Sơn Ca, chim hót nhạc khúc quê hương

Chuly sưu tầm

Sơn Ca, chim hót nhạc khúc quê hương.

Đằng-Giao/Người ViệtAugust 13, 2019

\"\"/
Sơn Ca trong buổi nói chuyện tại tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Một trong những ca sĩ thuộc lớp tuổi trẻ nhất trong làng văn nghệ Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa, Sơn Ca, hiện đang sống ở Brisbane, Úc, là một trong những giọng ca còn hăng say đóng góp cho âm nhạc Việt Nam và giữ được âm hưởng duyên dáng đặc biệt của mình.

“Sơn Ca bắt đầu đi ca năm 1972, được chú Hoàng Thi Thơ nâng đỡ bằng cách cho hát những nhạc phẩm mới nhất của chú. Sơn Ca, Họa Mi và Bùi Thiện là ba người được vinh dự này,” cô ca sĩ líu lo nói. “Chú thích tên những loài chim hót hay.”

Cùng ca sĩ Bùi Thiện, Sơn Ca tạo dựng tên tuổi cho mình bằng những nhạc phẩm thơm nồng hương lúa quê nhà giữa lúc không khí văn nghệ miền Nam Việt Nam hoàn toàn không thuận lợi cho luồng nhạc quê hương, là giai đoạn nhạc Anh, Mỹ, Pháp được du nhập vào Sài Gòn một cách ồ ạt và phong trào nhạc trẻ cũng đang phát triển rầm rộ.

Nhưng, bất chấp tất cả, đôi song ca Sơn Ca-Bùi Thiện đã gởi làn điệu quê hương đến cho những ai còn lưu luyến với những câu hò trai gái hiền hòa, nhặt khoan hẹn hò chốn đồng quê.

Tiếng hát Sơn Ca làm đẹp cho câu dân ca mộc mạc bên lũy tre mát xanh, trên bờ đê thẳng tắp, dọc theo cánh đồng thẳng cánh cò bay.

“Âu cũng là cái duyên thôi. Sơn Ca may mắn được chú Hoàng Thi Thơ tin tưởng giao cho những sáng tác quá hay, quá thích hợp nên chỉ trong vài năm thôi, Sơn Ca đã được người ta biết đến với những sáng tác để đời của chú,” cô khiêm nhượng trình bày.

\"\"

Khác với sự lầm tưởng của nhiều người, nghệ danh “Sơn Ca” không phải do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đặt cho cô. “Cha Sơn Ca là người nghĩ ra tên này trước. Và khi vừa đề nghị là chú Hoàng Thi Thơ đồng ý ngay,” cô kể. “Chú nói tên này rất thích hợp với con người và cá tính Sơn Ca.”

“Chú Hoàng Thi Thơ có tài gần như ‘đo ni đóng giày’ khi sáng tác nhạc cho ca sĩ. Khi viết cho Họa Mi, chú chọn những nhạc phẩm như ‘Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta,’ ‘Tạ Tình,’ ‘Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng,’ trong lúc chú giao cho Sơn Ca những bài như ‘Đám Cưới Trên Đường Quê,’ ‘Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng,’ ‘Tình Ta Với Mình,’ hay ‘Gạo Trắng Trăng Thanh,’” cô tiếp.

Chính nhờ sự “đo ni đóng giày” này mà Sơn Ca, Họa Mi và Bùi Thiện cùng những ca khúc của Hoàng Thi Thơ.

Nhiều người cũng lầm tưởng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người đào tạo ra tiếng hát Sơn Ca.

Cô đính chính: “Chú là một nhạc sĩ đại tài nhưng chú chỉ đưa nhạc cho Sơn Ca, thỉnh thoảng, chú hướng dẫn sơ về kỹ thuật cũng như cách trình diễn thôi, chứ thực sự, Sơn Ca học ba năm ở Quốc Gia Âm Nhạc rồi mới gặp chú.”

Cô kể: “Sau khi nghe Sơn Ca hát trong một đêm văn nghệ ở trường Luật, chú tìm đến nhà và nói muốn nghe Sơn Ca hát thử vài bài của chú.”

Khi gặp Hoàng Thi Thơ, Sơn Ca cũng đã học ca với nhạc sĩ Lê Minh Bằng và nhạc sĩ Châu Kỳ rồi.

