Lập bàn thờ đã 16 năm, gia đình nghẹn ngào tìm được cô con gái thất lạc

Lập bàn thờ đã 16 năm, gia đình nghẹn ngào tìm được cô con gái thất lạc

Trần Thanh Phong

26/08/2019 

THANH NIÊN ONLINE

Chị Pa (30 tuổi, người dân tộc Khmer, ở Sóc Trăng) bị thất lạc 16 năm, được sự hỗ trợ của PV Thanh Niên, đã tìm về được với gia đình trong nỗi nghẹn ngào khôn xiết.

\"Giây

Giây phút ông Sơn Sanh và bà Đỗ Thị Bạch Xuân xúc động gặp lại con gái sau nhiều năm thất lạcẢnh: Trần Thanh PhongSáng 26.8, PV Thanh Niên đã hỗ trợ thuê xe đưa chị Sơn Thị Chằm Pa (30 tuổi, người dân tộc Khmer) bị thất lạc 16 năm về đoàn tụ với gia đình ở ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Trước đó PV Thanh Niên cũng hỗ trợ tiền để chị Pa thuê nhà nghỉ trong 2 ngày tìm người thân ở Bạc Liêu.

Hàng trăm người đến chia vui

Khoảng 9 giờ cùng ngày (26.8), hàng trăm người thân, bà con lối xóm, chính quyền địa phương đã đến chia vui cùng gia đình chị Pa. Ông Sơn Sanh (59 tuổi, thường gọi là Út, cha ruột chị Pa) và bà Đỗ Thị Bạch Xuân (59 tuổi, mẹ ruột chị Pa) không cầm được những giọt nước mắt trong giây phút gặp lại đứa con gái tưởng chừng đã chết từ lâu.

\"\"
Bà con lối xóm đến chia vui cùng gia đình chị PaẢnh: Trần Thanh Phong

Chị Châu Thị Hồng Hoa (28 tuổi, chị dâu của Pa), cho biết chiều tối ngày 25.8, chị tình cờ đọc bài viết trên Báo Thanh Niên đề cập trường hợp chị Pa thất lạc gia đình nhiều năm, đang đi tìm người thân. Chị Hoa đưa thông tin, ảnh chị Pa cho chồng là anh Sơn Hoàng Hậu (anh ruột chị Pa) xem, anh Hậu xác định chính xác là em ruột của mình. Sau đó chị Hoa chủ động liên lạc với PV Thanh Niên để nhờ giúp đỡ đưa chị Pa về đoàn tụ với gia đình.

Chị Sơn Thị Mâm (27 tuổi, thường gọi là Hồng, em ruột chị Pa), cho biết khi gia đình đọc BáoThanh Niên thấy chị Pa tìm người thân, chị xem qua thì khẳng định 100% là chị ruột của mình. Theo chị Mâm mình vẫn giữ 1 tấm hình của chị, hai chị em có khuôn mặt rất giống nhau. Chị Pa có kể với báo là cha tên Út, mẹ tên Xuân, gia đình có 5 chị em, chị Pa thứ ba, mất tích lúc đang học lớp 4… là hoàn toàn phù hợp, chính xác.Chị Mâm gửi lời cảm ơn Báo Thanh Niên vì nhiều năm qua gia đình đã cất công tìm kiếm chị Pa khắp nơi mà không có tung tích gì nay nhờ báo thông tin đã giúp chị Pa may mắn được đoàn tụ với gia đình.

\"\"
Ông Châu Hồng Sơn (bên trái) kể quá trình tìm người thân cho chị PaẢnh: Trần Thanh Phong

Lập bàn thờ thờ con

Ông Sơn Sanh vui mừng, xúc động kể lại ngày đứa con gái đột ngột mất tích và nhiều năm trời gia đình ông mỏi mòn tìm kiếm khắp nơi.Theo ông Sanh, trong 5 người con thì Pa có tính khù khờ, ít nói, rất hiền lành, nhưng lại học rất kém. Do đó, 14 tuổi Pa mới học lớp 4, học ở Trường tiểu học Rạch Sên. Khoảng tháng 3.2003, sau khi đi học về nhà Pa đột ngột mất tích, gia đình đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không có tung tích gì về Pa. Hễ nghe thông tin người dân cung cấp thấy Pa có lúc ở Cần Thơ, ở TP.HCM… ông phải bỏ công ăn việc làm đi tìm tung tích của con nhưng vẫn không có kết quả gì.

