Chiến dịch đánh cắp hụt tiêm kích MiG-29 của Israel

Chiến dịch đánh cắp hụt tiêm kích MiG-29 của Israel

Israel hối lộ một tướng Ba Lan để đưa tiêm kích MiG-29 tới nước này năm 1985, nhưng chiến dịch bí mật bị Liên Xô phát hiện.

\"\"
Tiêm kích MiG-29 trong biên chế quân đội Syria. Ảnh: National Interest.

Năm 1985, không quân Syria bắt đầu biên chế tiêm kích MiG-29 do Liên Xô chế tạo. Việc quốc gia đối địch sở hữu tiêm kích hiện đại hàng đầu thế giới khi đó thúc đẩy Israel tìm phương án đối phó để duy trì ưu thế chiến trường.

Tình báo Israel vào cuối năm 1985 móc nối được với một tướng không quân Ba Lan, quốc gia đang sở hữu nhiều tiêm kích MiG-29. Đây là quan chức Ba Lan phụ trách hoạt động vận chuyển vũ khí tới Iran và Syria, trong đó có dòng tiêm kích hiện đại MiG-29.

Ba Lan lúc đó chuẩn bị chuyển một chuyến hàng gồm các bộ phận của một tiêm kích MiG-29 gần hoàn chỉnh, được đóng trong nhiều thùng hàng để đưa bằng máy bay tới Syria. Viên tướng không được tiết lộ danh tính trên nhận tiền hối lộ của tình báo Israel để đảm bảo chiếc máy bay vận tải sẽ chuyển hướng tới Israel vào cuối năm 1985.

Chiến dịch tình báo này thành công khi máy bay hạ cánh xuống lãnh thổ Israel và Tel Aviv nắm trong tay một trong những mẫu tiêm kích hiện đại nhất thời đó. Tuy nhiên, một sĩ quan cấp dưới của tướng Ba Lan phát hiện ra số hàng bị mất nên thông báo cho Liên Xô.

Moskva yêu cầu Tel Aviv lập tức trả lại máy bay và chính phủ Israel buộc phải chấp thuận để không ảnh hưởng đến quan hệ với Liên Xô. Quân đội Israel chỉ kịp chụp ảnh các bộ phận của chiếc MiG-29 mà không thể nghiên cứu sâu mẫu tiêm kích vừa thu được. Viên tướng Ba Lan chạy sang Mỹ xin tị nạn.

Dù vậy, Israel không từ bỏ nỗ lực nghiên cứu MiG-29. Sau năm 1990, họ tìm cách liên hệ với Đức, quốc gia được thừa hưởng lượng lớn khí tài từ khối Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã, để tìm mua những chiếc MiG-29.

Israel mượn được bộ radar N019 trên tiêm kích MiG-29 Đức vào năm 1991, bên cạnh nhiều loại vũ khí khác như xe tăng T-72. Tất cả được đăng ký là máy móc nông nghiệp trước khi chuyển tới Israel. Nước này mổ xẻ và nghiên cứu rất kỹ hệ thống radar, sau đó trả lại cho quân đội Đức.

Tuy nhiên, những nghiên cứu trên chỉ dừng ở đánh giá từng bộ phận, không quân Israel vẫn chưa biết năng lực thực sự của MiG-29.

\"\"
Một trong 3 chiếc MiG-29 được Israel mượn năm 1996. Ảnh: IAF.

Cơ hội được mở ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi việc thuê và mượn máy bay trở nên dễ dàng hơn. Trong nửa đầu thập niên 1990, các phi công Israel tới một số quốc gia Đông Âu bay thử, thu thập thêm nhiều kinh nghiệm về khả năng cơ động của MiG-29. Nước này cũng muốn cho MiG-29 đối đầu với tiêm kích F-15, F-16 trong các trận đánh mô phỏng.

Năm 1996, Israel mượn được ba chiến đấu cơ MiG-29A từ một quốc gia Đông Âu, nhiều khả năng là Ba Lan. Trong suốt hai tuần thử nghiệm tại sa mạc Negev tháng 4/1997, mỗi chiếc MiG-29 xuất phát 20 lần để không chiến với phi cơ F-15, F-16 của không quân Israel.

Nhiều tính năng độc đáo của MiG-29 như kính ngắm gắn trên mũ phi công và hệ thống bám bắt hồng ngoại – đo xa laser đều được kiểm nghiệm kỹ càng, sát với điều kiện thực chiến hết mức có thể. Các phi công thử nghiệm Israel đều tỏ ra ấn tượng với tính năng tiêm kích Liên Xô.

\”MiG-29 ngang ngửa, đôi khi còn vượt trội so với máy bay F-15 và F-16. Động cơ của nó mang lại tỷ lệ lực đẩy/khối lượng lớn, giúp cho MiG-29 có khả năng tăng tốc và cơ động rất tốt. Phi công Israel phải rất cẩn thận khi đối đầu với những chiếc tiêm kích này. Nó là đối thủ đáng gờm nếu được điều khiển bởi phi công giỏi\”, một phi công thử nghiệm Israel nhận xét.

\"\"
Tiêm kích MiG-29 (trên) và F-15, F-16 sau một trận đánh mô phỏng năm 1997. Ảnh: IAF.

Một tướng không quân Israel cũng tán thành quan điểm này và đặc biệt đánh giá cao khả năng cơ động của chiến đấu cơ Liên Xô. \”Bay trên MiG-29 là trải nghiệm hiếm có đối với phi công thử nghiệm. Kết quả đối đầu giữa nó và máy bay Israel sẽ phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Trong một trận đánh cân bằng thì đây sẽ là mối đe dọa thực sự\”, ông cho hay.

Không quân Israel thu được nhiều thông tin quý giá mà trước đây họ chỉ nắm được bằng cách bắt sống hoặc đánh cắp vũ khí đối phương. Sau cuộc thử nghiệm, những chiếc MiG-29 được trả lại cho quốc gia Đông Âu với màu sơn được giữ nguyên. Phần đuôi máy bay được sơn thêm phù hiệu của Phi đoàn Thử nghiệm 253 và Trung tâm thử nghiệm bay thuộc không quân Israel.

Lã Linh (Theo National interest)

Bài Liên Quan

Leave a Comment