DIỄM THI / RFA –
Từ biểu tình Hong Kong, nhìn lại Việt Nam
.
Việt Nam từng có những cuộc biểu tình lớn phản đối Trung Quốc cũng như phản đối những điều luật bóp nghẹt quyền tự do của người dân như luật an ninh mạng, luật đặc khu… nhưng đều bị giải tán nhanh chóng. Dư luận đặc nhiều dấu hỏi về sự khác biệt giữa biểu tình ở Hong Kong và Việt Nam?
Những điểm giống …
Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đã bước sang tuần thứ 10. Đặc biệt là chiến dịch tọa kháng tại sân bay quốc tế Hong Kong từ tối hôm 9 tháng 8 với gần 5.000 người khiến sân bay phải đóng cửa, hủy hàng trăm chuyến bay ba ngày sau đó.
Quan chức chính quyền Trung Quốc gọi cuộc biểu tình Hong Kong là \”khủng bố\” và kêu gọi sử dụng \”bàn tay thép\” để giải quyết \”những hành vi bạo lực\” ở Hong Kong.
Một trong những cách mà chính quyền Trung Quốc đang thực hiện ở Hong Kong hiện nay là để cảnh sát bắn đạn cao su, xịt hơi cay vào người biểu tình. Đã có khoảng 600 người bị bắt kể từ ngày 9 tháng 6, khi những cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra và lan rộng.
Blogger Tuấn Khanh nhận xét chính quyền Trung Quốc hiện đang điên cuồng bắt bớ, đánh đập người biểu tình để tìm xem ai là thủ lĩnh, y như cách hành xử của chính quyền Việt Nam:
“Những người lãnh đạo biểu tình là những người bí mật. Họ không hề xuất hiện ở vị trí lãnh đạo vào bất cứ thời điểm nào để có thể bị bắt vì bất cứ lý do gì, kể cả lý do biểu tình.
Do đó vào lúc này, sự điên cuồng tấn công giới sinh viên Hong Kong của chính quyền Trung Quốc cho thấy sự tức giận vì không tìm ra đầu mối người lãnh đạo. Họ bắt giữ nhiều ngày và đánh đập là bài bản quen thuộc rất giống ở Việt Nam. Họ chịu sự tra tấn, ép buộc để khai ra ai là người hướng dẫn biểu tình; ai hẹn giờ biểu tình; và ai là người tổ chức và có biết đường dây nào hay không.”
Theo các nhà quan sát thì cách hành xử của chính quyền Trung Quốc hiện nay trong việc đàn áp và dập tắt biểu tình ở Hong Kong là một “bài” giống nhau ở tất cả các nước cộng sản.
Về mặt truyền thông, từ hôm 12 tháng 8, báo chí nhà nước mạnh mẽ chỉ trích người biểu tình; cùng lúc phát ngôn viên Dương Quang của Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macao gọi biểu tình ở Hong Kong là “khủng bố” thì từ này được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV nhắc lại đến ba lần trong bản tin thời sự cùng ngày.
Trước đó, hôm 9 tháng 8, bà Regina Ip, thành viên Hội đồng lập pháp Hong Kong, cũng là một lãnh đạo chính trị thân chính quyền trung ương, phát biểu trên China Global Television Network (CGTN) rằng “Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho chúng tôi để cảnh sát cứng rắn hơn nữa.”
Blogger Tuấn Khanh nhận định sẽ không có một Thiên An Môn thứ hai, tức sẽ không có xe tăng nghiền nát người biểu tình, nhưng Trung Quốc sẽ có cách của họ mà theo Blogger Tuấn Khanh là cũng tương tự như ở Việt Nam. Ông nói:
“Trung Quốc sẽ có cách là cho người ta sợ, cũng giống như cách mà Việt Nam đã làm vào ngày 10/6/2018. Hôm đó Việt Nam có một cuộc tra tấn khủng khiếp khi công an mở ra một cái trại bắt tất cả những người đi biểu tình về đó rồi đánh đập họ khủng khiếp. Trung Quốc họ cũng sẽ làm như vậy ở Hong Kong.”