Như một định mệnh, tên tuổi Sơn Ca, cùng Bùi Thiện, gắn liền với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từ dạo ấy qua những sáng tác “đo ni đóng giầy” cho cô như “Đám Cưới Trên Đường Quê,” “Rước Tình Về Với Quê Hương,” “Tình Ca Trên Lúa,” “Gạo Trắng Trăng Thanh”… Những ca khúc này, cô song ca với nhạc sĩ Bùi Thiện, người dạy cô tại Quốc Gia Âm Nhạc.

Sơn Ca bắt đầu thu băng nhạc vào năm 1973. “Lúc đó thu vô băng ‘Akai’ chứ cassette chưa phổ biến như sau này,” cô nói.

“Sang Mỹ, Sơn Ca cũng hoàn tất một số cassette và CD nữa, và nay tất cả đều đã được đưa lên Internet nên mọi người có thể nghe miễn phí,” Sơn Ca điềm nhiên nói.

\"\"
Sơn Ca (trái) và Mai Hương. (Hình: Sơn Ca cung cấp)

Có thể nói Sơn Ca là một trong số ít ca sĩ nhanh chóng thành công, chỉ trong vòng ba năm,

“Sơn Ca được nhiều người biết tới là nhờ chú Hoàng Thi Thơ giao cho Sơn Ca những sáng tác hợp với giọng mình thôi. Đó là nhờ duyên phận và định mệnh, Sơn Ca tin như vậy. Chú đã lựa nhạc vui tươi, rất hợp với Sơn Ca. Có hợp thì mình mới phô diễn cái chất giọng của mình được,” cô nhớ lại.

Cô khiêm nhượng nói: “Về tên tuổi Sơn Ca ngày hôm nay, Sơn Ca xin cám ơn trời Phật, tổ nghiệp và chú Hoàng Thi Thơ.”

Những nhạc phẩm vui tươi, Hoàng Thi Thơ giao cho Sơn Ca-Bùi Thiện, những sáng tác thiên về trầm buồn và mang tính cổ điển, ông giao cho ca sĩ Họa Mi.

“Những bài như ‘Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta,’ ‘Tạ Tình,’ ‘Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng’ thì chú đưa cho Họa Mi chứ nếu để Sơn Ca mà ca thì không thích hợp chút nào,” Sơn Ca thành thật nói.

Ngoài ra, Sơn Ca cũng nổi tiếng với những ca khúc đầy hơi hám quê hương của những nhạc sĩ khác như “Gánh Lúa” (của Phạm Duy), “Duyên Nước Tình Trăng” (Hoàng Nguyên), “Tàu Về Quê Hương” (Hồng Vân), “Cô Thắm Về Làng” (Giao Tiên)…

Sơn Ca được giới truyền thông thời trước 1975 gọi là “cô Thắm” sau khi thành công vượt mức với nhạc phẩm thơm nồng mùi lúa chín của nhạc sĩ Giao Tiên.

Bước vào nghề ca hát từ năm 1972, cho đến bây giờ, Sơn Ca chưa bao giờ ngưng nghỉ.

Vượt biên năm 1979, Sơn Ca định cư tại Mỹ 15 năm. “Lúc đầu. Sơn Ca ở Texas nhưng sau đó chú Hoàng Thi Thơ và anh Bùi Thiện rủ về California. Nhưng rồi Sơn Ca quyết định tái định cư tại San Jose, California,” cô nói.

Cô nhận xét: “Nhờ phong trào ‘trăm hoa đua nở’ của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, khuyến khích tự do sáng tác theo cảm xúc của mình nên tất cả những bộ nôn nghệ thuật của mình đều có những tác phẩm độc đáo, kết nụ thành một kho tàng văn nghệ khổng lồ mà mãi cho đến hôm nay, người ta vẫn còn thưởng thức. Nhạc Hoàng Thi Thơ thuộc thế hệ đó.”

Như để nhấn mạnh, cô thêm: “Thậm chí có những tác phẩm của Hoàng Thi Thơ sáng tác trước khi Sơn Ca ra đời mà giờ này, vẫn còn nhiều người muốn nghe.”

“Chúng ta rất may mắn được thừa hưởng một gia tài âm nhạc quá đồ sộ và chúng ta nên biết ơn những người đã đóng góp cho gia tài ấy,” Sơn Ca kết luận. (Đằng-Giao)

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com 

Bài Liên Quan

Leave a Comment