Nguyễn Thục Quyên: Khoa học gia trong top quyền lực của thế giới

Nguyễn Thục Quyên: Khoa học gia trong top quyền lực của thế giới

  07:30 | Thứ sáu, 08/02/2019 0Người phụ nữ ấy từ ngày mới tới Mỹ chỉ biết vài câu tiếng Anh cho đến khi lấy bằng tiến sĩ thì đúng mười năm. Đó là một hành trình kỳ lạ, vượt lên bởi nghị lực phi thường, ý chí sắt đá và một tình yêu mãnh liệt dành cho khoa học, muốn góp sức bằng những nghiên cứu có tính ứng dụng cao cho thế giới. GS-TS. Nguyễn Thục Quyên là một điển hình của người trẻ Việt Nam sinh ra trong chiến tranh nhưng nhanh chóng bắt nhịp với làn sóng toàn cầu hóa, trở thành nữ khoa học gia duy nhất bốn năm liền nằm trong top 1% các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, mà truyền thông quốc tế khi nhắc đến tên chị đã hình tượng sự ảnh hưởng đó chính là một loại quyền lực của tri thức.

Làm việc tại khoa hóa và hóa sinh Đại học California (Santa Barbara, Mỹ), ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu, GS-TS. Nguyễn Thục Quyên còn thường xuyên đi nhiều nơi trong và ngoài nước Mỹ để tham dự và thực hiện các buổi thuyết trình khoa học. Giữa dòng công việc bận rộn, nữ khoa học gia đặc biệt ấy vẫn ưu ái dành cho Người Đô Thị cuộc trò chuyện thú vị ngay những ngày đầu năm mới 2019.

Xin được mở đầu câu chuyện bằng thông tin mà Clarivate Analytics vừa công bố cuối năm 2018. Đó là Giáo sư một lần nữa được vinh danh, khi nằm trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (highly cited researchers – HCR). Nếu chúng tôi nhớ không nhầm thì Giáo sư là nhà khoa học nữ hiếm hoi trên thế giới bốn năm liền vào top 1% này. Thông tin vừa công bố mang lại cho Giáo sư cảm xúc như thế nào? 

Tôi rất vui và tự hào về nhóm nghiên cứu của mình. Vào được nhóm các nhà nghiên cứu có nhiều trích dẫn nhất thế giới có nghĩa là công việc của nhóm nghiên cứu chúng tôi được đồng nghiệp và cộng đồng khoa học công nhận, chứng tỏ những kết quả nghiên cứu khoa học ấy quan trọng cho nên được trích dẫn trong những bài báo của họ.
Ý nghĩa những lần được vinh danh như vậy là động lực để tôi cố gắng hơn nữa. 

Các nghiên cứu được trích dẫn nhiều như vậy chứng tỏ Giáo sư đang hòa vào dòng chảy nghiên cứu tiên tiến của thế giới, thực hiện được những công trình mà quốc tế quan tâm, có tác động lớn tới rộng rãi cộng đồng. Và chắc hẳn, thời gian biểu dành cho nghiên cứu sẽ phải hết sức đặc biệt, theo cách người ta hay đòi hỏi phụ nữ “vừa giỏi việc khoa học nhưng phải đảm đang việc nhà” và rồi họ lại thắc mắc “nữ giới làm khoa học thì chắc càng khó hơn”. Giáo sư đã bao giờ đối diện với những điều như vậy? 

Tôi có hai công việc: giáo sư/nhà khoa học và nội trợ. Điều khó khăn nhất khi làm hai công việc này là tôi luôn thiếu ngủ, thường xuyên vội vã và không có nhiều thời gian cho bạn bè, bố mẹ và anh chị em. Tôi luôn phải cố gắng dung hoà thời gian cho công việc ở trường và ở nhà. 

\"\"/

Là một trong những người tiên phong nghiên cứu pin mặt trời hữu cơ, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên hiện có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu


“Nữ giới làm khoa học lại càng khó hơn” – tôi cảm nhận điều này rất đúng trong sự nghiệp của tôi và cả những đồng nghiệp nữ trên thế giới. Là phụ nữ làm khoa học, bạn phải làm việc chăm chỉ và tốt hơn rất nhiều để có được sự công nhận giống như các đồng nghiệp nam. Tôi đối diện với những câu hỏi như vậy rất nhiều. Trong tình huống đó, tôi thường nói với mọi người rằng tôi yêu thích những gì tôi làm và tôi tập trung vào công việc, cố gắng làm hết khả năng. Tôi để công việc và kết quả nghiên cứu của mình tự nói lên. 

