Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 2 TQLC Tái Chiếm Dakto.

Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 2 TQLC Tái Chiếm Dakto.

Thứ Hai, 09 Tháng Chín 20196:14 CH

Lý Văn Đàm.

\"https://i2.wp.com/tqlcvn.org/images/TD2%20TRANS.gif\"/

“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu”.

Đang thiu thiu ngủ thì đứa cháu ngoại bật máy cát-sét nghe bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm tôi chợt nhớ đến những ngày trèo non lội suối ở nơi rừng núi nắng bụi mưa sình vùng ba biên giới.

Đầu tháng 4/1965, TĐ2/TQLC do Th/Tá Hoàng Tích Thông chỉ huy theo Chiến Đoàn A/TQLC do Tr/Tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy được tăng phái cho Khu 22 Chiến Thuật thuộc QĐII hành quân vùng duyên hải Bồng Sơn, Tam Quan, lực lượng địch quân quấy rối đe dọa vùng này là SĐ 3 Sao Vàng.

Ngày 8 tháng 4/65, TĐ2 đã đụng độ nặng với một trung đoàn thuộc SĐ3 Sao Vàng và gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề về nhân mạng và vũ khí khiến cho hoạt động phá hoại của địch vùng Bình Định giảm hẳn đi sau 1 tháng TQLC có mặt tại vùng này.

Như chúng ta đã biết, TQLC là lực lượng tổng trừ bị, nhưng một khi được tăng phái cho vùng nào thì các tư lệnh vùng đó vắt cho cạn, vì thế sau khi Tam Quan, Bồng Sơn vừa tạm yên, thay vì dưỡng quân đề dùng vào thời điểm thật cần thiết, đúng lúc, đúng chỗ với nhiệm vụ “Tổng Trừ Bị” thì CĐA lại bị tư lệnh vùng đùng làm địa phưong quân giải tỏa áp lực địch ở các buôn Thượng thuộc vùng đèo Mang-Giang, rồi từ Mang Giang lại “được” đưa lên Kontum và tăng phái cho Biệt Khu 24 gồm những vùng quận lỵ và tiền đồn xa xôi hẻo lánh như Dakto, Daksut, Dakpet, Toumarong, Đức Cơ, Đức Lập.

TÁI CHIẾM ĐAKTO.
Quận Dakto nằm cách 5 km về phía Bắc Tân Cảnh, nơi có hậu cứ của Trung Đoàn 40 thuộc SĐ22 B, đã bị địch tấn công trong lúc quận trửơng không có mặt, còn phó quận chạy về được đến Tân Cảnh báo cáo là cộng quân đã tràn ngập và lực lượng ĐPQ tru phòng, đa số là ngừơi Thượng đã bị sát hại, vũ khi mất hết.

Một tiểu đoàn BB đã đựơc điều động để tiếp viện nhưng đã bị VC dùng chiến thuật “công đồn đả viện” khiến vị tiểu đoàn trưởng tên Lại Văn Chu bị tử thương, thế là CĐA/TQLC được xử dụng ngay. CĐA do Tr/Tá Yên chỉ huy gồm có tiểu TĐ2 của Th/Ta Hoàng Tích Thông và TĐ5 của Th/Tá Dương Hạnh Phước.

Vì từ Tân Cảnh vào Dakto chỉ có một con đừơng duy nhất vòng vo dưới chân hai bên là những ngọn núi cao, ví thế CĐA đã tiến vào Dakto không bằng độc đạo mà bằng cách leo núi.

Núi vùng này đa phần là khá dốc và lau sậy xen với những cây cố thụ nên việc vựơt núi thật là vất vả, tay nắm lau sậy du lên, chưa bước tới thì đầu gối đã đụng cằm. Vất vả nhất là những anh em binh sĩ mang vũ khí cộng đồng. Khi lên đến đỉnh núi thì mới phát giác nhiều hầm hố mới của địch, như vậy địch chỉ dùng kế đánh quận Dakto để tấn công lực lượng tiếp viện mà thôi, dù đi độc đạo hay leo núi vẫn bị chúng phục. Nhưng khi TQLC đến thì chúng đã rút lui, nếu không thì khó tránh một trận chiến khốc liệt và thiệt hại chắc chắn là nhiều.

