VOA –
Chuyên gia: Khả năng đụng độ vũ trang tại Bãi Tư Chính đang tăng cao
.
Trong lúc có những thông tin về việc Việt Nam đã cử một tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất đến khu vực Bãi Tư Chính, các chuyên gia cho rằng khả năng đụng độ quân sự giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang tăng cao khi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hoạt động bị coi là “bất hợp pháp” tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các nguồn tin không chính thức từ các chuyên gia trong và ngoài nước cho biết, chiến hạm Quang Trung, một trong 4 chiến hạm lớp Gepard 3.9, đã được đưa đến khu vực Bãi Tư Chính nơi tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biển mà Việt Nam nói là “hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán” của mình.
Tàu Hải Dương 8 hôm 13/8 trở lại khu vực Bãi Tư Chính, nơi trước đây tàu chấp pháp đôi bên từng “đối đầu” năm 1994 trong một tình huống tương tự, sau gần 1 tuần rút ra khỏi khu vực này.
Bộ Ngoại giao (BNG) Việt Nam hôm 16/8 yêu cầu Trung Quốc “rút toàn bộ nhóm tàu,” bao gồm Hải Dương 8 và các tàu hộ tống, cũng như phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm “nghiêm trọng.” Đó là lần thứ 4 BNG Việt Nam lên tiếng về vụ việc này.
Việc tàu Trung Quốc trở lại tiếp tục hoạt động khảo sát địa chấn, theo các chuyên gia, sẽ làm nguy cơ đụng độ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên Biển Đông tăng lên.
Nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Mỹ, Ryan Martinson, hôm 17/8 cho biết qua một cập nhật trên trang Twitter rằng: “Dường như một trong hai chiếc tàu hiện diện của Việt Nam là tàu chiến lớp Gepard (Quang Trung).”
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, qua một cập nhật trên trang Twitter cá nhân, hôm 18/8 cũng trích dẫn “nhiều nguồn tin ở Hà Nội” nói rằng “Việt Nam đã cử chiến hạm Quang Trung HQ-016 tới Bãi Tư Chính hôm nay 18/8.”
Mặc dù truyền thông trong nước không khẳng định việc tàu Quang Trung được đưa tới Bãi Tư Chính nhưng ZingNews, Infonet và trang tin tức MSN hôm 19/8 cùng đồng loạt đăng tin và ảnh “cận cảnh chiến hạm Quang Trung” với các thông tin về con tàu tên lửa do Nga đóng có bổ sung thêm chức năng dò tìm và chống tàu ngầm cùng dàn phóng ngư lôi loại 533mm.
Nói với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp – nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở ở Singapore, cho biết rằng tàu Quang Trung “hiện đang neo ở một trong những bãi cạn ở Bãi Tư Chính” thông qua dữ liệu hành trình mà ông có được từ MarineTraffic.
“Tàu Quang Trung đang ở gần khu vực Bãi Tư Chính thế nhưng báo chí Việt Nam chắc là được lệnh không nói gì cả,” theo TS Hà Hoàng Hợp. “Cũng giống như khi tàu địa chất Hải Dương 8 đi ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 8/8 và đến 13/8 quay trở lại nhưng báo chí cũng không được nói. Cho đến ngày 16/8 khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng thì các báo lúc đó mới nói.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc tàu Quang Trung được cử đến bãi Tư Chính trong bối cảnh đụng độ với Trung Quốc.
Việt Nam “quân sự hóa vụ đối đầu”
TS Hà Hoàng Hợp, cũng là thành viên của IISS và chủ tịch Think Tank Viet, cho rằng việc Việt Nam điều tàu chiến ra khu vực này là điều tất yếu sau một tháng “xua đuổi các tàu (Trung Quốc)” mà không được.
Nhận định về động thái điều tàu Quang Trung ra Bãi Tư Chính, GS Thayer, trong bản tin phân tích chính trị và an ninh khu vực ra ngày 18/8, cho rằng nếu thông tin trên là đúng thì điều này có nghĩa rằng Việt Nam “đang nâng mức độ và đưa ra thông điệp về quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như bảo vệ các tàu hải cảnh của họ tại Bãi Tư Chính.”
Theo ông Martinson, người đầu tiên công bố thông tin về cuộc “đối đầu” giữa các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nếu việc tàu Quang Trung được cử đến đó để ngăn cản hoạt động của tàu Trung Quốc là đúng thì “khả năng đụng độ vũ trang (của Việt Nam) với Trung Quốc đã tăng cao đáng kể.”
Nếu khả năng đụng độ vũ trang xảy ra, nó sẽ giống với vụ “đối đầu” hồi năm 1994 giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc cũng tại Bãi Tư Chính, theo TS Alexander Vuving, chuyên nghiên cứu về an ninh châu Á và Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Haiwaii, nhận định trên trang Twitter cá nhân hôm 17/8.
Cho biết về thông tin của vụ việc năm 1994, TS Hà Hoàng Hợp cho biết bốn tàu chiến của Việt Nam đã được điều ra khu vực Bãi Tư Chính để “xua đuổi” 2 tàu thăm dò của Trung Quốc vào thời gian đó.
Theo GS Thayer, người chuyên nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam và khu vực, với việc đưa tàu Quang Trung đến khu vực đụng độ, Việt Nam “đã có động thái quân sự hóa vụ đối đầu ở Bãi Tư Chính trước” và Trung Quốc giờ đây “sẽ đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan là liệu sẽ đáp trả hay không bằng việc điều các tàu của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân ra Bãi Tư Chính.” Vị giáo sư này cho rằng nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ bị coi là “kẻ gây hấn quân sự và gây ra những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc.”
Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và mặc dù Mỹ đã đưa ra những lời chỉ trích về hành động “bắt nạt” của Trung Quốc trong tháng qua, Bắc Kinh vẫn tiếp tục thách thức chủ quyền của Việt Nam.
Trong động thái liên quan đến việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đại tướng David Goldfein, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nói rằng Hoa Kỳ “tôn trọng các quyết định và hành động của lãnh đạo Việt Nam.”
“Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam,” Đại tướng Goldfein được VietNamNet trích lời nói tại một buổi họp báo tại Hà Nội hôm 18/8. “Chúng tôi sẽ quan sát các hoạt động của Chính phủ Việt Nam để sẵng sàng hợp tác, làm việc với các bạn.”
Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer hôm 5/8 nói với VOA rằng “Mỹ sẽ không ép (tàu) Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” vì Việt Nam không phải là một đồng minh của Mỹ trong khu vực. Điều quan trọng đối với Việt Nam lúc này, theo GS Thayer, là khi Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới thăm Washington trong thời gian tới trong năm nay, “liệu Việt Nam và Mỹ có nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược hay không? Và liệu Việt Nam sẽ làm điều đó vì áp lực từ Trung Quốc hay không?”
Nguồn: VOA