Người Trung Quốc đội lốt ‘nhà đầu tư’ để bào chế ma túy ở Việt Nam
September 12, 2019
KON TUM, Việt Nam (NV) – Dưới danh nghĩa hợp tác sản xuất gỗ, “nhà đầu tư” Trung Quốc đã mở một “phòng thí nghiệm” gỗ nhưng thực chất là một xưởng sản xuất tiền chế chất ma túy cực lớn ở huyện Đắk Hà.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 12 Tháng Chín, 2019, tại hội nghị cấp bộ trưởng về “Nâng Cao Hiệu Quả Hợp Tác Đấu Tranh Phòng Chống Tội Phạm Ma Túy Xuyên Quốc Gia” đang tổ chức ở Hà Nội, Đại Tá Vũ Văn Hậu, phó cục trưởng Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Ma Túy, cho biết tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam và khu vực đã “tăng đột biến thời gian gần đây.” Các tổ chức tội phạm quốc tế đang lợi dụng địa bàn Việt Nam để tổ chức sản xuất ma túy, một phần bán trong nước, phần lớn được chuyển đi các nước trong và ngoài khu vực.
Liên quan đến đường dây sản xuất trái phép chất ma túy vừa bị phát hiện tại tỉnh Kon Tum, ông Hậu cho biết đến thời điểm này, Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Ma Túy đã bắt 14 người, trong đó có chín người Trung Quốc, hai người Đài Loan và ba người Việt Nam, thu giữ 13 tấn tiền chất ma túy, 15 máy điều chế tại các tỉnh thành: Kon Tum, Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận và Sài Gòn.
Phía Trung Quốc cũng bắt 22 người, trong đó có 10 người liên quan đến nhóm người Trung Quốc mà công an Việt Nam vừa bắt giữ ở Kon Tum.
Trả lời báo chí Việt Nam vì sao nhóm người Trung Quốc trên ngang nhiên tổ chức sản xuất ma túy mà chính quyền địa phương không hay biết, ông Hậu cho rằng “nhà đầu tư” Trung Quốc nói mở “phòng thí nghiệm”, nhưng lại bào chế ma túy.
Bà Viên kể với báo Tuổi Trẻ, nhiều tháng trước một nhóm người Trung Quốc đến thuê nhà xưởng của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xuất Nhập Khẩu Đồng An Viên, nằm trong làng nghề ở thị trấn Đắk Hà (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) do ông Trần Ngọc An (48 tuổi, chồng bà) làm đại diện, để sản xuất các loại gỗ mỹ nghệ, gỗ ép các loại. Với danh nghĩa trên, nhà đầu tư Trung Quốc đã mở một “phòng thí nghiệm” gỗ.
Theo bà Viên, mấy tháng trước trong một chuyến làm ăn ở Lào, bà quen với một người Việt Nam chuyên phiên dịch cho các chủ doanh nghiệp của người Trung Quốc. Vợ chồng bà bày tỏ muốn hợp tác, xuất khẩu gỗ với các doanh nghiệp Trung Quốc và mong muốn người này giới thiệu.
“Khoảng Tháng Bày, 2019, có một nhóm 4-5 người Trung Quốc thông qua người phiên dịch đã gặp vợ chồng tôi đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Họ nói đã khảo sát vùng nguyên liệu và thấy nơi đây mở cơ sở chế tác ván ép, phân hữu cơ rất tốt. Tuy nhiên, họ muốn lập phòng thí nghiệm tại xưởng gỗ gia đình để pha chế hóa chất sấy, ép gỗ và sẽ trực tiếp làm việc tại xưởng,” bà Viên kể.
Sau đó, nhóm người Trung Quốc yêu cầu vợ chồng bà Viên phải dùng tôn vây kín một phần xưởng (rộng khoảng 50 mét vuông) để họ đặt máy móc, lập “phòng thí nghiệm”. Dưới nền nhà, những người Trung Quốc yêu cầu phải làm mương thoát xung quanh xưởng và hầm rút để hóa chất tẩy rửa không ra môi trường.
Toàn bộ chi phí khoảng 200 triệu đồng ($8,624) phía đối tác hứa sẽ thanh toán khi máy móc, “phòng thí nghiệm” lắp đặt xong. Bà Viên và chồng còn phải đi làm thủ tục ghi danh cho những người Trung Quốc đến làm việc tại xưởng của mình.
“Công ty này trước là cơ sở chế biến gỗ nằm trong làng nghề truyền thống huyện Đắk Hà. Sau đó nguồn gỗ cạn kiệt, họ dừng hoạt động nên Ủy Ban Nhân Dân huyện thu hồi cho Công Ty Đông An Viên thuê. Việc công ty này cho người Trung Quốc thuê lại để làm xưởng sản xuất ma túy địa phương không thể nắm được,” ông Ngô Tấn Khoa, trưởng Phòng Kinh Tế Hạ Tầng huyện Đắk Hà biện minh với báo Thanh Niên.
Trước đó, tờ Tuổi Trẻ tường thuật: “Công An tỉnh Bình Định phát hiện một lượng hóa chất cực lớn được cất giữ trong 286 thùng phuy, 300 bao bột và nhiều dụng cụ để tinh chế ra ma túy do một nhóm người Trung Quốc cầm đầu. Hai kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy đặt tại phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn. Sáu người Trung Quốc được phân công nhiệm vụ coi kho tại đây đã bị bắt giữ.”
Hiện chưa rõ hai vụ nêu trên có liên quan gì đến vụ một người đàn ông Trung Quốc bị bắt vì dùng xe bán tải chở 895 bánh heroin, nặng gần 300 kg, tại khu vực ngã tư An Sương (Sài Gòn) hồi Tháng Ba, 2019, hay không.
Công luận đang chờ đợi xem liệu nhóm nghi can Trung Quốc tham gia sản xuất ma túy ở Việt Nam có phải ra tòa hay sẽ được dẫn độ trao trả cho nhà chức trách Trung Quốc như các vụ hình sự trước đó. (Tr.N)