Nghỉ ngơi trong giây lát thì chúng tôi được lệnh tiếp tục tuột núi dù đã xế chiều. Lên thì chậm và mệt, nhưng xuống thì nguy hiểm, phải xuống bằng mông và lưng, tay vịn các gốc lau sậy nếu không muốn bị lăn tròn xuống chân núi. Xuống đến chân núi thì đã muộn, trước mặt là một con sông. Tưởng rằng được dừng quân đêm sau một ngày quá mệt nhọc thì Đại Đội 4 được lệnh vựơt sông chiếm ngọn đồi bên kia sông để lập đầu cầu. May mà sông không sâu và không có địch nên ĐĐ4 đã hoàn thành nhiệm vụ khi trời vừa nhá nhem tối, giờ của bọn VC đi ăn đêm.

Thành phần sĩ quan ĐĐ.4 lúc đó gồm có:
-Tru/Úy Nguyễn Xuân Phúc ĐĐT
-Tr/Úy Trần Văn Hợp ĐĐP kiêm Trung Đội 41.
-Th/Úy Nguyễn Đình Khôi TĐ42.
-Ch/Úy Lý Văn Đàm TĐ43.
-Th/Úy Nguyễn Văn Đối TĐ44.
-Th/Sĩ I Lê Văn Lơ TĐ vũ khí nặng.

Lệnh cấm lửa phải thì hành triệt để, anh Phúc rất kỹ trong những trường hợp này, không cơm không thuốc thì không chết, nhưng ánh lửa bốc lên là mục tiêu pháo kích. Bất giác tôi thèm hút thuốc đến ứa nước miếng, cái gì cấm thì lại muốn vi phạm. Nhưng thò tay vào túi áo thì gói Ruby đã nát như tương sau khi vượt sông. Trải tấm poncho, mặc nguyên quần áo ướt, nẳm nhai bịch gạo sấy, nhìn trăng sao rồi đàn muỗi rừng thấy hơi người bu lại. Đời lính gió sương gặp nhiều sương gió thì có chi lạ, đói khát muỗi mòng xá chi, miễn đừng phơi xương là được, muốn không phơi xương thì phải triệt để thi hành kỷ luật, anh Phúc thường nhắc như thế.

Đêm qua mau, bình yên, lệnh súng đạn sẵn sàng tiến vào quận lỵ Dakto, thực ra chỉ la một đồn đóng quân vừa bị địch chiếm. Xuất phát đúng 8 giờ, TĐ41 của Tr/Uy Hợp đi đầu rồi tới tôi (Lỳ Văn Đàm), TĐ 42 v.v.. càng tiến gần đến vòng rào quận thì mùi tử khí xông lên nồng nặc, xác các ĐPQ đã trương sình! Địch đã rút đi. ĐĐ4 tiếp tục lục soát và tiến lên hướng Tây Bắc của quận lỵ, phát giác địch còn ẩn núp phía bên kia đồi. Tr/Úy Phúc cho lệnh Trg đội 41 của Tr/Uy tiếp tục đi đầu, tấn công trực diện chiếm mục tiêu, Trgđ 42 của tôi tiến song song bên cánh trái, Trgđ 43 bên cánh phải v.v.. Yên lặng tiến khi tới sát mục tiêu, Tr/Úy Hợp cho dàn hàng ngang tấn công. Súng nổ, lựu đạn vang rền, tiếng AK chống trả, có 3 tên VC từ suối chạy lên vị trí đóng quân của chúng thì bị trung đội tôi diệt.

Bị tấn công bất ngờ nên chúng chỉ chống trả trong giây lát rồi bỏ chạy, còn 2 tên núp trong hầm không kịp thoát thân, Trgđ 41 kêu gọi đầu hàng nhưng chúng trả lời bằng tiếng AK nên lựu đạn đựơc đưa vào hầm, tiễn chân 2 người “anh em” về đất Bắc. Lục soát, địch nằm lại tổng cộng 5 tên (2 dưới hầm, 3 trên mặt đất), tịch thu vài cây AK, 11 dây đạn đại liên 50, tiếp tục lần theo đây điện thoại lục soát, nhưng đi được khoảng 100 m thì L19 báo cho biết trước hứong tiến địch đang đi chuyển rất đông. Lệnh trên cho dừng quân và lui quân để PB và KQ làm việc.

Lui quân là giai đoạn cực khổ cho chúng tôi. Lệnh ĐĐT: “41 tịch thu thì 42 mang về” thế là anh em Trgđ 42 chúng tôi è cổ mang theo 11 dây đạn đại liên, mà mỗi viên to bằng quả chuối mắn. Đói khát mệt mà phải tha những “đồ quỷ” này về thật là nản, nhưng lệnh thì phải thi hành, mang về để chứng minh địch có súng lớn, có súng lớn thì địch đông. Địch đông thì phải cẩn thận, Bình Giả là tấm gương.

