Hơn 40 nhà khoa học gốc Việt trong danh sách có trích dẫn nhiều nhất thế giới
– Hơn 40 nhà khoa học gốc Việt vừa có tên trong số 100.000 nhà khoa học thế giới có trích dẫn nhiều nhất theo xếp hạng của tạp chí PLoS Biology.
Tạp chí PLoS Biology vừa công bố một danh sách 100,000 nhà khoa học trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn nhiều nhất. Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của John Ioannidis (ĐH Stanford, Mỹ). Theo đó, nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2017 của gần 7 triệu tác giả và lọc ra tốp 100.000 người.
Những nhà khoa học gốc Việt trong tốp 100.000 nhà khoa học có trích dẫn nhiều nhất (Ảnh: GS Nguyễn Văn Tuấn hỗ trợ thống kê) |
Các tiêu chí được thống kê để xếp bao gồm: chỉ số H sau khi đã điều chỉnh cho tự trích dẫn, chỉ số H hiệu chỉnh, tỉ lệ tự trích dẫn, xếp hạng trên thế giới, chỉ số hỗn hợp tính từ 6 chỉ số riêng lẻ, hệ số tác giả trong chuyên ngành.
Đáng lưu ý, trong danh sách 100.000 nhà khoa học thế giới này có khoảng hơn 40 nhà khoa học gốc Việt, hiện làm việc ở các trường đại học trên thế giới. Trong số này có nhiều nhà khoa học quen thuộc được nhắc tới trong thời gian gần đây như:
GS Nguyễn Văn Tuấn, nhà khoa học y khoa chuyên về dịch tễ học và di truyền loãng xương, hiện ông là nghiên cứu viên chính tại viện Garvan, Úc.
GS Dang,Chi V, ĐH Pennsylvania. Đang,Chi V từng là phó khoa trưởng y khoa của ĐH Johns Hopkins- một trong những ngôi sao về ngành y sáng chói.
GS Nguyễn Sơn Bình. chuyên ngành thiết kế vật liệu mềm dành cho ứng dụng hóa học trong xúc tác, y học và khoa học vật liệu. Ông hiện làm việc tại Khoa học hóa ĐH Northwestern.
GS Vũ Hà Văn, hiện đang là giáo sư toán học ở Đại học Yale (Mỹ). Ông Văn có cha là nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương. Năm 2018 GS Vũ Hà Văn làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của tập đoàn Vingroup.
Một số gương mặt quen thuộc khác cũng hiện diện trong bảng này như PGS Nguyễn Xuân Hùng, người lần thứ 5 lọt vào danh sách top các nhà khoa học thế giới ảnh hưởng (nhưng trớ trêu ông từng trượt trong đợt xét tiêu chuẩn giáo sư năm 2016 của Việt Nam).
Bà Nguyễn Thục Quyên, một giáo sư, tiến sĩ người Mỹ gốc Việt hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại đại học California tại Santa Barbara, Mỹ. Bà Quyên cũng là nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.
GS Trương Nguyện Thành, ĐH Utah- Mỹ, hiện đang là Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của Trường ĐH Văn Lang, người mà 2 năm trước không đủ chuẩn làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen.
GS Đàm Thanh Sơn, hiện đang giảng dạy ở ĐH Chicago, Mỹ – từng được Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế trao Giải thưởng và Huy chương Dirac 2018.
Một số thống kê có tính chất tham khảo trong những nhà khoa học gốc Việt (điều này có thể chưa chính xác tuyệt đối do sự khác biệt giưa các chuyên ngành và đẳng cấp):
Nếu tính theo chỉ số H sau khi đã điều chỉnh cho tự trích dẫn, người đứng ở vị trí số 1 là GS Dang, Chi V với chỉ số H78; Tiếp đến là GS Nguyễn Văn Tuấn với chỉ số H 74, GS Nguyễn Sơn Bình với chỉ số H70
Về xếp hạng thế giới, trong số những nhà khoa học gốc Việt, Dang, Chi V có thứ hạng cao nhất ( 1.203 thế giới), tiếp đến là Phan, Sem H. của ĐH Michigan (11.932 thế giới) GS Nguyen, Nam-Trung của ĐH Griffith (Úc) (14.233 thế giới)
Tiêu chí chỉ số H hiệu chỉnh, xếp đầu trong số nhà khoa học gốc Việt là GS Dang, Chi V của ĐH Pennsylvania; Tiếp đến là GS Nguyễn Sơn Bình…
Riêng GS Đàm Thanh Sơn, hiện tại chưa lấy được dữ liệu nên chưa hiện diện trong bảng này nên chưa thể biết chính xác về xếp hạng của ông.
Trong đánh giá khoa học chỉ số H là phổ biến nhất vì phản ảnh mức độ ảnh hưởng. Chỉ số H càng cao có nghĩa mức ảnh hưởng càng lớn. Tuy nhiên người có nhiều năm hoạt động nghiên cứu khoa học thì thường có chỉ số H cao hơn người mới vào nghiên cứu khoa học. Do vậy chỉ H cũng có những nhược điểm như luôn tăng theo thời gian, tùy thuộc vào độ tuổi của nhà nghiên cứu. Chỉ số H cũng không phân biệt được những nhà khoa học đã nghỉ hưu với những nhà khoa học đang làm việc. Hơn nữa, chỉ số H còn tùy thuộc vào ngành khoa học. Do vậy để chính xác hơn thường dùng chỉ số Hm (hiệu chỉnh cho thời gian nghiên cứu). |
Lê Huyền