Theo quan sát của tôi, trong vòng 20 năm qua, đã có sự thay đổi suy nghĩ trên khá nhiều. Khi tôi còn là nghiên cứu sinh, tôi tham dự các hội nghị quốc tế, hầu hết diễn giả được mời là nam, chỉ có một vài người là nữ hoặc có các hội nghị hoàn toàn không có diễn giả nữ. Ngày nay, các hội nghị có nhiều diễn giả là nữ được mời hơn nhưng vẫn chỉ khoảng 25%. Tôi hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa và xã hội công nhận rằng, phụ nữ có thể làm tốt công việc nghiên cứu khoa học như các đồng nghiệp nam của họ. 

Là phụ nữ, làm nghiên cứu khoa học ở Mỹ rất khó khăn, thành thử không nhiều giáo sư khoa học là phụ nữ, nhất là những người lọt vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới. Tôi không được may mắn trong chuyện tình cảm và đã chia tay với người bạn đồng hành sau 12 năm chung đường, vì không được sự hỗ trợ từ người đàn ông đó. Dường như anh ấy không muốn tôi có một sự nghiệp thành công và khi tôi càng thành công, anh ấy càng cảm thấy mất tự tin, cho dù anh cũng là giáo sư cùng phân ngành và một trong những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới… 

Trong một lần chia sẻ về lý do chọn đề tài, rằng thế giới khoa học vật liệu rộng lớn và đa dạng, nhưng Giáo sư chọn vật liệu hữu cơ và pin mặt trời hữu cơ bởi nỗi niềm với quê nhà, là tuổi thơ và cảnh nghèo không có điện thắp sáng. Quê hương với Giáo sư, dường như vẫn là một nỗi niềm chia hai nửa buồn vui?

Mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc sống của tôi dạy cho tôi một bài học. Tôi luôn đánh giá cao bài học cuộc sống và những sự kiện tốt hay xấu, vui hay buồn, khó khăn, gian nan, cực khổ, đều giúp tôi trưởng thành, định hình tôi ngày hôm nay. Tuổi thơ khó khăn đã dạy tôi rất nhiều, như là óc sáng tạo, sự kiên nhẫn, tạo cho tôi rất nhiều động lực, cố gắng nhiều hơn để có một cuộc sống tốt hơn. Khi học đại học, tôi có nhiều động lực thúc đẩy hơn sinh viên Mỹ cùng trường…

Năng lượng tái tạo (renewable energy) rất quan trọng trong tương lai, vì năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt và sử dụng nhiều năng lượng tái tạo giúp môi trường phát triển xanh, giảm ô nhiễm hơn. Năng lượng tái tạo cũng cực kỳ quan trọng cho các vùng sâu hoặc vùng cao… Việt Nam là một nơi hoàn hảo để phát điện từ pin mặt trời vì nắng khá nhiều quanh năm và không có tuyết.

\"\"/

Tấm pin mặt trời hữu cơ do Giáo sư Nguyễn Thục Quyên và cộng sự nghiên cứu


Tôi có những châm ngôn sống của riêng mình: Hãy làm những gì bạn yêu thích và yêu những gì bạn làm. Làm việc chăm chỉ và tận hưởng cuộc sống vì bạn chỉ có một cuộc đời. Sống giúp đỡ những người xung quanh và làm việc hữu ích cho xã hội. Hãy cố gắng và đừng từ bỏ dễ dàng. Thiết lập mục tiêu cho bản thân và theo đuổi nó. Đừng để mọi người ngăn cản bạn đạt được mục tiêu của mình. Khi người ta đạp tôi xuống, tôi càng cố gắng vươn lên. Tôi sử dụng những điều tiêu cực như động lực để cố gắng nhiều hơn. Tôi cho mọi người thấy những gì tôi có thể làm…

Là một trong những người tiên phong nghiên cứu pin mặt trời hữu cơ, được biết Giáo sư có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu, và đã cùng các cộng sự đề xuất một kỹ thuật mới để sản xuất ra loại pin mặt trời polyme hữu cơ đơn lớp, có khả năng đưa các quang điện hữu cơ vào những thiết bị điện tử có thể đeo, mang trên người và phát điện năng ở quy mô nhỏ. Nghiên cứu đó hiện đã ứng dụng rộng rãi chưa, thưa Giáo sư? 