Chúng tôi được lệnh đóng quân trong một buôn Thượng đề chờ lệnh hành quân tiếp theo thì đúng vào lúc trời đổ mưa, mưa to liên tục 2 ngày. Đúng là “chiều mưa biên giới”, thì “các anh VC” đi về đâu? Hẳn là biết có Trâu Điên cùng Hắc Long đến nên VC “tẩu vi thượng sách”.

Thà đóng quân trong rừng còn hơn trong buôn Thựơng, tuy họ đã đi nhưng sản phẩm của gia súc ở lại hòa cùng nứơc mưa khiến chúng tôi vô cùng khổ sở cho việc bố trí và đóng quân, chỗ nào cũng nứơc cùng phân, không thể leo lên ngủ nhà sàn, giăng võng dứơi nhà sàn thì lại càng khổ. Một nỗi khổ mà lính hành quân nào cụng biết là trời mưa, lạnh mà không có thuốc hút. Tôi đâm liều chạy lên hỏi ĐĐT “Robert Phúc” xin vài điếu, anh chỉ còn ½ bao nên đành chia tam tứ. Anh em binh sĩ cũng đói thuốc họ đã hút bằng râu bắp, khét lẹt nhưng có còn hơn không, bớt mùi hôi phân trâu bò. Những kỷ niệm buồn vui đời lính, tình huynh đệ chia nhau tí khói thật đáng nhớ.

CĐA được lệnh rút quân về Tân Cảnh, không trèo núi nữa mà theo đừơng lộ, nhưng hai cánh quân phải đi sâu vào 2 bên đường 150m. ĐĐ4 chúng tôi lại đi đầu mở đường. Trung Sĩ Tuấn, tiểu đội đi đầu báo cho tôi gặp một xác địch, tôi tiến lên quan sát và cho lệnh lục soát, coi chừng địch gài lựu đạn, nhưng vô sự, xác địch còn nguyên quần áo bộ đội miền Bắc, Kaki Nam Định, xác không có vết thương, Hạ sĩ Hòa lục trong ba-lô có ống kem đánh răng hiệu “Bạch Mai” sản xuất tại Hà Nội. Một xấp thư gia đình, tôi đọc lá thư của vợ ngừơi này.

_ “Anh Nam. Kể từ ngày anh vượt đèo Mụ Già để vào Nam đến nay đã hơn 3 tháng rồi. Lúc này anh vẫn khỏe chứ? Bố mẹ và em ở nhà vẫn bình anh, tem hiếu được cấp đầy đủ. Em vẫn ngày ngày tới trường dạy bọn trẻ học hành và thời gian còn lại là nhớ đến anh. Em cầu mong anh vẫn bình an và sau 3 năm làm nghĩa vụ quân sự sẽ về với gia đình.

Thế nào rồi chân của anh?Nhiều chai sạn phải không? Có bị sốt rét rừng hành hạ hay không? Em mong ngày anh về với em./. Nụ”.
Thật tội nghiệp cho cô giào Nụ miền Bắc không biết rằng chồng cô đã bỏ xác trong rừng núi vủng Tam Biên miền Nam. Chồng cô không chết vì súng đạn, vì trong người không một vết thương, có lẽ anh ta chết vì đi lạc đói khát hay vì bị sốt rét rừng không theo kịp đơn vị mà đồng đội bỏ anh nằm lại đây. Đồng đội đã lấy vũ khí đem theo nhưng không chôn anh. Tình “đồng chí” là thế! Đã có hằng trăm ngàn thanh niên nam nữ sinh Bắc tử Nam cùng hoàn cảnh như anh ở lại dọc đường, Trường Sơn, “Xương Trắng Trường Sơn” trên con đừơng mòn mang tên “ba-ác Hồ Chí Minh”.
Nghỉ chân qua đêm tại hậu cứ Trung Đoàn 40 để rồi sáng hôm sau chúng tôi tiến về giải tỏa địch ở quận Cheo-Reo Phú Bổn.

Cuộc sống của người linh TQLC thật gian khổ, hành quân quanh năm, đúng là “12 tháng anh đi” và đã có biết bao anh em ta đã đi luôn! Các anh đi để đồng bào được sống, đồng đội được bình an. TQLC sống hùng sống mạnh, nhưng không sống lâu. Nhưng nếu có sống lâu thì không nên sống hèn.

St Louis 9 tháng 10/2012
MX Lý Văn Đàm

Nguồn: http://tqlcvn.org/dsst2013/dsst2013-dd4-td2-taichiem-dakto.htm

Bài Liên Quan

Leave a Comment