Trung Quốc thả nhân viên lãnh sự Anh người Hong Kong
- 24 tháng 8 2019
Trung Quốc đã thả nhân viên lãnh sự Anh tại Hong Kong, Simon Cheng, sau khi giam giữ ông này ở khu vực biên giới, thông tin trên Facebook cá nhân của Simon Cheng cho hay.
Ông Simon Cheng mất tích hôm 8/8 trong một chuyến công tác tới Thâm Quyến.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó xác nhận đã giam giữ Cheng 15 ngày do vi phạm luật an ninh công cộng. Anh Quốc đã bày tỏ \’quan ngại sâu sắc\’ trước việc Simon Cheng bị giam giữ.
Vụ việc xảy ra khi phong trào biểu tình chống chính phủ tại Hong Kong đã bước sang tháng thứ ba.
Trong một bài đăng mới đây trên Facebook, Simon Cheng nói ông \”cảm ơn sự ủng hộ của tất cả mọi người\”.
\”Simon và gia đình tôi mong có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục,\” ông viết thêm. \”Chúng tôi sẽ giải thích thêm sau.\”
Simon Cheng là ai?
Simon Cheng, 28 tuổi, là một nhân viên chuyên về thương mại và đầu tư trong bộ phận Phát triển Quốc tế Scotland thuộc lãnh sự quán Anh.
Báo cáo cho hay ông Cheng học tại Đài Loan và Anh Quốc trước khi trở về làm việc tại Hong Kong.
Ông Cheng đi công tác tới Thâm Quyến hôm 8/8 qua cửa kiểm soát xuất nhập cảnh Lo Wu.
Bạn gái ông Cheng nói với trang tin HK01 ông đã có kế hoạch về nhà bằng tàu hỏa trong cùng ngày, nhưng đã không trở về. Trong các tin nhắn trên mạng, ông Cheng nói ông đang đi qua cửa khẩu và nói thêm với bạn gái \”hãy cầu nguyện cho anh\”.
Các nước khác phản ứng thế nào?
Canada thông báo nước này cấm tất cả nhân viên tại Hong Kong đi ra ngoài thành phố, bao gồm Trung Quốc.
Global Affairs cho hay trong một thông cáo gửi BBC rằng các nhân viên địa phương không thực hiện các chuyến công tác bên ngoài Hong Kong.
Tuy nhiên các nhà ngoại giao Canada làm việc cho lãnh sự quán vẫn có thể công tác bên ngoài Hong Kong.
Chính phủ Canada cũng cập nhật các lời tư vấn về việc du lịch tới Trung Quốc, cảnh báo việc sẽ bị kiểm tra điện thoại tại cửa khẩu.
Hong Kong hiện nay như thế nào?
Các cuộc biểu tình bùng phát ở Hong Kong, ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ vốn cho phép đưa các nghi phạm về Trung Quốc đại lục để xét xử.
Sau đó các cuộc biểu tình phát triển thành các phong trào quy mô hơn, kêu gọi cải cách dân chủ ở Hong Kong, và yêu cầu điều tra việc cảnh sát dùng bạo lực chống lại người biểu tình.
Hôm Chủ Nhật 18/8, khoảng 1.7 triệu người đã xuống đường ở Hong Kong để kêu gọi dân chủ, theo các nhà tổ chức. Trong khi cảnh sát chỉ đưa ra con số 128.000 người.
Trước đó đã có các cuộc biểu tình ở sân bay quốc tế Hong Kong và các điểm du lịch.
Hôm thứ Sáu 23/8, Youtube cho hay đã xóa 200 kênh đăng tải các video mà công ty này cho là \”nằm trong nỗ lực phối hợp để đưa thông tin về cuộc biểu tình ở Hong Kong\”.
Facebook và Twitter trước đó công bố đã chặn các tài khoản \”thuộc một chiến dịch được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn nhằm đưa thông tin sai lệch về các cuộc biểu tình ở Hong Kong\’.
Twitter cho biết đã xóa 936 tài khoản mà họ cho rằng được được sử dụng để \”gây bất hòa chính trị ở Hong Kong\”.