Chúng tôi vẫn đang tiến hành. Nghiên cứu về OLED (Organic Light-Emiting Diode, tức các điốt phát quang hữu cơ – PV) bắt đầu từ đầu những năm của thập niên 1990, vì vậy nó phát triển hơn nhiều so với pin mặt trời hữu cơ, bắt đầu tích cực vào cuối thập niên 2000. Những thách thức hiện tại đối với pin mặt trời hữu cơ là tuổi thọ và hiệu quả của mô-đun. Chúng tôi cần cải thiện hiệu suất mô-đun của pin lên 15% và tuổi thọ từ 20 năm trở lên. 

Nghiên cứu gần đây của chúng tôi tập trung vào các pin mặt trời hữu cơ bán trong suốt, các bộ tách sóng hữu cơ, pha tạp chất bán dẫn hữu cơ, vật lý thiết bị, vật lý quang của vật liệu phát sáng. Trong tương lai, tôi muốn làm việc về cảm biến sinh học và điện tử sinh học để giao tiếp giữa các hệ thống điện tử hữu cơ và sinh học cho ứng dụng trong sức khỏe và y tế. 

Lựa chọn khó khăn nhất trong đời mà Giáo sư từng phải đối diện là gì? 

Đó là con đường sự nghiệp nào tôi nên theo đuổi: giảng dạy, nghiên cứu, làm việc cho một công ty hóa chất, hoặc công việc công nghiệp, hoặc vừa giảng dạy và nghiên cứu. Tôi mất gần hai năm để quyết định theo đuổi sự nghiệp giáo sư ở đại học, vừa làm nghiên cứu vừa giảng dạy. 

\"\"/

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên và người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến lựa chọn nghề giáo của cô: bà Trần Thị Thái (nguyên giáo sư Toán – Lý Trường trung học tổng hợp Ban Mê Thuột trước 1975)


Gia đình lớn có ảnh hưởng như thế nào đến Giáo sư, theo nghĩa định hình tính cách con người và tính cách làm việc/làm khoa học?

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống giảng dạy lâu đời: bốn thế hệ. Bà ngoại tôi kể rằng ông cố của tôi dạy chữ nho trong trường làng. Ông ngoại tôi và mẹ tôi là giáo viên toán. Một dì của tôi là giáo sư dạy Đại học Bách khoa. Một dì khác là giáo viên cấp 1. Một dì nữa làm bác sĩ giải phẫu cho đến khi định cư ở Đức. Cậu tôi Trần Khang Thụy và mợ tôi Đào Kim Ngọc làm cho Đại học Kinh tế cho đến khi về hưu. Hiện nay, em gái út của tôi là giáo sư toán Đại học Mt. San Antonio College Walnut, California. Em tôi lấy bằng tiến sĩ toán từ MIT. Trong gia đình của mẹ tôi, học hành và giáo dục là vô cùng quan trọng và tôi lớn lên với truyền thống như vậy. 

Tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc trong đời khi tôi muốn trở thành một giáo viên. Lúc tôi năm tuổi, mẹ tôi là giáo viên trong một ngôi làng, không có nhà giữ trẻ nên bà đưa chị em tôi đến lớp học. Chúng tôi chơi im lặng ở phía sau lớp học hoặc trước cửa lớp. Một ngày nọ, tôi chán chơi với các em của mình. Tôi đã xem mẹ dạy và thấy mẹ dạy rất hay. Tất cả các học sinh chú ý và lắng nghe bài giảng của mẹ. Lúc đó tôi nghĩ “khi lớn lên, tôi muốn làm giáo viên như mẹ”.

\"\"/

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (hàng đứng, giữa) trong một dịp hội ngộ gia đình ở Việt Nam, với vợ chồng người cậu ruột Trần Khang Thụy và Đào Kim Ngọc


Thành công của tôi ngày hôm nay là nhờ vào sự cố gắng của bản thân và công ơn của rất nhiều người đã khuyến khích, chỉ dẫn và giúp đỡ tôi: cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân thuộc, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp. Cho dù họ không giúp đỡ tôi được về tài chính nhưng họ giúp đỡ về mặt tinh thần, nhất là cô em gái Uyên Ly. Tôi nói chuyện với Ly hầu như hàng ngày và tôi hỏi ý kiến em rất nhiều về công việc. Ly cũng là tư vấn thời trang cho tôi khi tôi đi thuyết trình trên thế giới. Em rể tôi nhưng tôi gần gũi và coi như em trai mình, Le An, đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong sửa sang và bảo quản nhà, vì tôi rất bận công việc, không có thời giờ chăm chút nhà cửa. Mà thực sự thì tôi cũng không biết làm (cười). Mẹ tôi luôn là người khuyến khích và ủng hộ tôi về chuyện học hành. Tôi biết ơn gia đình và bạn bè rất, rất nhiều. 

