 1983: Reagan, Andropov và thế giới bên bờ vực xuất bản tháng 4-2018, nhà sử học người Anh Taylor Downing đánh giá Gordievsky là người có công lớn giúp Mỹ và Anh hiểu rõ hơn đối sách của Liên Xô trong chiến dịch RYaN, từ đó Mỹ đã từ bỏ thái độ hung hăng dẫn đến quyết định kết thúc chiến tranh lạnh với Liên Xô.
Trang web Russia Beyond của Nga đã gọi Gordievsky là một trong ba điệp viên Nga nổi tiếng nhất trong lịch sử Liên Xô cũ. Ông đang cư trú ở Anh với lý lịch giả.
Kỳ tới: Mỹ – Xô loại bỏ tên lửa tầm trung
HOÀNG DUY LONG