BBC \’đánh\’ Đức Quốc Xã bằng sự châm biếm hài hước
Kristina MooreheadBBC Culture
Vào một đêm khuya năm 1940 ở London, Robert Lucas, một người Áo lưu vong ngồi viết tại bàn.
Bom trút xuống thành phố mỗi đêm, quân của Hitler đang chiến thắng trên khắp châu Âu và cuộc xâm lược nước Anh đã trở thành khả năng thực sự.
Mặc cho còi báo động không kích và, như lời ông nói \’đó là âm thanh địa ngục của cỗ máy chiến tranh\’ phát ra xung quanh, Lucas tập trung vào công việc trong tay: để \’đấu tranh cho linh hồn của người Đức\’.
Ông đang soạn một chương trình phát thanh nhắm vào các công dân của Đệ Tam Đế chế. Nhưng đây không phải là lời thỉnh cầu tận đáy lòng để kêu gọi lý trí của người dân Đức. Đây là nỗ lực làm cho họ cười.
Liều lĩnh nghe \’đài địch\’
Lucas đã làm việc cho Ban tiếng Đức của BBC kể từ khi ban này ra đời một cách ngẫu nhiên vào đỉnh điểm của cuộc Khủng hoảng Sudeten vào tháng 9/1938.
Mục đích của Ban tiếng Đức ngay từ đầu – khi nó phát sóng bản dịch bài phát biểu của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain không lâu trước khi ông ký Hiệp ước Munich khét tiếng – là phá vỡ thế độc quyền tin tức của Đức Quốc trong Đệ Tam Đế chế.
Đức Quốc Xã không thể ngăn chặn đài phát thanh nước ngoài xâm nhập vào Đức nhưng họ có thể quy cho ai nghe đài địch là phạm tội.
Họ đã làm như vậy ngay khi chiến tranh nổ ra. Những người bị bắt đã bị bỏ tù; bản án dành cho loan truyền tin tức của kẻ thù là tử hình.
Những người Đức đủ can đảm để khinh nhờn pháp luật phải cảnh giác với những người nghe trộm và những người hàng xóm xấu bụng, và đó sẽ trùm mền nghe đài như thể tự chữa cảm lạnh nặng trên một chậu nước xông.
Nhưng tại sao lại chọn phát sóng nội dung châm biếm trong trường hợp này? Khôi hài để duy trì nhuệ khí trong nước ở Anh quốc có thể là chiến lược thành công – được thực hiện đặc biệt tốt trong tác phẩm châm biếm thời chiến của BBC \’It\’s That Man Again\’ (hay còn gọi là ITMA).
Nhưng còn tuyên truyền đến kẻ thù thì sao? Và dù thế nào đi nữa, ai sẽ liều mạng để nghe đài địch?
Thật vậy, khi Lucas bắt đầu viết Die Briefe des Gefreiten Adolf Hirnschal, ông \’không hề biết liệu ít nhất có 50 người ở Đức lắng nghe nghe hay không\’.
Như sau này ông kể lại, ông \’nói vào bóng đêm mà không nghe được tiếng vọng nào\’. Việc chương trình đó của ông – cùng với hai loạt chương trình châm biếm khác có tên là Frau Wernicke và Kurt und Willi – đã được đặt hàng vào năm 1940 cho thấy cách tiếp cận thử nghiệm táo bạo mà Ban tiếng Đức áp dụng trong giai đoạn phôi thai.
Ban tiếng Đức không có đủ nhân sự, thiết bị và tổ chức cần thiết để thực hiện một cách đầy đủ nhiệm vụ hàng ngày: phản tuyên truyền.
Hơn nữa, đây là lãnh địa chưa khai phá. Đài phát thanh vẫn còn tương đối mới, và phát sóng vào đất kẻ thù là điều hoàn toàn mới.
Điều này đem đến tinh thần sáng tạo và phiêu lưu. Cũng đúng là cho đến năm 1940 đã có không khí tuyệt vọng. \”Được rồi, chúng ta hãy thử xem,\” BBC nói với Lucas khi đặt hàng chương trình Die Briefe des Gefreiten Adolf Hirnschal.
Các chương trình châm biếm hình thành dựa trên một liên minh khó nghĩ đến giữa BBC, các quan chức tuyên truyền của Anh và những người lưu vong nói tiếng Đức không bị ảnh hưởng.
Một mặt, các quan chức Anh khăng khăng rằng thông điệp của Ban tiếng Đức phải nghe như người Anh chính tông. Nhưng nó cũng cần phải chứng tỏ hiểu biết tường tận về tâm lý người Đức, và chính vì vậy nó phải nhờ rất nhiều vào sự đóng góp của những người lưu vong.