Qua những chuyến về Việt Nam để hội thảo, nghiên cứu khoa học… Giáo sư có dự án nào thực hiện ở Việt Nam không? 

Hiện tại tôi đang bàn luận với một số đồng nghiệp ở VinGroup về việc nghiên cứu khoa học và phát triển trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế (VinUni). Ước mơ của tôi là một ngày nào đó Việt Nam sẽ có một tổ chức nghiên cứu khoa học có thể cạnh tranh với Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản… 

Chuyện học tiếng Anh của Giáo sư đã trở thành giai thoại với nhiều du học sinh. Đặc biệt, có một giai thoại khác đáng ngưỡng mộ hơn: chỉ trong thời gian rất ngắn so với lộ trình học hành thông thường, Giáo sư đã hoàn thành xong chương trình đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Kỳ tích đó đến từ đâu? 

Hồi ở trường làng của Phước Tỉnh và Long Điền tôi không học tiếng Anh, cho đến năm lớp 11, tôi chuyển qua Trường trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn, Vũng Tàu. Tôi theo không kịp chương trình tiếng Anh, trường phải miễn cho tôi. Trước khi đi Mỹ, anh em tôi về Sài Gòn học khóa tiếng Anh cấp tốc vài tháng. Tôi qua Mỹ tháng 7. 1991 diện HO với bố, mẹ, anh trai và ba em gái. Cả gia đình biết rất ít tiếng Anh, nên thời gian đầu ở Mỹ rất cực. 

Tôi quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đi học tại ba trường ở ba thành phố cùng một lúc. Cứ sáng, chiều, tối, mỗi buổi học ở một trường. Mỗi ngày tôi xem tin tức đài truyền hình Mỹ để tập nghe. Tháng 9.1993, tôi xin vô học Santa Monica College. Mùa thu, tôi lấy bốn lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài. Tôi học ngày đêm, rồi tới những trung tâm dạy kèm sinh viên miễn phí trong trường để học thêm. Sau một năm thì tôi được vô học chính như những sinh viên khác… 

Từ ngày mới tới Mỹ chỉ biết vài câu tiếng Anh cho đến khi tôi lấy bằng tiến sĩ thì đúng mười năm. Tôi chuyển từ Đại học Cộng đồng Santa Monica qua Đại học tiểu bang thành phố Los Angeles (UCLA) mùa thu năm 1995. Tôi xin làm ở một phòng thí nghiệm của ngành sinh vật, nhưng chỉ được rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Sau một năm, tôi thấy mọi người làm nghiên cứu rất thú vị và tôi cũng xin làm thí nghiệm nhưng họ không nhận, họ nói “nghiên cứu không dành cho tất cả mọi người, bạn nên tập trung vào việc học tiếng Anh”. Rất buồn vì bị coi thường nhưng tôi không nản chí, thậm chí nhờ vậy mà tôi cố gắng nhiều hơn. 

Sau khi tốt nghiệp đại học tháng 12.1997, tôi nộp đơn xin học lấy bằng cao học. Trong một năm, tôi lấy bằng cao học lý – hóa (tháng 12.1998) và quyết định ở lại lấy bằng tiến sĩ cũng ngành này. Tôi nhận được học bổng của phân ngành lý – hóa để học tiến sĩ. Trong thời gian này, tôi làm trong phòng thí nghiệm 6 ngày/tuần và hết sức thích thú. Thường tôi làm 16 tiếng một ngày cho tới 2 giờ sáng mới về nhà. Sinh viên Mỹ không làm nhiều và không cố gắng bằng tôi. Ai cũng hỏi tại sao tôi siêng vậy. Tôi trả lời vì khi ở Việt Nam, gia đình tôi rất nghèo, lớn lên không có nhà ở và không có cơm ăn, thường hay bị bạn bè chê cười. Qua Mỹ cũng bị nhiều người Mỹ lẫn Việt Nam coi thường, thành thử tôi phải cố gắng để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi đã khóc rất nhiều lần ở Việt Nam, lẫn ở Mỹ. 

Thầy hướng dẫn của tôi – Benjamin Schwartz – rất tốt và tôi học hỏi được nhiều từ ông. Ông cho phép tôi tham dự rất nhiều đại hội trong và ngoài nước. Năm cuối của chương trình tiến sĩ, tôi là một trong bảy sinh viên trong 8.000 sinh viên được học bổng toàn trường, khoảng 30.000 USD… 

Tôi ra trường tháng 6.2001, trước những sinh viên trong phòng thí nghiệm sinh vật mà trước đây tôi đã từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Khi biết tôi được giải toàn trường, họ có vẻ rất mắc cỡ vì họ lấy bằng tiến sĩ trong tám năm, trong khi tôi lấy bằng tiến sĩ chỉ ba năm. Trong tám năm họ viết được một hoặc hai bài báo, còn tôi có được 12 bài báo khoa học và thuyết trình 19 lần ở đại học trong nước và các đại học quốc tế. Khi ra trường, tôi được giải thưởng xuất sắc của phân ngành lý – hóa. 

