Hà Nội sẽ đổi hướng khi Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ Tháng Mười tới đây?
.
HÀ NỘI – Rất có thể chuyến đi Mỹ của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước CSVN tới Hoa Thịnh Đốn dự trù vào Tháng Mười tới đây sẽ báo hiệu một hành động chính trị dẫn đến đổi hướng?
Ông Carl Thayer, một chuyên về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, phân tích như thế khi được nhà báo người Anh David Hutt phỏng vấn cho bài viết được phổ biến trên tạp chí Asia Times hôm Thứ Ba, 20 Tháng Tám, 2019, với đề tài “Việt Nam đang tiến dần đến khủng hoảng lãnh đạo thế hệ kế thừa.”
Tác giả Hutt dựa vào các diễn biến thời sự chính trị của Việt Nam cũng như nhận định của một số chuyên gia, đặc biệt của ông Thayer, để trình bày cho độc giả thấy, nội tình chính trị đảng CSVN đang bị giằng xé giữa nhiều phe cánh với những tham vọng và quan điểm khác nhau về quyền lực cũng như mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Hành động gây hấn đang diễn ra của Trung Quốc tại bãi Tư Chính cho thấy chính sách của Hà Nội xưa nay muốn chiều lòng Bắc Kinh đã không đem lại kết quả như ý. Việt Nam đã phải bỏ dò tìm dầu khí hồi các năm 2017 và 2018 ở khu vực biển tranh chấp vừa kể sau khi bị Bắc Kinh đe dọa, thế rồi áp lực vẫn tiếp diễn. Lần này Hà Nội phản ứng mạnh hơn trước, nhiều phần là dấu hiệu chứng tỏ những lần nhượng bộ trước chỉ giúp Bắc Kinh lấn tới.
Chính sách ngoại giao đu dây giữa hai trung tâm quyền lực đối chọi nhau mạnh nhất thế giới mà ông Nguyễn Phú Trọng theo đuổi lâu nay, giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi ích từ cả hai cực, hoặc sẽ đi theo đường hướng khác hay không, người ta có thể nhìn thấy trong những tháng tới đây.
Theo tác giả Hutt viết, “Ông Trọng đã nhiều lần vượt qua truyền thống của đảng CSVN trong lúc nắm quyền lực, cho nên ông ta rất có thể đổi bản thảo về chính sách đối với Trung Quốc. Ông Carl Thayer cho rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh sẽ được quyết định (will come to a head) vào Tháng Mười khi ông Trọng đến Hoa Thịnh Đốn gặp Tổng Thống Trump.”
“Một vấn đề quan trọng là liệu có nâng mối quan hệ song phương (với Mỹ) từ đối tác toàn diện lên thành đối tác chiến lược. Điều này hiển nhiên liên quan chằng chéo với cả mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.”
Nếu ông Trọng nâng mối quan hệ với Mỹ, nó sẽ tượng trưng cho sự đổi hướng chính sách đối ngoại lớn nhất trong suốt nhiều thập niên, và sẽ làm thỏa mãn số đảng viên của đảng CSVN ngày càng nhiều hơn, đòi phải có hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Nhưng nếu ông Trọng không can đảm hành động như thế mà lại cố, lần nữa, làm hài lòng Trung Quốc qua các phương cách truyền thống xưa nay trong khi Bắc Kinh vẫn cứ tiếp tục đè áp lực trên Biển Đông, điều này có thể dẫn đến phản ứng ngược trong nội bộ đảng.
Thật ra, một thế hệ mới các đảng viên cấp cao nằm trong trung ương đảng có thể cố giành lấy trách nhiệm để chọn tổng bí thư đảng khóa tới khi có đại hội đảng vào đầu năm 20121, mà từ đó, dẫn đến giảm bớt quyền lực của Bộ Chính Trị.
Theo bài phân tích nêu trên, một làn sóng chống đối chính sách đối ngoại của ông Trọng có thể chưa đủ để hạ bệ tất cả phe cánh của ông ta, nhưng các ủy viên Bộ Chính Trị không thể không nhận thấy tinh thần chống Trung Quốc cả trong và ngoài đảng và các tầng lớp nền tảng.
“Nếu có sự thúc đẩy cho một lãnh tụ trẻ hơn lên nắm quyền, nhiều phần sẽ do thúc đẩy từ Trung Ương Đảng,” ông Thayer được tác giả Hutt dẫn lời. Duy trì tình trạng như hiện nay trong đường lối đối ngoại cũng sẽ là vấn đề nếu các ủy viên Bộ Chính Trị kỳ cựu bị nhìn như có lập trường mềm yếu trước Trung Quốc.
Nguồn: Người Việt