Biểu tình Hong Kong: Đại sứ TQ nói Anh Quốc không nên can thiệp

Biểu tình Hong Kong: Đại sứ TQ nói Anh Quốc không nên can thiệp

.

\"\"
Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh tại cuộc họp báo . REUTERS

Đại sứ Trung Quốc tại Anh cảnh báo các chính trị gia Anh không nên can thiệp vào việc của Hong Kong, giữa lúc người biểu tình và cảnh sát đang nổ ra các cuộc đụng độ.

Ông Lưu Hiểu Minh nói rằng Anh Quốc nên \”kiềm chế việc nói hoặc làm bất cứ điều gì can thiệp vào hoặc làm xói mòn luật pháp ở Hong Kong\”.

Một số chính trị gia Anh nghĩ rằng \”họ vẫn có thể nhúng tay vào như trong thời kỳ thuộc địa\”, ông Lưu Hiểu Minh nói trong một cuộc họp báo ở London.

Anh Quốc đã kêu gọi \”các bên bình tĩnh\”.

Hàng triệu công dân Hong Kong đã tham gia vào 10 tuần biểu tình chống chính phủ, đòi cải cách dân chủ và điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát.

Trong khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, ngày càng nhiều những cuộc biểu tình kết thúc bằng các cuộc đụng độ đầy bạo lực với cảnh sát.

Cảnh báo của ông Lưu được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Ngoại trưởng Dominic Raab hãy ngừng can thiệp vào việc của Hong Kong.

Ông cáo buộc một số chính trị gia Anh vẫn xem Hong Kong là \”một phần của đế chế Anh\”.

Ông đưa ra bình luận này để trả lời câu hỏi về đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, ông Tom Tugendhat, trong việc cấp quyền công dân Anh cho người Hong Kong.

\”Tôi nghĩ rằng một số người vẫn coi Hong Kong là một phần của đế chế Anh và cư xử như thể Hong Kong là một phần của Vương quốc Anh,\” ông Lưu nói.

\”Họ sẽ phải thay đổi cách suy nghĩ, phải đặt mình vào vị trí thích hợp và coi Hong Kong là một phần của Trung Quốc chứ không phải là của Anh Quốc,\” ông nói thêm.

Hong Kong, vùng thuộc địa của Anh cho đến năm 1997, là đặc khu hành chính của Trung Quốc, được hưởng mức độ độc lập lớn hơn so với các phần khác của Trung Quốc.

Tuyên bố Chung Trung – Anh được ký năm 1984 khẳng định Hong Kong sẽ được hưởng \”quyền tự trị cao, ngoại trừ trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng\” và được \”trao quyền độc lập trong các lĩnh vực hành pháp, lập pháp và tư pháp\”.

Ông Lưu đặt câu hỏi liệu chính phủ có cho phép người biểu tình \”phạm tội\” ở Anh hay không.

\”Vương quốc Anh có cho phép những kẻ cực đoan xông vào Điện Westminster phá phách mà không bị trừng phạt không?\” Ông nói.

\”Vương quốc Anh có cho phép tấn công cảnh sát bằng vũ khí gây chết người hoặc phóng hóa vào các đồn cảnh sát mà không bị trừng phạt không?

\”Vương quốc Anh có cho phép các đối tượng được gọi là kẻ gây bạo loạn ủng hộ dân chủ chiếm sân bay, cản trở giao thông, gây rối trật tự xã hội hoặc đe dọa sự an toàn và tính mạng và tài sản của người dân không?

\”Không phải tất cả những điều này được xem là các hành vi phạm tội ở Anh sao?\”

Ông Lưu lên án \”các chính trị gia và tổ chức phương Tây\” giấu tên đã \”ủng hộ những kẻ cực đoan bạo lực\” và cố gắng \”cản trở cảnh sát Hong Kong đưa kẻ phạm tội bạo lực ra công lý\”.

Ông nói thêm: \”Các lực lượng nước ngoài phải ngừng can thiệp vào việc của Hong Kong.

\”Bằng chứng cho thấy rằng tình hình ở Hong Kong sẽ không đến nỗi xấu đi nhiều nếu không có sự can thiệp và kích động của các lực lượng nước ngoài.\”

Các cuộc biểu tình ban đầu phát sinh sau khi Hong Kong hồi tháng Tư đưa ra dự luật cho phép người bị cáo buộc chống lại Trung Hoa đại lục bị dẫn độ về Trung Quốc.

Giới chỉ trích nói rằng việc này có thể gây nguy hiểm cho các nhà hoạt động và các nhà báo, cũng như dẫn đến việc những người bị buộc tội phải đối mặt với các phiên tòa bất công và đối xử bạo lực.

Dự luật bị đình chỉ vào tháng 7 sau khi hàng trăm người xuống đường biểu tình.

Người biểu tình kể từ đó đã đòi chính phủ Hong Kong phải hoàn toàn rút bỏ dự luật dẫn độ và có những cải cách dân chủ khác, trong đó gồm cả việc ân xá cho tất cả các nhà hoạt động bị bắt.

Nguồn: BBC

Bài Liên Quan

Leave a Comment