Anh thừa nhận tác hại của Brexit không có thỏa thuận với châu Âu

Anh thừa nhận tác hại của Brexit không có thỏa thuận với châu Âu

Mai VânĐăng ngày 12-09-2019 

\"media\"/

Hải quan Pháp kiểm tra hàng nhập từ Anh Quốc tại cảng Ouistreahm, ngày 12/09/2019AFP

Chính phủ Anh ngày 11/09/2019 đã công bố những kết luận của bản phúc trình « Chiến dịch Yellowhammer », đánh giá các tác động tai hại nhất của kịch bản Vương Quốc Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận, gọi là Brexit No Deal.

Vào tuần trước, Hạ Viện Anh đã bỏ phiếu buộc chính phủ của ông Boris Johnson là phải công bố các chi tiết của bản báo cáo này, được soạn thảo để dự phòng trường hợp Brexit no deal.

Một số trích đoạn của bản báo cáo bị rò rỉ vào tháng 8 vừa qua, nói đến nguy cơ thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men, tình trạng tắc nghẽn tại các hải cảng và việc tái lập biên giới thực sự ở vùng Ireland. Trong lúc đó, việc sẵn sàng đối phó của công chúng và giới buôn bán tại Anh Quốc vẫn « yếu ». Các tài liệu chính thức được công bố hôm thứ Tư (11/09) đã xác nhận các chi tiết nêu trên.

Giao thông qua biển Manche có thể bị xáo trộn trong trường hợp không có thỏa thuận. Có đến 85% xe tải hạng nặng của Anh có thể bị tắc ở hàng rào kiểm soát của hải quan Pháp, dẫn đến việc « giảm 40-60% lưu lượng hiện tại ». Những chậm trễ này sẽ ảnh hưởng đến giao thông không chỉ giữa Dover và Calais ở Pháp, mà cả tại Gibraltar, vùng lãnh thổ thuộc Anh ở phía nam Tây Ban Nha, do có kiểm soát hải quan tại biên giới với Liên Hiệp Châu Âu.

Những gián đoạn này có thể kéo dài ba tháng và « tác động đến việc cung cấp thuốc và thiết bị y tế », cũng như các sản phẩm tươi sống.

Trong ngắn hạn, tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm có thể dẫn đến những phản ứng bất bình nghiêm trọng trong nước, thậm chí là bạo loạn, xô xát cũng có thể nổ ra ở các khu vực đánh cá giữa ngư dân Anh và nước ngoài.

Bản phúc trình đã báo động về « khả năng rối loạn công cộng và căng thẳng gia tăng giữa các cộng đồng dân cư ».

Thiếu hụt, lạm phát và căng thẳng xã hội

Bản báo cáo tuy nhiên không dự báo một tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, nhưng cho rằng người tiêu dùng Anh sẽ có ít hàng hóa để lựa chọn hơn, lạm phát sẽ tất yếu xảy ra và nạn nhân đầu tiên là những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, tức là các thành phần nghèo khó.

Bản báo cáo còn cảnh báo rằng việc thiếu thuốc thú y cũng có thể hạn chế khả năng phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch trong tương lai, điều sẽ tạo thêm nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng và khả năng tự cung cấp lương thực của đất nước.

Một số khu vực, bao gồm vùng Luân Đôn và miền đông nam Anh Quốc cũng có thể chịu tác hại từ tình trạng thiếu nhiên liệu. Ở những nơi khác, phản xạ tích trữ nhiên liệu để dự phòng bất trắc của người tiêu dùng có thể khiến tình hình trở nên căng thẳng. Việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng sẽ đánh trước tiên vào mức sống của những người nghèo nhất.

Ngoài ra, theo tài liệu vừa được công bố, kế hoạch mà chính quyền dự trù để bãi bỏ các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Ireland « có thể không bền vững do các rủi ro kinh tế, pháp lý và an toàn sinh học », với khả năng xuất hiện một thị trường chợ đen ở vùng biên giới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment