Thanh Tâm Tuyền và ‘chú lái sách’
Viên Linh/Người ViệtSeptember 11, 2019
Nói đến chợ sách cũ ở Sài Gòn là nói tới một sinh hoạt nhộn nhịp trên mấy con phố chính có lề đường rộng rãi hoặc có những kiosque lưu động (có bánh di chuyển), hay những quán sách vuông vắn có cửa mở có bản lề kéo lên thành cái mái, mở ra tới ba mặt hàng, bên trong chỉ đủ cho một “chú lái sách” xoay trở.
Trên vách gỗ của quán sách treo đầy sách báo muôn màu, phần lớn là hình ảnh mỹ thuật, xếp đặt gọn ghẽ thứ tự; khách hỏi loại nào “chú lái sách” quờ tay chỉ tới loại đó, có cả cũ lẫn mới. Chợ sách cũ Sài Gòn là một sinh hoạt tấp nập, không phải chỉ trên một góc phố, mà trên nhiều đường.
Con đường có nhiều quán sách nhất có thể là ở góc Pasteur-Nguyễn Huệ, có thể là góc Nguyễn Huệ-Lê Lợi. Quán nào cũng đông, người vào kẻ ra không ngừng, từ sáng tới chiều, từ 9 giờ tới 7 giờ. Và thường chỉ có một người bán hàng. Với bốn quán thật đông, cả ngàn người lui tới mỗi ngày nơi bốn cái góc phố này.
Có một cái mái che mưa nắng là cái quán, đã nhiều, thế mà không đủ, có những “sạp sách cũ” không có mái, chỉ là một cái bạt cắt ra từ một cái lều, vải lều.
Ta hãy nghe nhà thơ Thanh Tâm Tuyền mô tả:
“Cởi túi bị quẩy đeo trên vai
Liếc dọc ngang vệ đường bụi nắng
Trải tấm ni lông, bày chợ trời
Sách báo cũ đồi trụy phản động
Dưới gốc cây lá mộc, loay hoay
Vấn thuốc rê, mồi, trông khói bay.
Cửa thành đô ngược xuôi tất bật,
Đứng vỉa hè kiếm sống qua ngày.”
Mấy chữ “sách báo cũ đồi trụy phản động” cho người đọc thấy cảnh này xảy ra sau năm 1975, còn bài thơ Thanh Tâm Tuyền cho đăng trên tạp chí Văn ở hải ngoại năm 1992.
Thanh Tâm Tuyền nổi tiếng ở Sài Gòn từ 1956 khi ông xuất bản tập thơ “Tôi Không Còn Cô Độc” và đồng thời là cây bút nòng cốt trên tạp chí Sáng Tạo do Mai Thảo và bạn hữu chủ trương.
Không có đầy đủ sách báo dưới tay, người viết còn nhớ Sáng Tạo xuất hiện trong hai giai đoạn, khởi đầu cuốn năm 1956 ra tới số 31 thì tạm ngưng, nhằm Tháng Chín, 1959. Những cây bút chính của nhóm còn có Trần Thanh Hiệp, Quách Thoại, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh và Thái Tuấn. Quy tụ còn có những Trần Lê Nguyễn, Lê Huy Oanh, Cung Tiến, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Thái Tuấn, Thao Trường (không phải Thảo Trường), Dương Nghiễm Mậu.
Là thi sĩ “tiền hô” của phong trào thơ tự do, Thanh Tâm Tuyền viết một số bài luận thuyết thi ca bên cạnh sáng tác của ông, chẳng hạn như bài “Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay.”
Đây là một bài luận thuyết quan trọng của ông về thơ tự do – là lối thơ mà ông được nhìn nhận như một người khởi xướng chính và đầu tiên.
Ông viết: “Tôi nghĩ rằng điều làm cho người đọc xa lạ với thơ hôm nay không hoàn toàn vì hình thức tự do của nó. Thơ không vần, không điệu, thơ xuôi nếu quả thật là thơ – nghĩa là đạt được ngôn ngữ màu nhiệm, không chỉ chuyên chở ý tưởng, mà còn ám ảnh vang vọng mãi trong tâm hồn – thì sớm muộn người đọc sẽ tìm thấy và quen dần với một thứ nhịp điệu rộng rãi phức tạp ở một trình độ nghệ thuật cao hơn đối với thứ nhịp điệu đơn giản rút gọn.”
Hy vọng của ông đã trở thành sự thực chỉ trong vài năm sau, độc giả đã quen dần với thơ tự do (nghĩa là nhịp điệu rộng rãi hơn, câu cú dài ngắn bất định thoải mái hơn, sau này đã được đón nhận trên nhiều mặt báo).
Ly Nước Trong (Thanh Tâm Tuyền)
“Là người mình yêu
Bên những miền xứ chết
Là đường con tim
Trên bàn tay lãng quên
Là trí nhớ không
Trong thời gian bất tỉnh.”
Bài Thơ Vui (Thanh Tâm Tuyền)
“Một người treo cổ trên cành cây
Trong công viên giữa thành phố
Nhìn một phút cuối cùng
Đôi tình nhân hôn nhau
Xong
Thiếu nữ cười tình nghịch như hòn sỏi
Ném lăn theo triền mái ngói.”
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền tên khai sinh là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13 Tháng Ba, 1936, tại Vinh, miền Trung Việt Nam. Năm 1952 ông đã dạy học tư ở Hà Đông tại trường Minh Tâm, và có bài đăng trên tuần báo Thanh Niên tại Hà Nội.
Năm 1954, ông vào trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội cùng với Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, sau đó vào Sài Gòn làm tờ Lửa Việt cũng của nhóm này, trụ sở đặt tại trại sinh viên di cư trên nền khám lớn cũ (bên cạnh tòa án).
Năm 1955, ông làm tờ Dân Chủ với Vũ Ngọc Các, tòa soạn đặt tại đường Gia Long. Từ năm 1956 tới 1960, ông làm tờ Sáng Tạo cùng nhóm trên, có thêm Mai Thảo. Ông tại ngũ từ 1962 tới 1966. Hai năm sau ông lại tái ngũ, làm việc trong tòa báo Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến.
Các tác phẩm đã xuất bản: “Tôi Không Còn Cô Độc” (thơ), “Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” (thơ), “Khuôn Mặt” (truyện ngắn), “Dọc Đường” (truyện ngắn), “Bếp Lửa” (truyện dài), “Cát Lầy” (truyện dài).
Ông cộng tác nhiều năm với các báo Khởi Hành, Tiền Tuyến, Văn. Ông viết thường xuyên thơ văn truyện ngắn và cả truyện dài từng kỳ cho Thời Tập từ 1973 đến 1975. Ông đi tù “cải tạo” sau 1975. Di tản qua Hoa Kỳ định cư tại Minnesota.
Ông mất ngày 22 Tháng Ba, 2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota.
(Viên Linh)