Quốc tế bất bình trước việc TQ gây hấn ở Biển Đông

Quốc tế bất bình trước việc TQ gây hấn ở Biển Đông

Ngày đăng 27-08-2019bd.n

Việc tàu Hải Dương 8 cùng hàng chục tàu hộ tống của Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn ở khu vực bãi Tư Chính trong hơn 1 tháng qua là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển này, vi phạm các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà Trung Quốc là thành viên. Quốc tế hết sức bất hình trước hành vi xâm lấn này của Bắc Kinh.

\"\"/

Mỹ dưới danh nghĩa bảo vệ luật pháp quốc tế, thúc đẩy thực thi phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, duy trì một trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông đã đi đầu và tỏ thái độ mạnh mẽ trước hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngay sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chính thức lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho tàu khảo sát ở bãi Tư Chính trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngày 20/7/2019 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã có Tuyên bố với tiêu đề “Sự áp bức của Trung Quốc với hoạt động dầu khí trên Biển Đông”, phê phán trực diện Trung Quốc gây hấn, bắt nạt các nước ở Biển Đông. Tiếp đó, các Nghị sĩ Thượng viện, Hạ viện Mỹ lên tiếng phản đối hành động cưỡng ép các nước ven Biển Đông, coi thường luật pháp quốc tế, phớt lờ phán quyết 12/7/2019 của Tòa Trọng tài; coi đây là một thách thức rất lớn đối với lợi ích quốc gia của Mỹ; kêu gọi chính phủ Mỹ có hành động kiên quyết hơn.

Ngoài việc lên tiếng phê phán hành vi của Trung Quốc tại các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN, các nước Nhật, Ấn Độ đã có những phát biểu chính thức của Bộ Ngoại giao bày tỏ quan ngại về hành vi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ở khu vực Tư Chính.

Trong một thông cáo phát đi từ Bộ Ngoại giao, Nhật Bản nhấn mạnh “Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Hoa Nam”; “Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Hoa Nam đối với tất cả các nước liên quan”.

Ngoài ra, Tuyên bố chung giữa Ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Nhật, Úc được đưa ra sau các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN đầu tháng 8/2019 đã lên án mạnh mẽ hàng động cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước ở Biển Đông. Phê phán cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là một nội dung quan trọng của Hội nghị 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ với Úc hôm 04/8/2019.

Ngày 01/8/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nhấn mạnh Ấn Độ thực sự có nguyện vọng chính đáng về hòa bình, ổn định và tiếp cận an toàn đối với các vùng biển trong khu vực này; hy vọng luật pháp quốc tế được tuân thủ khi Ấn Độ tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển này; khẳng định tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí với Việt Nam. Khu vực mà tàu Hải Dương 08 Trung Quốc hoạt động ngay sát khu vực mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) hợp tác với Việt Nam.

Một số nước Châu Âu cũng lên tiếng phê phán hành vi của Trung Quốc. Ngàu 25/7/2019, bà Petra Sigmund, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức đăng trên Twitter nội dung: \”Tôi quan ngại về những sự cố gần đây ở Biển Đông. Là một quốc gia thương mại, Đức rất quan tâm đến an ninh và sự ổn định của khu vực này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên trong khu vực hành động theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”. Ngày 26/7/2019, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward dẫn lại bài đăng của bà PetraSigmund trên Twitter, nhấn mạnh ông chia sẻ mối lo ngại của Phó vụ trưởng Vụ Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Đức về những diễn biến trên Biển Đông.; \”Công ước Liên hợp quốc về Luật biển là nền tảng cho luật hàng hải và Anh kêu gọi các bên tôn trọng Công ước\”.

Ngày 5/8, tại cuộc họp báo sau hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch ủy ban Châu Âu, Đại diện Cấp cao Liên minh Châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini cho biết, Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ quan ngại của phía Việt Nam về những căng thẳng gia tăng gần đây trên Biển Đông, EU cho rằng những căng thẳng như vậy không phải là yếu tố thuận lợi cho môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực này; nhấn mạnh EU ủng hộ tự do đi lại, tự do hàng hải và hàng không trên biển, ủng hộ lập trường theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế và đặc biệt là tôn trọng tất cả các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trước những hành vi xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ở khu vực Tư Chính, có thể thấy các nước hết sức bất bình. Một số nước đã thẳng thắn nói ra quan điểm của mình, trong đó Mỹ đi đầu với những lời lẽ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để ngăn chặn các hành vi thô bạo, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đang ngày càng lấn tới ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Họ đang mưu toan biến những khu vực không tranh chấp thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông thành những vùng tranh chấp để từng bước khống chế, độc chiếm Biển Đông. Nguy cơ này không chỉ liên quan đến Việt Nam hay các nước ven Biển Đông mà liên quan đến lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vì Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng nhất.

Để ngăn chặn sự bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cần có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế. Do vậy, cần thêm những tiếng nói lên án hành vi ngang ngược của Trung Quốc, vạch trần bộ mặt thật của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Cộng đồng quốc tế hãy cùng chung tay chặn đứng hành động xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bài Liên Quan

Leave a Comment