Thượng đỉnh G7 2019: Những vấn đề \”nóng\” nào sẽ được đưa ra \”mổ xẻ\”?
23/08/2019
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019 sẽ được tổ chức tại Biarritz (Pháp) vào cuối tuần này. Trước đó, giới truyền thông loan tin rằng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này sẽ thảo luận về vấn đề đưa Nga tái hòa nhập G7 sau khi Moscow bị loại khỏi nhóm vào năm 2014 do sáp nhập Bán đảo Crimea.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019 sẽ được tổ chức tại Biarritz (Pháp) |
Năm nay (2019), Pháp sẽ là nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó có sự tham gia của nguyên thủ các nước như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Abe, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Anh Johnson,…. tại khu nghỉ dưỡng Biarritz, miền Nam nước Pháp.
Khi Nga còn là thành viên, Nhóm các nước công nghiệp phát triển có 8 nước thành viên gồm: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy và Nga (gọi tắt là G8). Nga bị loại khỏi Nhóm các quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu hàng đầu thế giới (G7) sau các sự kiện Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea và cuộc xung đột Donbass, miền Đông Ukraine nổ ra năm 2014.
Sau khi vụ việc sáp nhập Bán đảo Crimea, Nga đã hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu. Quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã xuống mức thấp nhất kể từ hồi Chiến tranh Lạnh và cho tới nay hầu như chưa hồi phục.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/8 tuyên bố ủng hộ Nga trở lại nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và nối lại công việc của nhóm này theo định dạng G8. Đồng thời ông Trump cho rằng Nga bị loại khỏi G8 là do ông Putin \”qua mặt\” ông Barack Obama trong vấn đề Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea.
Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Pháp Macron |
Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/8 đã chấp nhận đề nghị của nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020 tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng việc Nga trở lại G8 phần lớn sẽ phụ thuộc vào sự tiến triển chính trị và tình hình ở Ukraine.
Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 21/8 cho biết, các nước phương Tây trong đó có Đức sẽ thảo luận phương án kích thích nền kinh tế của mình tại Hội nghị thượng đỉnh Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào cuối tuần này giữa lúc dấy lên quan ngại về suy thoái.
Trao đổi với báo giới tại Paris, ông Macron nêu rõ: \”Chúng ta cần phải tự hỏi bản thân câu hỏi rằng các nước có khả năng nhận thức được tính cấp thiết của việc kích thích ngân sách. Đó là một vấn đề đối với châu Âu, Pháp, Đức và các nước khác\”.
Pháp thúc giục Đức gia tăng chi tiêu công nhằm đối phó với việc kinh tế đình đốn, nhưng Berlin đã cương quyết bác bỏ ý tưởng gia tăng vay mượn và nợ công của mình.
Báo The Hindi ngày 23/8 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thảo luận về các vấn đề Kashmir, quan hệ đối tác Ấn-Mỹ, quốc phòng, nhân quyền, chống khủng bố và thương mại bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào cuối tuần này tại Pháp.
Ngoài ra, ông Trump, người cho rằng Mỹ đang bị đối xử bất công bởi hệ thống thương mại thế giới, cũng được cho là sẽ thảo luận về vấn đề thuế quan và tiếp cận thị trường với phía Ấn Độ. Hiện Washington đang muốn New Delhi cắt giảm thuế quan và mở cửa các thị trường.
Sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ Nga trở lại nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), một số nước đồng loạt phản đối ý tưởng này của Tổng thống Mỹ.Advertisementpowered by AdSparc
Cụ thể, một vị quan chức cấp cao giấu tên của Liên minh châu Âu (EU) cho hay, khối này phản đối lời mời vô điều kiện để Nga tái tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Quan chức này nêu rõ, các lý do loại Nga khỏi nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu vẫn còn hiệu lực và bất cứ lời đề nghị Moscow trở lại một cách vô điều kiện nào đều sẽ \”phản tác dụng\” và là \”dấu hiệu của sự yếu đuối\”.
Liên minh châu Âu (EU) phản đối lời mời vô điều kiện để Nga tái tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh Reuters |
Tuy phản đối gay gắt việc đưa Nga trở lại Nhóm G8, song EU hy vọng giảm bớt căng thẳng thương mại với Mỹ tại thượng đỉnh G7.
Ngày 22/8, một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối hy vọng sẽ giảm bớt căng thẳng thương mại với Mỹ nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Pháp vào cuối tuần này.
Các mối bất đồng xuyên Đại Tây Dương sẽ chiếm một vị trí quan trọng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp để thảo luận về khác biệt trong thương mại, vấn đề Iran và biến đổi khí hậu.
Quan chức cấp cao của EU cho biết khối này đánh giá căng thẳng thương mại là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Khối sẽ tìm cách tháo gỡ và xoa dịu Mỹ đồng thời tập trung vào một chương trình nghị sự thương mại EU-Mỹ một cách \”tích cực\”.
Theo quan chức EU, kể từ khi chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tới Washington để đàm phán về thương mại với Tổng thống Donald Trump vào tháng 7/2018, EU đã tăng gấp 3 lần nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và tăng gấp 2 lần về nhập khẩu đậu nành của Mỹ.
Quan chức EU cho biết thêm khối tiếp tục hành động theo hướng này- con đường mà cả Mỹ và EU có khả năng đạt được thỏa thuận về việc loại bỏ thuế quan công nghiệp. EU ước tính rằng mỗi bên sẽ có thể tăng lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 26 tỷ euro nếu đạt được một thỏa thuận như vậy.
EU cũng muốn giải quyết tranh chấp giữa các nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus mà không cần dùng đến các biện pháp thuế quan. Tháng trước, EU cho biết họ sẽ trả đũa bằng việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của Mỹ trị giá 35 tỷ euro nếu Washington áp dụng thuế quan trừng phạt đối với mặt hàng ô tô của châu Âu.
Tổng thống Ukraine Zelensky phản đối việc mời Nga quay lại G8 |
Tiếp theo EU, Tổng thống Ukraine cũng phản đối ý tưởng đưa Nga quay trở lại G8 mặc dù Ukraine không phải là thành viên của G7 hay G20.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky ngày 22/8 tuyên bố Nga chỉ có thể trở thành thành viên của G8 một lần nữa chỉ sau khi \”trả lại\” Bán đảo Crimea và chấm dứt cuộc xung đột ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Còn Phó Thủ tướng Ukraine Vyacheslav Kirilenko thì cho rằng, việc Liên bang Nga trở lại Nhóm G8 (nhóm các nước công nghiệp phát triển) trước khi giải quyết tình hình ở Ukraine sẽ là một thất bại lớn cho Kiev.
Theo ông Kirilenko, tuyên bố về việc Nga có thể trở lại Nhóm các quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) cho thấy sau khi thay đổi quyền lực ở Ukraine, các đối tác của Kiev đã thay đổi quan điểm đối với Liên bang Nga như thế nào. Và chính sách đối ngoại của chúng ta đã trở nên thụ động.