Mã Vân rời khỏi Alibaba để theo chân Bill Gates

Mã Vân rời khỏi Alibaba để theo chân Bill Gates

Thanh PhươngĐăng ngày 10-09-2019 Sửa đổi ngày 10-09-2019 12:12

\"\"
Ông Mã Vân phát biểu tại Hội chợ công ty khởi nghiệp Vivatech, Paris ngày 16/05/2019.
Philippe LOPEZ / AFP

Như ông đã thông báo cách đây tròn một năm, hôm nay, 10/09/2019, đúng ngày sinh nhật 55 tuổi, nhà tỷ phú Trung Quốc Mã Vân ( Jack Ma ), người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, rời khỏi chức chủ tịch điều hành.

Ngày 10/09 năm nay không chỉ là sinh nhật 55 tuổi của ông Mã Vân, mà còn là ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Alibaba. Một sự trùng hợp khác, nhưng cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với ông Mã Vân: ngày 10/09 còn là Ngày nhà giáo Trung Quốc. Nhà tỷ phú Trung Quốcn nguyên là giáo viên tiếng Anh, dự định sẽ dành thời giờ và một phần tài sản của ông cho các dự án về giáo dục, niềm say mê trước đây của ông, Nói cách khác, nhà tỷ phú Trung Quốc muốn đi theo con đường của nhà tỷ phú Mỹ Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft.

Alibaba: 20 năm thành công vượt bực

Mã Vân sinh ngày 10/09/1964 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Chính tại thành phố này mà vào năm 1999, trong căn hộ của ông, Mã Vân đã thành lập công ty buôn bán trực tuyến Alibaba, với số vốn 60 ngàn đôla, cùng với 17 người bạn.

Chỉ 10 năm sau đó, năm 2009, Mã Vân lọt vào danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới” của tạp chí Time. Điều này phản ánh sự lớn mạnh nhanh chóng của của Alibaba, tập đoàn nay có đến 103 ngàn nhân viên và quy tụ đến hơn 670 triệu người sử dụng hàng tháng, nhiều hơn cả Amazon và eBay gộp lại. Chính Alibaba đã thúc đẩy tiêu dùng ở Trung Quốc, cũng như góp phần to lớn vào sự phát triển nền công nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc trên mạng Internet. Ngày nay, Alibaba chiếm đến hơn phân nữa thị phần thương mại điện tử của Trung Quốc, chiếm ưu thế áp đảo về phương tiện thanh toán qua mạng, thông qua công ty Ant Financial.

Bị các nhà đầu tư Mỹ xem thường vào thời đó, năm 2014, Mã Vân đã rửa hận khi đưa được Alibaba vào thị trường chứng khoán Wall Street, huy động được số vốn cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, với 25 tỷ đôla. Tổng trị giá cổ phiếu của Alibaba ở thị trường chứng khoán Wall Street nay lên tới 470 tỷ đôla.

Không những thế, Alibaba còn tạo điều kiện cho rất nhiều người khác tại Trung Quốc đi theo con đường thương mại điện tử.

Chuẩn bị từ lâu cho việc kế nhiệm

Bình thường, việc nhà sáng lập một tập đoàn khổng lồ ra đi bao giờ cũng gây ra xáo trộn trên thị trường chứng khoán, nhưng đối với Alibaba thì không.

Từ mấy năm qua, việc điều hành Alibaba trên thực tế đã được chuyển giao dần dần cho một êkíp lãnh đạo rất có uy tín, đứng đầu là nhân vật số 2 của tập đoàn, ông Trương Dũng ( Daniel Zhang ), sinh năm 1972. Bản thân ông Mã Vân ngay từ năm 2013 đã giao chức tổng giám đốc cho ông Trương Dũng, chỉ còn nắm chức vụ “chủ tịch điều hành” đặc trách về chiến lược. Việc rời khỏi chức chủ tịch điều hành cũng đã được ông Mã Vân thông báo cách đây đúng một năm. Như vậy là kể từ hôm nay, tổng giám đốc Trương Dũng sẽ kiêm luôn chức chủ tịch hội đồng quản trị Alibaba.

