Bà Đặng Thị Hoàng Yến kiện ông Nguyễn Tấn Dũng ra tòa trọng tài quốc tế
10/09/2019
Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, bị đơn trong vụ đòi bồi thường 2,5 tỷ đôla do cựu đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến khởi kiện ra tòa trọng tài quốc tế, sẽ bị tống đạt thông báo trọng tài vào hôm nay, 10/09/2019, theo thông tin từ văn phòng luật sư của nguyên đơn.
Vào tối ngày 09/09, Văn phòng Công ty Luật Buzbee của Luật sư Anthony Buzbee ở Texas, một trong 5 luật sư của bà Maya Dangelas, tên mới của bà Yến sau khi nhập quốc tịch Mỹ, email cho VOA: “Cựu Thủ tướng Việt Nam sẽ bị tống đạt Thông báo Trọng tài (Notice of Arbitration) vào ngày mai và như vậy thủ tục tố tụng trọng tài sẽ chính thức bắt đầu.”
Trước đó, hôm 06/09, trang PR News Wire trích thông cáo của Văn phòng Luật Sư Charles H. Camp ở thủ đô Washington, một luật sư trong tổ hợp các luật sư đại diện bà Dangelas, cho biết đây là vụ kiện giữa nguyên đơn là tiến sĩ Maya Dangelas, tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài khởi kiện cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã làm cho công ty của bà thiệt hại 2,5 tỷ đôla về lợi nhuận và đầu tư trong dự án Nhiệt điện Kiên Lương ở tỉnh Kiên Giang trong thời gian ông Dũng còn tại vị.
Văn phòng Công ty Luật Buzbee cho VOA biết thêm: “Việc ông Nguyễn Tấn Dũng hủy bỏ dự án này là hết sức vô lý và dựa trên những lý do mang tính cá nhân chứ không liên quan gì đến nhiệm vụ của ông khi ông đảm nhận cương vị Thủ tướng Việt Nam.”
“Tiến sĩ Dangelas và các công ty của bà đã đầu tư hơn 250 triệu đôla vào việc phát triển Dự án Nhiệt điện Kiên Lương và bà đang phải chịu những thiệt hại đáng kể, không chỉ về chi phí đầu tư và phí pháp lý, mà còn mất một khoảng lợi nhuận khổng lồ,” công ty Luật Buzbee cho biết thêm.
Bà Dangelas khởi kiện ông Dũng thông qua Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) và nơi trọng tài giải quyết được đề nghị là tại thủ đô Paris của Pháp, theo trang PR News Wire.
Trang PR News Wire trích lời bà Dangelas nói: “Công ty của tôi lẽ ra thu về hàng tỷ đôla từ dự án nhiệt điện Kiên Lương. Số tiền này là cơ hội để giải quyết công ăn việc làm và giáo dục cho người nghèo ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Đối với tôi, thủ tục tố tụng trọng tài này không chỉ là một câu chuyện pháp lý, mà nó có ý nghĩa đối vối cuộc đời tôi.”
Cũng theo thông báo trọng tài, vào năm 2007 ông Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Công Nghiệp Tân Tạo (ITA) thuộc Tập đoàn Tân Tạo tiến hành dự án đầu tư khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, và cảng nước sâu ở huyện Kiên Lương nhưng 9 năm sau khi thực hiện hợp đồng thì ông Dũng hủy bỏ dự án này.
VOA chưa liên lạc được với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Văn phòng Chính phủ, và Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu về phản ứng của họ trước vụ kiện này.
Trang Vietnam Finance dẫn lời Bộ Công Thương cho biết nguyên nhân tạm dừng dự án Nhiệt điện Kiên Lương là vào ngày 18/3/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, trong đó không có dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 6/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời chính trường Việt Nam, do không đủ phiếu bầu ở Quốc hội để tại vị.
Văn phòng Luật Sư Charles H. Camp còn cho biết rằng Tiến sĩ giáo dục Maya Dangelas chính là bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân tạo.
Truyền thông Việt Nam cho biết bà Đặng Thị Hoàng Yến từng là đại biểu Quốc Hội Việt Nam khóa 13 từ năm 2011 nhưng tháng 5/2012 thì bà viết đơn từ nhiệm và sau đó bị Quốc hội bãi nhiệm với lý do “đã khai không trung thực, làm cho cử tri và tổ chức hiểu không đúng về tiểu sử và quá trình hoạt động của bản thân.”
Bà Amanda Orr, phát ngôn cho công ty Luật The Buzbee nói với nhật báo Người Việt tại California rằng: “Paris đã được đề nghị làm nơi phân xử trọng tài vì nó được công nhận trên toàn thế giới với vai trò nổi bật và hàng đầu về trọng tài quốc tế…Tòa Trọng Tài Paris là nơi trung lập cho các bên, giữa nguyên đơn mang quốc tịch Hoa Kỳ và bị đơn mang quốc tịch Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp hiện tại.”
“Ông ta (Nguyễn Tấn Dũng) có thể lựa chọn xuất hiện hoặc không tại phiên tòa, nhưng cho dù có hay không, vụ kiện vẫn diễn ra.”
Khi được hỏi liệu Chính phủ Việt Nam hay thủ tướng đương nhiệm là ông Nguyễn Xuân Phúc có là một phần trong bị đơn, bà Orr nói: “Tùy thuộc vào việc ông Nguyễn Tấn Dũng có quyết định cho luật sư bào chữa của ông triệu tập đương kim thủ tướng [Nguyễn Xuân Phúc] hoặc hệ thống chính quyền hiện tại của đương kim thủ tướng, hay không.”
Trong một vụ kiện khác ở Houston, trang SE Texas Record cho biết bà Dangelas rời Việt Nam năm 2012 và nhập quốc tịch Mỹ năm 2015.
Bà Yến là người sáng lập công ty ITA từ năm 1993 và giữ chức Chủ tịch HĐQT ITA kể từ năm 1996 tới nay dù vắng mặt tại Việt Nam.
Bà hiện vẫn là chủ tịch HĐQT Trường Đại học Tân Tạo, từng là Chủ tịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ, Thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP), thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), thành viên của Chương trình nghị sự toàn cầu Khu vực Đông Nam Á của Diễn đàn kinh tế thế giới. Bà cũng là chị của ông Đặng Thành Tâm, một nhà kinh doanh bất động sản và cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Luận văn tiến sĩ vào tháng 4/2019 tại trường University of New England của bà Đặng Thị Hoàng Yến có tựa đề: “Sự cần thiết phải cải cách Giáo dục đại học Việt Nam để phù hợp với nhu cầu nhà tuyển dụng.”
Các dữ liệu quyên góp bầu tổng thống Mỹ năm 2016 cho biết bà Dangelas sống tại thành phố Houston, Texas và có đóng góp cho cuộc vận động bầu cử của Tổng thống Donald Trump.
Từ khi bị miễn nhiệm, truyền thông trong và ngoài nước gọi bà Yến là “Đại biểu quốc hội mất tích.”