Đài Loan gửi Hong Kong 2000 mặt nạ phòng hơi độc
Cindy SuiBBC News, Đài Bắc
Dần dần nhưng chắc chắn, người dân Hong Kong và Đài Loan thấy số phận mình ràng buộc với nhau. Họ là hai nơi duy nhất ở Trung Quốc đã nếm trải tự do.
Nói nhỏ nhẹ, đeo kính, và sống cách Hong Kong 650km, Alex Ko hoàn toàn tách biệt khỏi các cuộc biểu tình đang càn quét Hong Kong.
Nhưng anh ấy chính là kiểu người khiến Trung Quốc lo ngại.
Trong những tuần gần đây, khi người biểu tình đang chiến đấu với cảnh sát trên đường phố Hong Kong đòi quyền bầu cử phổ thông và quyền tự do, thì Ko, 23 tuổi, không chỉ ngồi xem qua mạng.
Anh đã gây quỹ tại nhà thờ để mua hơn 2.000 mặt nạ phòng hơi độc và mũ bảo hiểm, rồi gửi chúng cho những người biểu tình ở Hong Kong vốn luôn phải đối phó với hơi cay của cảnh sát.
\”Tôi chưa bao giờ đến Hong Kong, nhưng tôi cảm thấy mình không có lý do gì để không quan tâm,\” anh nói.
\”Là một người theo Thiên Chúa giáo, khi thấy mọi người bị tổn thương và bị tấn công, tôi cảm thấy phải giúp đỡ họ. [Và] Là một người Đài Loan, tôi lo ngại rằng chúng tôi có thể là nạn nhân kế tiếp.\”
Trong khi Hong Kong được Anh Quốc trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Đài Loan đã tự trị kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Nhưng Bắc Kinh luôn coi hòn đảo này là một tỉnh cần thống nhất với Trung Quốc một ngày nào đó- bằng bạo lực nếu cần.
Sợ rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ kiểm soát Đài Loan, biến nó thành Hong Kong thứ hai, đã khiến chính phủ và nhân dân Đài Loan trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ nhất những người biểu tình ở Hong Kong.
Chính phủ Đài Loan đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Bắc Kinh và Hong Kong phản ứng tích cực với yêu cầu dân chủ của người biểu tình – và thực hiện lời hứa của họ về việc duy trì các quyền tự do và tự trị.
Và người dân Đài Loan – trong khi trước đây chủ yếu quan tâm đến nhạc Cantopop và món dim sum của Hong Kong – nay quay ra ủng hộ phong trào dân chủ.
\”Mặc dù Đài Loan tách biệt với Trung Quốc bởi Eo biển Đài Loan, địa vị chính trị của chúng tôi không phải là Khu vực hành chính đặc biệt như Hong Kong,\” anh Ko nói.
\”Chúng tôi không phải là một phần của Trung Quốc, một ngày nào đó họ có thể xâm lược chúng tôi. Bằng cách gia nhập lực lượng [với Hong Kong], chúng tôi trở nên mạnh hơn. Một ngày nào đó chúng tôi cũng có thể cần sự giúp đỡ của họ.\”
Trong khi đó, Bắc Kinh đã cáo buộc Đài Loan, cùng với Hoa Kỳ đã \’đổ dầu vào lửa\’ trong các cuộc biểu tình Hong Kong.
Mặc dù không có bằng chứng nào về việc Đài Loan giúp tổ chức hoặc tài trợ cho các cuộc biểu tình ở cấp nhà nước, nhưng đã có sự liên lạc giữa các nhà hoạt động kể từ Phong trào Dù Vàng của Hong Kong và Phong trào Hoa Hướng Dương của Đài Loan năm 2014. Cả hai đều xuất phát từ nỗi sợ rằng Bắc Kinh đẩy lùi nền dân chủ của họ.
Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong, như Joshua Wong, đã đến Đài Loan để gặp các nhà hoạt động tại đây. Việc thành lập đảng Demosisto, mà Joshua Wong là Tổng thư ký, được cho là lấy cảm hứng từ Đảng Quyền lực mới của Đài Loan.
Việc người biểu tình tràn vào đập phá trong tòa nhà Quốc hội Hong Kong cũng phản ánh một sự cố tương tự ở Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan. Đảng cầm quyền của Đài Loan và một đảng đối lập gần đây đã lên tiếng ủng hộ việc cấp tị nạn cho những người biểu tình ở Hong Kong.
Sự phối hợp của Hong Kong và Đài Loan có thể có nghĩa là nhân đôi rắc rối cho Bắc Kinh. Nhưng không phải ai cũng nghĩ Đài Loan sẽ là Hong Kong kế tiếp.