Nhưng mối quan hệ không phải lúc nào cũng dễ dàng; Là người ngoài đến từ đất kẻ thù, Lucas và những người lưu vong giống như ông thường bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ.
Lắt léo trong việc dịch thuật
Nội dung kỳ quặc của chương trình nên được hiểu trong bối cảnh liên minh thú vị này.
Adolf Hirnschal là một loạt các bức thư hư cấu do một hạ sĩ Đức ngoài tiền tuyến viết cho vợ.
Nhân vật chính đọc các bức thư cho người đồng đội chiến đấu của mình trước khi chúng được gửi đi.
Bề ngoài, Adolf Hirnschal tôn thờ \’Lãnh đạo kính yêu\’. Tuy nhiên, lời cảm thán về lòng trung thành của anh lại xa vời đến nỗi ý định của tác giả là rõ ràng: phơi bày sự hời hợt và dối trá trong những tuyên bố của Đức Quốc Xã.
Trong lá thư đầu tiên sau khi Nga bị tuyên chiến vào năm 1941, anh nói với vợ rằng anh đã đón nhận như thế nào tin tức từ viên trung úy cấp trên rằng họ đang được đưa đến biên giới Nga:
Anh nhảy cẫng lên vui sướng và nói: \’Ông trung úy, xin cho phép bày tỏ rằng tôi vô cùng vui mừng vì chúng ta hiện đang kết nghĩa với người Nga. Chẳng phải Lãnh đạo kính yêu của chúng ta đã nói vào năm 1939 rằng tình hữu nghị của chúng ta với người Nga là không thể thay đổi và không thể đảo ngược hay sao?\’
Do đó, Hirnschal vạch trần sự giả dối trong chính sách của Hitler đối với Nga, tất cả đều dưới vỏ bọc của lòng trung thành tuyệt đối.
Đây là một phương pháp mà Bruno Adler – nhà sử học và tác giả nghệ thuật người Đức trốn sang Anh hồi năm 1936 – sử dụng trong Frau Wernicke.
Nhân vật chính là một bà nội trợ người Berlin kiên cường, tốt bụng và nhiều chuyện, qua những lời độc thoại hâm hâm của mình, đã phàn nàn về sự bất công, chế độ tem phiếu và những mâu thuẫn của cuộc sống hàng ngày trong thời gian chiến tranh – những điều này phơi bày nhận thức thông thường.
Bằng cách đặt cạnh nhau sự ủng hộ ngu ngơ giả tạo của bà cho chủ nghĩa phát xít và hiện thực phũ phàng của cuộc sống thời chiến mà bà mô tả, ý định chống đối của Adler thể hiện rất rõ ràng.
Có một lần, Frau Wernicke hỏi bạn mình sao bà ấy buồn như vậy, và ngay sau đó tự mình trả lời câu hỏi:
Chỉ vì chồng bà phải nghỉ kinh doanh và vì con trai bà hiện đang trong quân ngũ và đã quá chán chường và vì con gái bà, Elsbeth, phải làm thêm năm thứ hai lao động nhà nước cưỡng bức và bởi vì – như bà nói – bà không còn cuộc sống gia đình nữa và như thế là bà không hạnh phúc?
Lưu ý cách sử dụng từ \’chỉ\’ hết sức mỉa mai.
\’Kurt und Willi\’ cũng do Bruno Adler viết kịch bản. Đó là một loạt các cuộc đối thoại giữa hai người bạn: Kurt là hiệu trưởng, còn Willi là viên chức trong Bộ Tuyên truyền Đức.
Trong khi nói chuyện về các sự kiện của cuộc chiến quanh ly bia trong một quán bar ở Berlin, Kurt đảm nhận vai một người Đức bình thường ngây thơ. Willi là một kẻ cơ hội yếm thế, vô đạo đức, rò rỉ cho bạn mình những luận điệu bao biện, thủ đoạn và sai lầm mới nhất mà Bộ Tuyên truyền làm ra.
Các chương trình này có sự khôi hài mà không thể dịch suôn sẻ – theo nghĩa đen từ tiếng Đức sang tiếng Anh, mà còn từ sóng phát thanh sang báo in nữa. Và, đương nhiên, chúng là câu chuyện trong thời đại đó. Nhưng chúng đặt ra những câu hỏi mà vào lúc đó là chủ đề của cuộc tranh luận gay gắt.
Tác dụng đến đâu?
Những chương trình này thực sự có ảnh hưởng gì không? Liệu châm biếm có thể được sử dụng như một vũ khí để chuyển hóa người Đức theo quan điểm của Anh và khiến họ mong muốn chấm dứt chiến tranh? Nó thậm chí có phù hợp hay không?
