Nổi giận với Trung Quốc, ông Trump tăng thuế trừng phạt 550 tỷ USD hàng hóa

Nổi giận với Trung Quốc, ông Trump tăng thuế trừng phạt 550 tỷ USD hàng hóa

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/8 leo thang mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc…

\"\"/

Tổng thống Mỹ Donald Trump – Ảnh: Getty/Bloomberg.

KIỀU OANH

24/08/2019 08:51

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/8 leo thang mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách công bố một đợt áp thuế quan bổ sung mới lên hầu như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nước này.

Động thái của người đứng đầu Nhà Trắng khiến khả năng đạt thỏa thuận kết thúc thương chiến Mỹ-Trung càng xa vời, đồng thời diễn ra ngay trước khi ông chuẩn bị dự thượng đỉnh G7.

Loạt tweet gây sợ hãi

Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào đúng lúc các chỉ số chứng khoán Phố Wall đang \”đỏ lửa\”, ông Trump tuyên bố thuế quan 25% hiện đang áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 30% kể từ ngày 1/10 – đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc.

Cùng với đó, thuế quan 10% mà ông dự kiến áp lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên mức 15%. Nửa đầu tiên của kế hoạch 300 tỷ USD này sẽ triển khai từ ngày 1/9, phần còn lại được thực thi từ ngày 15/12.

550 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế là gần như toàn bộ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ hàng năm.

Trước dòng tweet gây sốc này, ông Trump đã có một loạt dòng tweet khác khiến thị trường tài chính Mỹ sợ hãi về ảnh hưởng ngày càng lớn của thương chiến đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu. 

Trong những dòng tweet đó, ông Trump thề đáp trả thuế quan trả đũa mà Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ, gọi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell là \”kẻ thù\” của nước Mỹ có thể lớn hơn cả Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.

Động thái trên của ông Trump là sự phản hồi đối với việc Trung Quốc cùng ngày tuyên bố áp thuế quan bổ sung lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Thuế quan 5-10% của kế hoạch mà Bắc Kinh đưa ra nhằm vào nhiều mặt hàng có mức độ nhạy cảm chính trị cao đến từ các nhà máy và nông trại của Mỹ.

\”Các công ty Mỹ tuyệt vời của chúng ta nhân đây được yêu cầu ngay lập tức xem xét một lựa chọn thay thế Trung Quốc, bao gồm đưa công ty của các bạn về nước và sản xuất sản phẩm tại Mỹ\”, ông Trump viết.

Ông Trump hành động ngay trước khi ông lên chuyên cơ Không lực số 1 để bay đến Pháp dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7. Theo dự kiến, chủ đề lớn nhất của hội nghị này sẽ là tìm biện pháp ứng phó với sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, vấn đề có nguyên nhân chính là thương chiến của ông Trump.

Thái độ thay đổi

Trong một tuyên bố đưa ra trước thềm hội nghị diễn ra vào cuối tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng \”căng thẳng trong quan hệ quốc tế và các hàng rào thương mại mới đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu\”.

Theo hãng tin Bloomberg, loạt dòng tweet giận dữ của ông Trump ngày thứ Sáu được giới chuyên gia xem là dấu hiệu của sự dịch chuyển thái độ của nhà lãnh đạo Mỹ, người đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với tình trạng \”dậm chân tại chỗ\” của đàm phán thương mại Mỹ-Trung, cũng như sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ – điều mà ông cho là do ông Powell và FED góp phần gây nên.

Về lời kêu gọi của ông Trump muốn các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, những nguồn tin thân cận với Chính phủ Mỹ cho rằng ông đang bị ảnh hưởng bởi chủ trương phân ly (decoupling) kinh tế Mỹ-Trung của những nhân vật diều hâu bên trong chính quyền ông.

Bằng chứng rõ ràng nhất về sự dịch chuyển thái độ nói trên nằm ở một dòng tweet gồm 14 từ mà trong đó ông Trump có vẻ như gọi Trung Quốc là \”kẻ thù\”.

\”Câu hỏi duy nhất của tôi là, ai là kẻ thù lớn hơn của chúng ta\”, Jerome Powell hay Trung Quốc, ông Trump viết.

Dòng tweet này được đăng sau khi ông Powell có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị FED ở Jackson Hole. Trong bài phát biểu, ông Powell ngầm chỉ trích chính sách thương mại của ông Trump và ảnh hưởng của chính sách đó đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Theo ông Michael Pillsbury, một học giả về Trung Quốc tại Hudson Institute, cho rằng sự giận dữ mà ông Trump thể hiện ngày 23/8 cho thấy ông đang bất bình với thái độ thay đổi của Bắc Kinh – nơi các quan chức có vẻ đang tin rằng ông Trump khó tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020 và cho rằng những nhân vật \”diều hâu\” như ông Peter Navarro đang ngày càng có ảnh hưởng lớn đến chính sách của ông Trump.

Quyết định vội vã?

Ông Navarro là cố vấn thương mại cấp cao của Nhà Trắng, một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

\”Khoảng cách nhận thức giữa hai bên ngày càng lớn\”, ông Pillsbury phát biểu. \”Phe diều hâu ở Washington đã thành công trong việc khuyến khích phe diều hâu ở Bắc Kinh\”.

Quyết định trả đũa Trung Quốc mà ông Trump đưa ra ngày thứ Sáu có vẻ được đưa ra một cách vội vã.

Vào buổi sáng, khi xuất hiện trong một chương trình của Fox Business Network, ông Navarro còn cho rằng kế hoạch mới của Trung Quốc về áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ không có gì là nghiêm trọng.

Nhưng chỉ vài giờ sau đó, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và các cố vấn khác của ông Trump đã có một cuộc gặp với Tổng thống ở Phòng Bầu dục của Nhà Trắng để bàn biện pháp ứng phó.

Kế hoạch của ông Trump khiến giới doanh nghiệp Mỹ lo ngại. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, với những công ty bán lẻ khổng lồ như Walmart, ra một tuyên bố cảnh báo về ảnh hưởng của thuế quan mới.

\”Doanh nghiệp không thể lên kế hoạch cho tương lai trong một môi trường như thế này. Cách tiếp cận của Chính phủ rõ ràng không hiệu quả, và kết quả chỉ là doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải gánh thêm thuế. Đến khi nào thì việc này mới kết thúc\”, tuyên bố viết.

Bài Liên Quan

Leave a Comment