Theo đánh giá của ông Jeffrey Towson, nhà đầu tư và cũng là giáo sư Đại Học Bắc Kinh, được hãng tin AFP trích dẫn, việc chuyển giao quyền hành như tại tập đoàn Alibaba có thể coi là “chuẩn mực tuyệt hảo” cho các công ty công nghệ cao. Theo lời giáo sư Towson, tác giả nhiều cuốn sách về các tập đoàn Trung Quốc, Mã Vân đã thành công một điều mà Steve Jobs, Bill Gates và Jerry Yang ( đồng sáng lập viên Yahoo ) không làm được: Ông đã tạo dựng văn hóa “ canh tân” rất vững chắc trong tập đoàn Alibaba, và cho tới nay, các lãnh đạo của tập đoàn vẫn đổi mới liên tục để không bị tụt hậu.

Chính ông Trung Dũng vào năm 2009 đã tung ra các gọi là “Ngày của những người độc thân”, vào mỗi 11/11 lại phá các kỷ lục về số bán điện thoại di động ( gần 22 tỷ euro năm 2017 )

Trong những năm gần đây, Alibaba đã đầu tư vào lĩnh vực điện toán đám mây ( cloud computing ), vào lĩnh vực giải trí và vào một hình thức bán lẻ mới, kết hợp việc đặt hàng trên mạng với một mạng lưới các cửa hàng. Cách đây vài ngày, Alibaba vừa thông báo mua Kaola, công ty thương mại điện tử của công ty Trung Quốc NetEase, với giá 2 tỷ đôla. Kaola là nền tảng thương mại điện tử chuyên cung cấp hàng xa xỉ của các thương hiệu nước ngoài cho người tiêu dùng Trung Quốc. Ngoài ra, Alibaba cũng sẽ đầu tư vào dịch vụ âm nhạc trên mạng.

Với toàn bộ các hoạt động đều tăng trưởng, lợi nhuận của Alibaba trong quý đầu của năm 2019 đã tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 3,1 tỷ đôla.

Mặc dù đạt rất nhiều thành công như vậy, Alibaba cũng gặp nhiều chỉ trích, thậm chí bị tố là dung túng việc bán hàng giả trên mạng. Chẳng hạn như tại Bỉ, phân nữa số hàng giả bị tịch thu là đến từ các website của Alibaba.

Một phần tài sản dành cho giáo dục

Hiện là người giàu nhất Trung Quốc, với tài sản cá nhân ước lượng khoảng 41 tỷ đôla, Mã Vân sẽ không hưởng cuộc sống an nhàn của một nhà tỷ phú, mà ông dành thời gian và một phần tài sản cho các dự án về giáo dục, giống như Bill Gates, người mà ông vẫn rất ngưỡng mộ.

Thật ra thì ông Mã Vân đã lập Tổ chức Alibaba vào năm 2011 để hỗ trợ giáo dục, chống nghèo đói và đã thực hiện nhiều sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục.

Và cũng trong lĩnh vực giáo dục, Mã Vân có những dự phóng rất thú vị về tương lai. Tại một hội nghị thế giới về trí thông minh nhân tạo ngày 29/08 vừa qua ở Thượng Hải, nhà tỷ phú Trung Quốc đã dự báo là với những tiến bộ công nghệ như trí thông minh nhân tạo, kết hợp với việc cải tổ các hệ thống giáo dục, trong tương lai con người có thể chỉ cần làm việc 12 tiếng đồng hồ một tuần, cụ thể là một tuần chỉ làm 3 ngày, mỗi ngày chỉ làm 4 tiếng đồng hồ.

Tại hội nghị này, Mã Vân còn nhấn mạnh nền giáo dục hiện nay đã lỗi thời, vì nó được kiến tạo theo mô hình của thời kỳ công nghiệp. Theo ông, máy móc rồi sẽ “qua mặt” con người về bộ nhớ và về các kỹ năng lập đi lập lại, cho nên các hệ thống giáo dục tương lai phải giúp trẻ em phát triển óc sáng tạo.

(RFI)

Bài Khác

Leave a Comment