Cùng Xem Truyền Hình Với Bạn: Các công ty kỹ nghệ tân tiến đã gây ảnh hưởng đến người dân như thế nào.
Trước tiên, xin giới thiệu đến những ai để ý đến đời sống Mỹ, nhất là những vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, hãy để ý theo dõi đài C-SPAN. Thường thì những ai có trả tiền mua cable, hay satellite đều có đài này. C-SPAN phát 24/7 chỉ toàn về các buổi điều trần, buổi họp ở lưỡng viện Quốc Hội, ở toà Bạch Ốc, v..v… Đây là công việc hàng ngày của các vị dân cử, khi phải tiếp dân, họp với dân, lấy ý kiến của dân, v..v… để rồi có thể đưa ra luật mới hay điều chỉnh các luật lệ đương thời. Nhiều khi nghe thì thấy chán, nhưng có những buổi điều trần rất … hấp dẫn.
Báo chí, trong suốt 3 năm qua, thông thường đả kích tổng thống Trump, cho nên, hầu như chỉ lựa những tin tức nào có thể đả kích Trump thì mới đưa lên trang báo của mình. Tương tự, các buổi điều trần mà báo chí làm rầm rộ, quảng cáo từ trước khi có điều trần, rồi tường thuật ngay buổi điều trần, rồi … \”thêm mắm thêm muối\” sau buổi điều trần mà chúng ta có thể thấy như vụ James Comey, giám đốc FBI bị sa thải, ra điều trần để \”tố\” Trump. Vụ bà giáo sư tâm lý Christine Ford ra điều trần tố Brett Kavanaugh, người được tổng thống Trump tiến cử vào Tối Cao Pháp Viện. Vụ Michael Cohen, cựu luật sư riêng của tổng thống Trump ra điều trần tố tổng thống Trump ngay lúc ông Trump đang đi gặp chủ tịch Kim của Bắc Hàn ở Việt Nam. Và gần đây nhất là vụ điều trần của Robert Mueller về báo cáo cuộc điều tra do ông ta cầm đầu để tìm bằng chứng ông Trump thông đồng với Nga. Đây là những buổi điều trần được giới truyền thông Mỹ làm ồn ào nhất, và thiên hạ (nhất là dân Mỹ gốc Việt) những người ủng hộ đảng Dân Chủ cứ ào ào theo để la làng phản đối ông Trump.
Tuy nhiên có những buổi điều trần khác (vì thường xảy ra mỗi ngày) thì ít thấy báo chí giới truyền thông \”quảng cáo\” rầm rộ, hay thậm chí chẳng thèm đả động đến. Một trong những buổi điều trần đó, chính là buổi điều trần về công ty Google (cũng như các công ty kỹ nghệ tân tiến) đã ảnh hưởng như thế nào đến việc \”hướng dẫn dư luận\” trong việc bầu cử, và các ứng cử viên như thế nào. Buổi điều trần diễn ra hồi trung tuần tháng 7. Thật ra thì tờ Wall Street Journal (WSJ) cũng có bài về buổi điều trần này (ít ra là hai lần) vào hồi tháng 7. ABC cũng có tường thuật nhưng chỉ nói một lần rồi … thôi. Mình đem về đây trích đoạn chừng 15 phút trong buổi điều trần mà thượng nghị sĩ Ted Cruz (đảng Cộng Hoà) và Mazie Hirono (đảng Dân Chủ) trong uỷ ban tư pháp Thượng Viện chất vấn hai giáo sư Robert Epstein, chuyên gia tâm lý học, và Francesca Tripodi, chuyên gia xã hội học về những việc Google, FaceBook, Twitter, v..v… đã làm và gây ảnh hưởng đến bầu cử như thế nào. Clip trích đoạn chỉ có chừng 15 phút, các anh chị nào nghe và hiểu được tiếng Mỹ, xin đừng bỏ qua.
Đối với những anh chị nào không rành tiếng Mỹ, mình tạm lược dịch sơ sơ thế này. Theo giáo sư Robert Epstein, người nhận là mình là người theo đảng Dân Chủ, ủng hộ, và đã bầu cho Hillary Clinton hồi năm 2016, thì Google đã có thể thay đổi từ 2.6 triệu cho đến 10.4 triệu người đi bầu thay đổi lá phiếu của mình. Google (cũng như các công ty kỹ nghệ tân tiến khác) đã và đang làm chủ cả triệu hồ sơ (data) của chúng ta. Họ có thể biết chúng ta muốn gì, ra làm sao. Họ có thể \”dìm\” những tin tức nào để chúng ta không thể kiếm (search) ra được, cũng như là \”bơm\” các tin tức mà họ muốn chúng ta thấy. Nói đơn giản, dễ hiểu là như xa lộ vậy đó. Họ có thể làm kẹt xe trên xa lộ, hay hướng dẫn xe cộ đi về phía nào để tránh kẹt xe. Có nhiều cách để làm, và họ thường \”chối\” là họ không làm vì tất cả là do máy móc, và kỹ thuật toán học (algorithm). Theo buổi điều trần, Facebook đã làm thử những việc này từ hồi 2010, 2012 lận.
Điểm khá quan trọng là Google (và các công ty khác) đã gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử hồi năm 2018 vừa qua một cách \”dữ dằn\” nhất. Và chắc chắn là họ sẽ làm dữ hơn nữa vào cuộc bầu cử 2020 sắp tới. Theo các giáo sư điều trần thì họ có thể kéo những cử tri độc lập ngả sang một bên nào đó rất dễ dàng nếu họ nhất quyết làm thì sẽ làm được , ít nhất là cỡ 50%.
Rõ ràng, như những bài viết trước, mình đã đề cập. Internet và những thứ liên quan tới internet còn quá mới mẻ, và thay đổi liên tục hàng ngày. Các nhà lập pháp thì có vẻ chậm chạp để thích ứng theo kỹ thuật, cho nên hầu như Mỹ chưa có luật lệ rõ ràng để hướng dẫn, để chế tài những đại công ty hàng đầu trong lãnh vực này. Cái khó không chỉ là kỹ thuật, mà còn là quyền tự do ngôn luận được ghi rõ rành rành trong hiến pháp. Chưa kể, tệ nạn đảng phái, binh vực lẫn nhau, khiến cho các nhà lập pháp khó có tiếng nói chung khi đề xướng một luật nào cả. Ai cũng biết, các công ty hàng đầu về kỹ thuật ở vùng thung lung điện tử ở California, đều là những ủng hộ viên \”trung thành\” của đảng Dân Chủ. Alphabet, công ty làm chủ Google, là người quyên tiền cho ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton nhiều nhất.
Một nhận xét riêng, các buổi điều trần ở Thượng Viện thường có … \”trình độ\” (nói theo kiểu trong nước hiện nay) hơn ở Hạ Viện. Các thượng nghị sĩ ít ra cũng có kiến thức và khả năng chất vấn, tìm hiểu vấn đề. Trong khi ở Hạ Viện, các dân biểu trông có vẻ \”tạp nhạp\” hơn. Nói theo kiểu xưa là Thượng Viện trông quý tộc hơn, và Hạ Viện trông \”đá cá lăn dưa\” hơn. Ted Cruz trông rất \”ngầu\”, xứng đáng là … lãnh đạo. Chỗ này xin nhắc, Ted Cruz cũng là ứng cử viên cuối cùng trong đảng Cộng Hoà, chịu thất bại trước ông Trump trong dịp tranh tài giành làm ứng cử viên của đảng Cộng Hoà ra tranh cử tổng thống năm 2016. Mazie Hirono đã thể hiện sự trung dung, dù có cố gắng \”đỡ nhẹ\” giùm cho đảng của mình, vẫn vì công việc chung để chất vấn người bị kêu ra điều trần.
Nói thêm với các anh chị (người Mỹ gốc Việt) ủng hộ đảng Dân Chủ lâu nay và thường hay có những lời \”móc họng\” chê bai những người không cùng ý nghĩ với mình là \”cầm Truông\”. Xin các anh chị tìm hiểu thêm mọi sự việc một cách rõ ràng hơn, vì hiện nay các dòng tin tức, các thông tin, đều đã bị ít nhiều \”nhiễu loạn\” với những kỹ thuật trong bóng tối mà các đại công ty về kỹ thuật đang làm. Có thể những điều các anh chị thấy trên báo chí, tự dò dẫm tìm hiểu trên Google, chưa chắc là đã đúng như vậy. Họ có thể đưa những gì họ muốn các anh chị nghe. Họ có thể giấu những gì họ không muốn các anh chị biết. Vì vậy, hãy cùng nhau trao đổi để biết thêm, chứ đừng quá ngã về một bên rồi tự kết án người khác. Đâm ra, chính chúng ta tự chia rẻ, tự làm sứt mẻ mối quan hệ giữa chúng ta với nhau.
Peace NOT War!