… và khác với Việt Nam
Tại Việt Nam, cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên diễn ra vào ngày 5 tháng 6 năm 2011, sau sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp thiết bị thăm dò dầu khí của Việt Nam khiến dư luận Việt Nam hết sức công phẫn.
Đến tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc lắp đặt giàn khoan thăm dò dầu khí HD-981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc cũng đã diễn ra tại 22 tỉnh thành ở Việt Nam trong đó có: Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hoá.
Đặc biệt ngày 10 tháng 6 năm 2018, hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành khác nhau đã đổ ra đường biểu tình phản đối luật đặc khu hành chính kinh tế (Luật Đặc khu) và Luật an ninh mạng.
Tất cả các cuộc biểu tình đều bị chính quyền đàn áp, dập tắt bằng bạo lực, đẫm máu nhất là cuộc biểu tình hôm 10 tháng 6 năm 2018 khiến nhiều người bị đánh dã man; hàng trăm người bị bắt; gần 130 người đã bị kết án tù với các tội như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền, cho rằng, so sánh biểu tình Hong Kong và biểu tình Việt Nam là quá khập khiễng, bởi người biểu tình ở Việt Nam quá ít, vài ngàn người đàn áp rất dễ. Hơn nữa người Việt không có “Văn hóa biểu tình” do chế độ cộng sản không cho phép biểu tình và nhà nước kiểm soát tất cả mọi hoạt động của người dân. Từ đó đa số người dân không nghĩ đến việc lên tiếng cho những quyền lợi “sát sườn” của mình dẫn đến “Văn hóa phản kháng”, “Văn hóa biểu tình” bị đè bẹp. Ông nói thêm:
“Tôi nghĩ ở VN hiện giờ là khó, bởi sự đoàn kết, liên kết giữa những người biểu tình hầu như chưa có. Trong cuộc biểu tình lớn vào năm 2011 cũng gần như mang tính tự phát khi chỉ có một lời kêu gọi trên mạng tập trung tại một điểm vào một giờ nhất định nào đó rồi về chứ không mang tính lâu dài như ở Hong Kong.”
Ông Vũ Quốc Ngữ kết luận rằng biểu tình ở Việt Nam mang tính ái quốc chứ không phải tinh thần dân tộc.
Blogger Tuấn Khanh có cùng ý kiến khi cho rằng việc nổ ra một cuộc biểu tình có giá trị tinh thần của dân chủ, nhân quyền và cách mạng thì chưa thể xảy ra ở Việt Nam được. Ông giải thích thêm về sự khác nhau hoàn toàn giữa việc biểu tình ở Hong Kong và biểu tình ở Việt Nam:
“Việt Nam khác biệt hoàn toàn là bởi vì Hong Kong cho tới giờ phút này họ vẫn còn giữ được các nhóm Xã hội Dân sự, các tổ chức chính trị, đồng thời nó vẫn là một hệ thống tam quyền phân lập tương đối chưa bị chính quyền của Trung Quốc cài cắm vào.
Việt Nam nó có cái khó là sau năm 1975 cho tới bây giờ thì cộng sản đã hoàn toàn tiêu diệt tất cả những hệ thống Xã hội Dân sự độc lập, thậm chí là bất kỳ ai có ý kiến khác biệt, dù là cá nhân cũng có thể bị đẩy vào tù, cho nên cái không khí nó giống như ở Bắc Hàn hay Trung Quốc lúc này.”
Với hai thể chế chính trị khác nhau, cách “trị” dân của chính quyền hai quốc gia cũng khác nhau dẫn đến cách hành xử của người dân cũng khác nhau. Blogger Tuấn Khanh kết luận:
“Ở Việt Nam thì đời sống chịu nhiều sự ban phát của chính quyền cũng như việc răn đe của chính quyền hơn là ở Hong Kong. Sự khác biệt đó dẫn đến chuyện nếu có một cuộc biểu tình thì Việt Nam sẽ khác.”
Nguồn: RFA