Nữ sinh Thụy Điển buộc nước Đức khẩn trương từ bỏ than đá.

Nữ sinh Thụy Điển buộc nước Đức khẩn trương từ bỏ than đá.

Trọng Thành

Phát Thứ Bảy, ngày 20 tháng 7 năm 2019

\"\"

Áp lực của phong trào vì Khí hậu, do một thiếu nữ Thụy Điển thúc đẩy, đã buộc Đức phải nhanh chóng từ bỏ than đá. G7 đồng thuận đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số, theo sáng kiến của Pháp. Tòa Công Lý Quốc Tế buộc Pakistan xét lại án tử hình với một người Ấn Độ, bị tình nghi gián điệp. Pháp ra mắt tầu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên thế hệ mới. Festival 4 ngày đoàn kết với người tị nạn tại một thung lũng miền nam nước Pháp, giáp biên với Ý. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp Chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Phong trào vì Khí hậu của giới trẻ, do thiếu nữ Thụy Điển, sinh năm 2003, khởi xướng có thêm một kết quả mới. Hôm thứ Sáu, 19/07/2019, thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định chính phủ sẽ nâng cao các mục tiêu cắt giảm khí thải, để thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Trả lời họp báo trước dịp nghỉ hè, thủ tướng Đức thừa nhận là : « mức độ nghiêm trọng mà (thiếu nữ Thụy Điển) Greta và nhiều, rất nhiều người trẻ đang báo động với chúng ta đây chính là sự sống còn của thế hệ tương lai, đã khiến chúng tôi phải quyết tâm hơn về chuyện này ». Bà Merkel cho biết ngày 20/09 tới, chính phủ sẽ trình bày về chiến lược cắt giảm triệt để khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là việc loại trừ than đá khỏi các nguồn năng lượng dùng để sản xuất điện.

Đúng vào lúc thủ tướng Đức trả lời báo giới, nữ sinh Thụy Điển Greta Thunberg đã có mặt ở Berlin, cùng với hàng trăm thanh thiếu niên, trong khuôn khổ cuộc phản kháng mang tên « Fridays for Future / Những ngày thứ Sáu vì Tương lai ». Những lời nói giản dị của Greta – chuyển tải thông điệp đòi hỏi thay đổi tận gốc rễ mô hình xã hội hiện nay nhằm hãm lại quá trình Trái đất bị hâm nóng – có sức lan truyền mạnh mẽ. Trong những tháng gần đây, tại Đức diễn ra nhiều hoạt động bất tuân dân sự ngăn chặn hoạt động tại các mỏ than, biểu tình toàn quốc…

Đầu tháng 5, nữ sinh viên Luisa Neubauer, 23 tuổi, người được mệnh danh là « Greta của nước Đức », đột nhập đại hội cổ đông của tập đoàn năng lượng lớn hàng đầu nước Đức RWE, để đích danh lên án tập đoàn này đang « đứng đầu châu Âu » trong việc phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nữ sinh Luisa Neubauer cũng chính là người đưa phong trào bãi khóa ngày thứ Sáu hàng tuần, do Greta khởi xướng, vào nước Đức, ngay từ cuối năm ngoái. Đầu tháng 3, hơn 300.000 người biểu tình tại 230 thành phố, thị xã trên khắp nước Đức yêu cầu chính phủ nhanh chóng từ bỏ than đá (1).

Đầu năm nay, chính quyền Đức đề xuất kế hoạch 80 tỉ euro để thực hiện mục tiêu này vào năm 2038. Tuy nhiên, đối với giới bảo vệ môi trường, cái đích này là quá xa, hơn nữa trong hiện tại chính phủ chưa đề ra một lộ trình cụ thể đóng cửa các mỏ than và nhà máy điện than, nơi cung cấp khoảng 80% lượng điện cho nước Đức.

Greta nhận lời mời phát biểu trước Quốc Hội Pháp

Cuộc tranh đấu vì Khí hậu của thiếu nữ Thụy Điển cao 1,5 mét với mái tóc bím, được ví như cuộc chiến của chàng David nhỏ bé chống lại gã khổng lồ Goliath trong thần thoại, đang ngày càng thu hút công chúng. Truyền thông Pháp loan tin ngày thứ Tư 23/07 tới, thủ lĩnh khí hậu trẻ tuổi người Thụy Điển đã nhận lời mời phát biểu trước Quốc Hội Pháp, của 162 nghị sĩ liên đảng phái thuộc một nhóm hành động vì Khí hậu mang tên « Accélérons / Chúng ta hãy khẩn trương ».

\"1024px-cfs_alert_may_2016_0\"/

Ngày 14/07/2019, nhiệt độ 21°C tại Alert (Canada), nơi có người ở gần Bắc Cực nhất. Ảnh chụp hồi tháng 5/2016.Wikipédia

Trong lúc cuộc chiến vì Khí sôi sục tại châu Âu, thì tại Canada, ở Alert (vùng lãnh thổ Nuvanut) – địa điểm được coi là nơi có người ở gần Bắc Cực nhất – nhiệt độ đã lên đến 21°C vào ngày 14/07. Điều chưa từng xảy ra. Bình thường trong mùa hè này, nhiệt độ ở đây chỉ là 2°C đến 3°C, tối đa là 6°C.

Bài Liên Quan

Leave a Comment