Nhà Trắng tố cáo \”chiến thuật đe dọa\” của Bắc Kinh trên Biển Đông

Nhà Trắng tố cáo \”chiến thuật đe dọa\” của Bắc Kinh trên Biển Đông

.

\"\"
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh chụp ngày 12/08/2019. REUTERS/Peter Nicholls

(Thụy My / RFI) – Washington hôm nay 20/08/2019 tố cáo Bắc Kinh vận dụng « chiến thuật hăm dọa » trên Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu hết diện tích. Về vụ bãi Tư Chính, phía Bắc Kinh trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua 19/08/2019 khẳng định tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 « hoạt động tại vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc ».

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố : « Các nỗ lực cao độ mới đây của Trung Quốc để hăm dọa các quốc gia khác trong việc khai thác tài nguyên của họ, là rất đáng ngại. Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ những ai đang đương đầu với các hành vi cưỡng bức, và chiến thuật đe dọa » gây nguy hại cho hòa bình và an ninh khu vực.

Tại Bắc Kinh trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng, khi trả lời câu hỏi của báo chí về vụ tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8, đã khẳng định tàu này « hoạt động tại vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc ».

Trước việc Hà Nội tố cáo nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 vi phạm chủ quyền Việt Nam qua hành động xâm nhập bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Cảnh Sảng tuyên bố rằng « Trung Quốc có chủ quyền tại ‘Nam Sa’ và vùng biển xung quanh ».  Chiếc tàu liên quan hoạt động « tại vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc », « phù hợp với các điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tế ».

Cảnh Sảng nói thêm : « Chúng tôi hy vọng quốc gia liên quan nghiêm chỉnh tôn trọng quyền chủ quyền của Trung Quốc, và làm việc với Trung Quốc để duy trì sự hài hòa và yên tĩnh tại vùng biển này ».

Giáo sư Carl Thayer nhận định, nếu tin Việt Nam điều tàu Quang Trung (HQ 016) ra bãi Tư Chính là chính xác, thì có nghĩa là Hà Nội kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên vùng biển của mình.

Quang Trung 16 thuộc lớp Gepard là tàu hộ vệ tên lửa, trang bị hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn phòng không, sẽ tạo lại thế quân bình lực lượng ở bãi Tư Chính, nơi các tàu hải cảnh Trung Quốc đông đảo hơn và có trọng tải lớn hơn. Theo ông, giờ đây những người chỉ huy phía Trung Quốc ở Tư Chính sẽ phải suy nghĩ kỹ càng trước khi định tấn công, uy hiếp các tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Cũng theo giáo sư Carl Thayer, Bắc Kinh đang đứng trước thế lưỡng nan. Nếu đưa lực lượng hải quân Trung Quốc đến bãi Tư Chính, thì sẽ vào vai kẻ tấn công quân sự, gây ra làn sóng phản đối của quốc tế. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng phải tính đến khả năng Việt Nam sẽ xích lại gần Hoa Kỳ hơn nếu Trung Quốc leo thang quân sự.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn sử dụng các biện pháp ngoại giao, nhưng việc Hải Dương Địa Chất 8 quay lại bãi Tư Chính đã buộc Hà Nội phải có thái độ cứng rắn hơn. Giáo sư Thayer nhận xét, các nước láng giềng đang quan sát kỹ lưỡng sự kiện, và khía cạnh tích cực về Trung Quốc sẽ bị mất đi nếu dùng vũ lực uy hiếp Việt Nam, vốn sẽ trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN trong bốn tháng rưỡi nữa.

Trong khi đó, các lãnh đạo Trung Quốc họp tại Bắc Đới Hà đang phải đau đầu tìm cách đối phó với những vấn đề khác như phong trào phản kháng ở Hồng Kông, Donald Trump đánh thêm thuế vào hàng Trung Quốc.

Trên thực địa, dữ liệu vệ tinh của Marine Traffic cho thấy Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang được hộ tống bởi ít nhất 6 tàu hải cảnh 33111, 31302, 37111, 46111 và 46303, cùng với tàu Meicheng 822.

Theo trang Đại sự ký Biển Đông, hôm qua nhóm tàu Trung Quốc đã lùi xa hơn bãi Mỹ Hải về phía nam. Riêng tàu 46301 hiện vẫn đang ở khu vực gần lô dầu 06-1 ở bể Nam Côn Sơn. Cạnh đó là tàu cá Trung Quốc Suseyui 5916 đã hiện diện ở đây từ hôm Chủ nhật 18/8.

Giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Hoa Kỳ hôm nay cho biết thêm, một tàu khảo sát khác của Trung Quốc là Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 4 vẫn đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần cụm bãi cạn Luconia.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment