Đối tác chiến lược Mỹ-Việt sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Thanh PhươngĐăng ngày 16-09-2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017.REUTERS/Kham
Theo dự kiến, vào tháng 10/2019, chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông đang gia tăng.
Chuyến đi lần thứ hai của ông Trọng đến Washington sẽ diễn ra vào lúc đang có những thảo luận về khả năng hai nước nâng quan hệ song phương lên cấp đối tác chiến lược. Nhưng đối tác chiến lược này sẽ có ý nghĩa như thế nào? Trên trang The Diplomat ngày 12/0/2019, chuyên gia về châu Á – Thái Bình Dương Prashanth Parameswaran đã có bài phân tích. RFI xin giới thiệu.
Trong vài tháng qua, trong số các cam kết cấp cao được lên kế hoạch, đã có nhiều thảo luận về khả năng chính thức nâng quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam lên mức đối tác chiến lược trong tương lai. Mặc dù ý tưởng này không phải là mới mẻ gì, nhưng ý nghĩa của nó rất đáng quan tâm, cả về quan hệ song phương cũng như về tình hình khu vực và quốc tế.
Quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam đã tiến rất xa so với thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Việc bình thường hóa từng bước quan hệ giữa hai nước đã diễn ra trong nhiệm kỳ cựu tổng thống Bill Clinton và tiếp tục với các chính quyền Dân Chủ và Cộng Hòa sau đó, nhưng đặc biệt đáng lưu ý là việc nâng mối quan hệ lên mức hợp tác toàn diện vào năm 2015 dưới thời tổng thống Barack Obama. Điều này phản ánh những nỗ lực của Washington trong việc mở rộng mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong mạng lưới đó, cùng với các đối tác toàn diện khác như Malaysia và Indonesia (sau này được nâng lên thành đối tác chiến lược); và nó cũng làm nổi rõ những cơ hội và thách thức mà Hà Nội phải cân nhắc khi gắn kết với Hoa Kỳ trong hệ thống quan hệ đối tác rộng lớn hơn.
Giữa những thách thức mới đầu tiên dưới thời chính quyền Trump cho đến nay, hai bên đã thảo luận về khả năng nâng quan hệ Mỹ-Việt lên mức đối tác chiến lược, trong bối cảnh có những chuyến đi cấp cao được dự trù, đáng chú ý nhất là chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sau chuyến đi đầu tiên của ông tới Washington năm 2015, chuyến đi đã là một sự phát triển lịch sử trong quan hệ Mỹ-Việt.
Indonesia đã trải qua một quá trình tương tự để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, sau đó được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, nhưng đối với Việt Nam, nó không phải là không có ý nghĩa. Với các di sản lịch sử trong quan hệ Mỹ-Việt và với những bất đồng dằng dai trong các lĩnh vực từ chế độ chính trị đến nhân quyền, việc nâng cao quan hệ như vậy sẽ củng cố sự “hội tụ chiến lược” ngày càng tăng giữa hai nước. Nó cũng có ý nghĩa vượt ra ngoài phạm vi quan hệ song phương, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng Thái Bình Dương và trong bối cảnh tại Biển Đông, Trung Quốc có những hành động ngày càng mạnh mẽ để xác quyết chủ quyền và kiểm soát vùng này, và Hà Nội đang chịu áp lực ngày càng tăng.
Nhưng hai bên thảo luận về nâng mức quan hệ mà lại không có cùng những mối quan ngại. Một mặt, những bất đồng trong quan hệ Mỹ-Việt về thương mại hay về Bắc Triều Tiên trong vài năm qua đôi khi khiến cho mối quan hệ đó có vẻ kém toàn diện – chứ đừng nói đến chiến lược – hơn là yêu cầu của thực tế địa chính trị. Mặt khác, bối cảnh khu vực và quốc tế khiến người ta chú ý hơn đến những liên minh được thiết lập, nhưng lỏng lẻo, giữa các quốc gia với Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, như chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, lần đầu tiên được phát họa trong bài phát biểu của tổng thống Trump tại thượng đỉnh APEC ở Việt Nam năm 2017, hay các cơ sở quốc phòng mới ( như của Trung Quốc ở Cam Bốt ).
Những yếu tố này quan trọng bởi vì chúng sẽ đóng vai trò trong sự tính toán của các nhà hoạch định chính sách về cái lợi và cái hại của việc “xoay trục” cũng như về thời điểm và thông điệp. Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã trì hoãn một số bước tiến mới trong quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, bất chấp những lợi ích mà chúng ta đã thấy ngay cả khi Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới trong các mối quan hệ quan trọng khác như với Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản.
Những lo ngại này không có nghĩa là mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là không được mong muốn hoặc không thể thực hiện được. Thật vậy, bất chấp những thăng trầm của mối quan hệ song phương, các xu hướng chiến lược như ngày nay đang đẩy Washington và Hà Nội đi tới sự liên kết chặt chẽ hơn, cho dù sự liên kết này được gọi như thế nào.
Nhưng điều đó có nghĩa là cả Hoa Kỳ và Việt Nam cần đảm bảo rằng thực tế của mối quan hệ phù hợp với bất kỳ tên gọi nào họ chọn. Cuối cùng, sự liên kết dưới bất kỳ tên gọi nào chỉ có giá trị tùy theo với cam kết mà cả hai bên sẵn sàng đầu tư vào để chuyển đổi sự “hội tụ” tiềm tàng thành hợp tác thực thụ, đã được chứng minh qua các liên minh và đối tác kém hiệu quả hoặc hiệu quả cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Quan hệ Mỹ-Việt không tránh khỏi những cân nhắc này, và nó sẽ được đánh giá không phải là bằng cách so sánh ngày nay với quá khứ, mà là ở chổ quan hệ đó có thể được và nên được như thế nào, bất chấp những khác biệt vẫn còn tồn tại giữa hai nước.