GS Jerome Cohen: Thế giới muốn nghe nhiều hơn từ Việt Nam

GS Jerome Cohen: Thế giới muốn nghe nhiều hơn từ Việt Nam

19/08/2019

TTO – Liên quan đến hành vi hai lần các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam trong hơn một tháng rưỡi qua, Tuổi Trẻ có cuộc phỏng vấn với giáo sư Jerome Alan Cohen, người Mỹ.

\"GS

Ông Jerome Alan Cohen hiện là giáo sư luật tại Trường Luật, Đại học New York, chuyên gia về luật Trung Quốc, chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại.

* Ông nhận định ra sao về hành động Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước Malaysia, Việt Nam và Philippines gần đây?

– Những cuộc khảo sát hàng hải của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông rõ ràng là một phần các nỗ lực liên tiếp của Trung Quốc nhằm củng cố các yêu sách đối với các tài nguyên hàng hải ở khu vực Đông Nam Á. Sau khi Trung Quốc xây dựng vững chắc các căn cứ quân sự trên các thực thể hàng hải ở Biển Đông, có thể nhận thấy nước này đang đặt mũi tiến công ở mặt trận kinh tế, đó là các tài nguyên trù phú ở Biển Đông, trong đó có các lô dầu khí.

* Có vẻ như đó là chiến lược thúc ép các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tuân theo ý muốn của Trung Quốc trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Theo đó, Trung Quốc đưa ra một yêu sách trong đàm phán về COC là các nước tranh chấp không được phép hợp tác với các nước bên ngoài khu vực để khai thác tài nguyên ở Biển Đông nếu như không có sự đồng ý của Trung Quốc cũng như các nước ở trong khu vực.

– Rõ ràng quan điểm của Trung Quốc là muốn hợp tác khai thác dầu khí với các quốc gia ASEAN liên quan và ít nhất muốn loại bỏ sự tham gia của các công ty Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ ra khỏi những hợp tác dầu khí này. Các cuộc đàm phán COC trong tương lai sẽ tiết lộ những mục tiêu này của Trung Quốc.

* Lập trường của Việt Nam khi đối phó hành vi xâm phạm EEZ, thềm lục địa, tập trung ở các khía cạnh: luật pháp quốc tế (cụ thể là UNCLOS 1982), vận động sự ủng hộ của quốc tế và kiên trì đấu tranh ở thực địa. Theo ông, Việt Nam cần làm thêm gì?

– Việt Nam nên gia tăng các nỗ lực liên minh với các quốc gia ASEAN có cùng chí hướng để thuyết phục thế giới tin tưởng vào các cơ sở chính đáng bảo vệ cho các lập trường của Việt Nam. Bên cạnh đó, bản thân Việt Nam cần trở nên chủ động hơn nữa trong việc giải thích quan điểm của mình ở các diễn đàn quốc tế.

Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra vào mùa thu năm nay ở Mỹ sẽ là một địa điểm tốt để Việt Nam trình bày quan điểm của mình. Chúng tôi muốn nghe thêm các quan điểm của Việt Nam thông qua các bài bình luận báo chí, các bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên sâu, các bài phát biểu và hội nghị bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Cũng cần lưu ý là mặt trận thông tin tuyên truyền của Trung Quốc rất hùng mạnh. Do đó, thế giới mong muốn được nghe nhiều hơn từ Việt Nam.

* Hiện giới học giả phương Tây nhìn nhận về đường chín đoạn sai trái của Trung Quốc như thế nào?

– Yêu sách đường chín đoạn (còn gọi là \”đường lưỡi bò\” bao phủ hơn 80% diện tích Biển Đông – PV) của Trung Quốc từ lâu đã bị chính phủ nhiều quốc gia phản đối. Phán quyết của Tòa trọng tài thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 cũng tuyên đường chín đoạn là không có căn cứ, bất chấp các nỗ lực phản đối phán quyết từ Bắc Kinh.

Việc Bắc Kinh kiên quyết từ chối tôn trọng phán quyết đã gây thiệt hại to lớn đối với hi vọng mở rộng \”quyền lực mềm\” của nước này. Các hành vi vi phạm sẽ gây hại hình ảnh quốc gia của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế.

Ông Jerome Alan Cohen hiện là giáo sư luật tại Trường Luật, Đại học New York, chuyên gia về luật Trung Quốc, chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại.

Bài Liên Quan

Leave a Comment