Cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út bị tấn công : Liên minh Riyad và Washington bị thách thức
Minh AnhĐăng ngày 16-09-2019
Bộ trưởng Năng Lượng Ả Rập Xê Út, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, tại Hội nghị năng lượng thế giới, Abu Dhabi, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 9/09/2019REUTERS/Satish Kumar
Ngày 14/09/2019, hai nhà máy sản xuất dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia Ả Rập Xê Út bị tấn công bằng máy bay không người lái (drone) làm sản lượng dầu của nước này giảm đến một nửa. Phe nổi dậy Huthi tại Yemen thừa nhận trách nhiệm, nhưng Iran bị cáo buộc đứng sau giật dây. Tại sao vụ tấn công cơ sở dầu hỏa lại xẩy ra vào lúc này?
Hệ quả trước mắt của vụ tấn công là sản lượng dầu hỏa của Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới bị sụt giảm mạnh, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng thêm 12%. Tổng thống Donald Trump thông báo mở kho dự trữ của Mỹ để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới. Theo giới quan sát, vụ tấn công cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm chính, nhắm ba mục tiêu: kinh tế, quân sự và liên minh giữa Riyad và Washington.
Trên bình diện kinh tế. Vụ tấn công có mục đích đánh thẳng vào « hầu bao » của Riyad. Dầu hỏa chiếm đến 80-90% nguồn thu của nước này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Riyad cũng bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế, cán cân ngân sách bắt đầu bị thâm thủng. Từ một nước luôn trong tình trạng bội thu, Ả Rập Xê Út đã bắt đầu đi vay nợ.
Hoàng thái tử Mohamed Ben Salman, khi đề ra chương trình cải cách kinh tế « Tầm nhìn 2030 » trong đó có việc để giảm bớt nợ vay, đa dạng hóa các nguồn thu và Riyad đã có kế hoạch đưa tập đoàn dầu hỏa quốc gia Aramco lên sàn chứng khoán vào năm 2020-2021. Thế nhưng việc hai nhà máy bị tấn công bằng drone làm lộ rõ những yếu kém về an ninh của những cơ sở sản xuất dầu của Ả Rập Xê Út bất chấp hàng tỷ đô la đầu tư vào các hệ thống phòng không tinh vi. Như vậy, tiến trình cổ phần hóa tập đoàn Aramco có nguy cơ bị trì hoãn do các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy bất an.
Thứ hai, khi đánh vào « túi tiền » của Ả Rập Xê Út, phải chăng Iran và các đồng minh của nước này là phe nổi dậy Huthi và lực lượng Shia thân Iran tại Irak còn muốn làm suy yếu năng lực quân sự của Riyad. Tại lò lửa Trung Đông này, Iran và Ả Rập Xê Út là hai kẻ thù không đội trời chung và luôn cạnh tranh nhau về mặt ý thức hệ. Cuộc nội chiến tại Yemen là một minh chứng hiển nhiên.
Cuối cùng, vụ tấn công này còn nhằm « thử lửa » mối quan hệ đồng minh Mỹ – Ả Rập Xê Út. Một mặt, giới phân tích cho rằng Tehera muốn gửi một thông điệp đến Washington, theo đó « Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ được yên trong khu vực chừng nào người Mỹ vẫn áp đặt trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran » như nhận định của tờ Middle East Eye.
Mặt khác, liệu Hoa Kỳ có sẽ thật sự dùng đến giải pháp quân sự chống Iran như tuyên bố của tổng thống Mỹ? Theo ông Donald Trump, chỉ cần Ả Rập Xê Út xác nhận Iran chính là thủ phạm thì Hoa Kỳ « sẵn sàng đáp trả ».
Chỉ có điều thế giới không nên quên rằng, cội nguồn liên minh giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út dựa trên nguyên tắc « dầu hỏa đổi lấy bảo đảm an ninh ». Hiệp ước Quincy năm 1945 cho phép Hoa Kỳ được độc quyền tiếp cận nguồn dầu hỏa đổi lấy việc bảo đảm quân sự cho vương quốc Ả Rập này. Nhưng hiệp ước này cũng có những lúc thăng trầm, và nhất là trong vụ tấn công khủng bố 11/09/2001, Ả Rập Xê Út bị nghi ngờ là hậu thuẫn tài chính cho phe khủng bố cực đoan. Hơn nữa, với việc phát triển khai thác dầu đá phiến, Hoa Kỳ gần như không còn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.
Trung Đông sẽ càng trở nên bất định hơn bao giờ hết trước một Donald Trump khó đoán khó lường. Một điều mà giới chuyên gia cùng đồng ý là sau vụ hai nhà máy sản xuất dầu bị tấn công, Ả Rập Xê Út chẳng khác gì vừa bị « đột quỵ »!