Giám đốc Phát sóng châu u của BBC, Noel Newsome, là người nghi ngờ. Nhắc đến một buổi phát sóng Kurt und Willi năm 1944, ông đã viết:
Nếu chương trình này thật hài hước và thú vị thì nó chỉ có thể phục vụ mục đích thảm hại là giảm bớt căng thẳng ở Đức, chẳng hạn như, giễu hài về \’bọ vẽ lung tung\’ giúp làm giảm căng thẳng ở Anh về bom robot. Nếu \’Kurt und Willi\’ không thực sự hài hước thì xét kiểu nào chương trình này cũng là một sự lãng phí thời gian quý báu.
Trên sóng phát thanh tại nhà, người Đức […] không nên nghe chương trình hài khi họ vặn đài London.
Đã có những nghi ngờ về giá trị của tuyên truyền châm biếm ngay từ đầu.
Thử nghiệm hài hước đầu tiên trên Ban tiếng Đức phát sóng vào Ngày Cá tháng Tư năm 1940.
Các nhà sản xuất đã phải trấn an các quan chức tuyên truyền rằng việc phát sóng \’Der Führer Spricht\’, một show nhại Hitler được Martin Miller, một người Áo lưu vong viết và trình diễn, sẽ là ngoại lệ.
Nhưng mà, như chúng ta đã biết, nó không phải là ngoại lệ. Các chương trình hài hước tiếp tục ra đời, và chẳng mấy chốc người Nga cũng nhập cuộc.
Đài Radio Moskau đã thử nghiệm các định dạng tương tự, một trong số đó – Frau Künnecke Will Jarnischt Gesagt Haben – là sự bắt chước rõ ràng Frau Wernicke.
Nhưng không có chương trình nào trong số này được phát sóng đều đặn như Hirnschal, Frau Wernicke và Kurt und Willi. Chúng đưa chúng ta đi qua chiến tranh, từ mùa hè năm 1940 cho đến khi kết thúc cuộc chiến – hàng tuần hoặc hai tuần một lần.
Nhưng ai là người nghe chương trình phát thanh của Ban tiếng Đức, và họ đã nhận thức nó thế nào?
Theo Robert Lucas, thư cảm ơn từ thính giả của Ban Tiếng Đức đã ồ ạt gửi đến ngay khi chiến tranh kết thúc.
\”Các chương trình phát sóng ở London đã cứu tôi thoát khỏi tự tử trong những ngày đen tối nhất của cuộc chiến của Hitler,\” một lá thư từ Kho lưu trữ BBC viết.
Một thư khác viết: \”Nhờ BBC và chỉ BBC mà tôi có được sức mạnh đạo đức để không trở thành đồng lõa.\”
Nhiều lá thư chỉ đích danh chương trình hài: \”Việc quý vị đem đến cho chúng tôi sự hài hước đã giúp chúng tôi chịu được điều không thể chịu đựng,\” một thính giả viết, trong khi một người khác bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với việc \”quý vị hiểu rõ như thế nào về tâm hồn con người\”.
Có lẽ những lá thư đó đã biện minh đủ nếu bạn tự hỏi – như Charlie Chaplin đã làm sau khi ông biết về sự tàn bạo của Đức Quốc Xã – liệu có phù hợp về mặt đạo đức khi chế giễu hay không, như Chaplin đã giễu cợt trong \’The Great Dictator\’.
Theodor Adorno nhấn mạnh rằng châm biếm chống phát xít không nắm bắt hoặc mô tả hiện thực và tệ hơn nữa, nó bỏ qua hoặc tầm thường hóa mức độ nghiêm trọng của Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc dân tộc.
Nhưng chẳng phải ít nhất tiếng cười nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của con người? Chẳng phải chỉ cần có các chương trình châm biếm thì đã thể hiện niềm tin vào trí tuệ và, trên hết, tính nhân văn của khán giả hay sao?
\”Cũng như bất kỳ chế độ chuyên chế nào khác, Đảng Chủ nghĩa xã hội quốc gia hoàn toàn không hài hước,\” Robert Lucas viết. \”Bây giờ nhìn lại, có lẽ đó là thành công chính chương trình châm biếm tiên phong của Ban tiếng Đức.\”
Đây là lĩnh vực mà Đức Quốc Xã không biết làm và không thể cạnh tranh. Và ngay cả khi những lời độc thoại xàm xí của Frau Wernicke hoặc Adolf Hirnschal chỉ có được tương đối ít người Đức nghe, ngay cả khi chúng không phải lúc nào cũng hết sức buồn cười, thì việc chúng đem đến sự an ủi và thậm chí là sự khai sáng cho bất cứ ai là bằng chứng cho thấy sứ mạng của Lucas \’chiến đấu cho linh hồn của người Đức\’ không hoàn toàn vô ích.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.