Kể nhiều như thế không phải để chứng minh tôi giỏi hơn người. Thế giới rộng lớn, ngoài kia chắc chắn có người giỏi hơn tôi, mà để tôi muốn nói rằng, tôi hoàn thành chương trình đại học, thạc sĩ và thậm chí tiến sĩ trong thời gian ngắn là vì tôi có rất nhiều động lực, tôi muốn có một cuộc sống tốt hơn, và trọn vẹn niềm đam mê khoa học.

\"\"/

Du lịch là một trong những cách giúp Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cân bằng lại cuộc sống, sau những áp lực công việc. Trong ảnh là chuyến du lịch Brazil của cô với mẹ 


Trong 28 năm định cư tại Hoa Kỳ, có lần nào Giáo sư ăn Tết ở Việt Nam? 

Tôi chưa về Việt Nam ăn Tết một lần nào từ khi xa quê, vì thường Tết cổ truyền Việt Nam trùng với mùa dạy của trường. Tôi ước rằng tôi sẽ có cơ hội quay trở lại Việt Nam để ăn mừng năm mới.

Ở Mỹ, nếu Tết vào ngày cuối tuần thì tôi về thăm gia đình và ăn Tết với gia đình; còn Tết vào những ngày trong tuần thì tôi vẫn phải đi làm. Tết bên Mỹ không có không khí mừng xuân như ở Việt Nam. Tôi vẫn chuẩn bị một mâm trái cây, dọn dẹp nhà cửa, không đổ rác ba ngày đầu năm.

Như Giáo sư chia sẻ, lịch làm việc hằng ngày dày đặc và nhiều áp lực, từ 8-12 tiếng cho công việc ở trường, thế nhưng nhìn thần thái của Giáo sư lại cảm giác rất nhẹ nhàng, yêu đời. Giáo sư có bí quyết gì chăng? 

Mặc dù lịch trình làm việc rất bận rộn và căng thẳng nhưng tôi luôn cố gắng dành thời giờ để tập thể dục như yoga, đi xe đạp, đi bộ, chạy bộ, zumba. Thỉnh thoảng, tôi đi spa cũng là để thư giãn và giảm những căng thẳng công việc…

Các du học sinh Việt Nam vẫn hay đối diện với câu hỏi mang màu sắc dân tộc tính: nên ở lại hay về nước cống hiến. Giáo sư quan niệm về việc này như thế nào?

Ở lại nước ngoài hay về nước cống hiến phụ thuộc vào những gì sinh viên muốn làm. Nếu họ muốn làm nghiên cứu thì rất khó làm ở Việt Nam. Nếu họ muốn làm việc cho một công ty hay dạy học thì trở về và giúp đỡ đất nước là rất tốt. Mỗi nơi có những điều hay riêng. Ở Việt Nam thì vui hơn, có gia đình, bạn bè và cuộc sống đỡ bị stress hơn. 

Tôi có một số lời khuyên cho bạn trẻ Việt Nam, là hãy có niềm tin vào bản thân. Khi bạn có ước mơ, hãy biến nó thành sự thật, đừng để mọi người làm bạn thay đổi ý kiến và từ bỏ ước mơ của mình. Khi bạn vấp ngã trong cuộc đời, có thể khóc một vài ngày nhưng sau đó suy nghĩ nguyên do mình vấp ngã để biến sự vấp ngã thành một kinh nghiệm sống. Bạn cần phải có trách nhiệm với chính bản thân, hành động và cuộc đời mình. Khi gặp khó khăn, hãy tự nhủ lòng sẽ có ngày mai và có thể ngày mai sẽ là một ngày tốt hơn!… 

MỘT SỐ GIẢI THƯỞNG CỦA GS-TS. NGUYỄN THỤC QUYÊN

Được bầu vào Thành viên ưu tú của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh 2016

Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức 2015

Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ 2010

Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan Foundation 2009

Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Camille Dreyfus Foundation 2008

Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Harold J. Plous Memorial Award and Lectureship 2007

Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ cho những nhà khoa học trẻ 2006 

Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Hải quân quốc gia Mỹ 2005…

Trung Dũng thực hiện – ảnh:  Lê An

Bài Liên Quan

Leave a Comment