Về thông tin chị Pa kể với PV Thanh Niên trước lúc bị mất tích là chị đang học lớp 4, lúc đi học về thì xe đạp bất ngờ bị đứt dây sên. Khi về đến gần nhà thì bỏ xe ngoài bờ đê do sợ bị cha mẹ la, bị đánh đòn nên tự ý bỏ nhà đi, ông Sanh cho biết thông tin đó hoàn toàn chính xác.Lúc con gái mất tích, gia đình tỏa đi tìm kiếm thì phát hiện xe đạp của Pa bị đứt dây sên để trên đê gần nhà. Ngoài ra, còn có một túi ni lông đựng viết, tập học của Pa.

“Tính từ ngày Pa mất tích đến nay đã 16 năm. Từ đó đến nay gia đình cứ nghỉ Pa đã chết nên đã họa tấm hình lớn để lập bàn thờ thờ cúng cho con. Nay, con gái bất ngờ trở về gia đình an toàn tôi rất vui mừng, phấn khởi vô cùng”, ông Sanh xúc động nói.

\"\"
Ông Sơn Sanh và bà Đỗ Thị Bạch Xuân đã lập bàn thờ cho cô con gái thất lạc, ngỡ đã chết từ lâuẢnh: Trần Thanh Phong

Bà Đỗ Thị Bạch Xuân, cho biết từ ngày con mất tích, bà luôn nhớ dai dẳng câu nói của Pa: “Mẹ đi sang nhà Bác Hai coi ti vi đi, con giữ nhà cho”. Sau đó thì không thấy con đâu nữa, suốt nhiều tháng mất con bà không thể nào ăn ngủ được. Luôn cầu nguyện cho con được bình an, sớm tìm được con về với gia đình.

Ông Lưu Hồng Suốl (51 tuổi, cán bộ Trạm quản lý Thủy nông H.Mỹ Xuyên), cho biết gia đình ông và ông Sanh có quan hệ họ hàng. Khi Pa thất lạc gia đình, ông đã dùng xe máy chở ông Sanh đi tìm Pa ở khắp nơi. Khi ra trung tâm Sóc Trăng, khi lên Cần Thơ và có lần lên tận TP.HCM tìm Pa nhưng vẫn không có tung tích gì. Nay Pa đột ngột trở về gia đình, người thân, bà con hàng xóm ai ai cũng xúc động, vui mừng.

Ông Nguyễn Văn Trưởng, cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Thạnh Phú, H.Mỹ Xuyên, cho biết qua rà soát thì chị Pa có hộ khẩu chung với gia đình. Tuy nhiên chị Pa chưa có giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, do đó xã tiếp tục xác minh giúp chị Pa làm giấy tờ tùy thân nhằm tạo mọi điều kiện để chị Pa đoàn tụ với gia đình, hòa nhập với cộng đồng.

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 25.8, ông Chung Hồng Sơn (46 tuổi, hành nghề xe ôm, ở khu phố Nam Cao, P.Vĩnh Quang, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) đưa chị Pa, bị thất lạc gia đình nhiều năm, đi tìm người thân cho chị. Theo ông Sơn, trước Tết Nguyên đán năm 2019, một người dân ở Bến tàu Phú Quốc (Kiên Giang) tình cờ phát chị Pa đi lang thang ở bến tàu có biểu hiện khù khờ, không nói chuyện gì với ai. Chị Pa được nhiều người cưu mang, cho đến một ngày chợt nhớ lại những hình ảnh, câu chuyện cũ. Sau đó, chị được ông Sơn chở từ Kiên Giang đến Bạc Liêu để tìm gia đình thất lạc, với một hy vọng mong manh…

Bài Liên Quan

Leave a Comment