\”Đài Loan có độc lập và dân chủ, những gì người dân Hong Kong đang đấu tranh, chúng ta đã có rồi- quyền bầu cử phổ quát\”, Yen Hsiao-lien, một luật sư đã nghỉ hưu nói.
Bà và những người khác muốn giảm căng thẳng với Bắc Kinh và chung sống hòa bình. Họ lo ngại các cuộc biểu tình ở Hong Kong sẽ giúp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn – chính quyền của bà Văn bị nhiều người cho là làm cho mối quan hệ với Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn – thắng nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc đua chức tổng thống vào tháng Một tới.
Kể từ khi biểu tình ở Hong Kong nổ ra, chỉ số tín nhiệm của bà Thái Anh Văn đã tăng đáng kể. Bà Thái Anh Văn, từ Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền ủng hộ sự độc lập của Đài Loan, đang dẫn trước Han Kuo-yu từ phe đối lập Quốc Dân Đảng.
Những điều này được Bắc Kinh quan sát rất kỹ.
Một phần vì lo ngại Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử, Bắc Kinh sẵn sàng rút dự luật dẫn độ của Hong Kong vào đầu tháng Chín khi phải đối mặt với các cuộc biểu tình quy mô lớn, học giả Andy Chang nói.
\”Chính phủ Trung Quốc] không muốn cho bà Thái Anh Văn có thêm lợi thế trong cuộc bầu cử sắp tới\”, ông nói.
Nhưng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc chỉ có thể nhượng bộ phần nào thôi. Họ đang lo ngại nhiều hơn về mối đe dọa mà họ cho là lớn nhất – bất ổn và nguy cơ đối với quyền lực của họ từ nội tại.
Họ nghĩ rằng các phong trào dân chủ có thể khiến đất nước bất ổn, chiếm đoạt quyền lực của họ – hoặc trở thành công cụ để các đối thủ hất cẳng họ.
\”Họ cảm thấy nếu họ hoàn toàn chấp nhận yêu cầu của người biểu tình, họ sẽ \”mở cửa xả lũ\” và khiến các nơi khác cũng trở nên bất ổn. Rốt cuộc, đứa trẻ nào khóc thì sẽ có kẹo,\” ông Chang nói.
\”Họ không muốn cho thấy rằng những người áp dụng các biện pháp mạnh để đưa ra yêu cầu của mình sẽ nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh. Điều này hoàn toàn khác với cách các nhà lãnh đạo trong một xã hội dân chủ nghĩ.\”
Càng ngày, Bắc Kinh càng có nhiều hành động để ngăn cản người dân Đài Loan ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do và tự trị của Hong Kong.
Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ doanh nhân Đài Loan Lee Meng-chu vì nghi ngờ ông tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia. Bạn bè của ông Lee nói rằng ông là chủ một công ty thương mại nhỏ bình thường, chỉ đơn giản là đến thăm người biểu tình ở Hong Kong để cổ vũ họ, hai ngày trước khi sang Trung Quốc đại lục.
Nhưng, trong một động thái thách thức, người dân Đài Loan đã giúp chủ nhà sách Hong Kong bị giam giữ trước đó, Lâm Vinh Cơ, bằng cách quyên góp tiền để giúp ông này mở lại cửa hàng sách Causeway Bay ở Đài Bắc.
Cửa hàng sách ở Hong Kong của ông Lâm từng bày bán những cuốn sách nhạy cảm về chính trị và về các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và gửi chúng đến đại lục, khiến ông và bốn đồng nghiệp bị giam giữ vào năm 2015. Cửa hàng này sau đó đã bị đóng cửa. Ông Lâm đã trốn sang Đài Loan vào tháng Tư, vì dự luật dẫn độ.
Chỉ trong tuần vừa qua, các nhà tài trợ Đài Loan đã giúp ông Lâm kiếm được hơn 5,4 triệu đô la Đài Loan (174.000 đô la Mỹ) thông qua một chiến dịch gây quỹ – gần gấp đôi mục tiêu ban đầu của ông.
Dần dần nhưng chắc chắn, người dân Hong Kong và Đài Loan thấy số phận mình ràng buộc với nhau.
Họ là hai nơi duy nhất ở Trung Quốc đã nếm trải tự do – và một số người tin rằng bằng cách gia nhập lực lượng của nhau, họ có thể cho giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc biết rằng dân chủ đáng để đấu tranh đến mức nào.
Nhưng anh Ko khuyên người biểu tình ở Hong Kong sử dụng các biện pháp phi bạo lực và học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan về việc sử dụng các biện pháp ôn hòa để đạt được dân chủ.
\”Tôi nghĩ rằng các biện pháp ôn hòa cần thiết cho người biểu tình,\” anh nói. \”Nó có thể giúp họ suy nghĩ về loại [xã hội] mà họ muốn Hong Kong trở thành – an toàn và hòa bình, hoặc bạo lực.\”