Y án đối với tù nhân lương tâm Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương
RFA
2019-09-23
Bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương tại Tòa án Nhân dân cấp cao thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/9/2019
Hôm 23/9, tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM tuyên y án 6 năm tù đối với bà Vũ Thị Dung, 54 tuổi, và 5 năm tù đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, 51 tuổi, về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 và 2017.
Trước đó, bản án nêu trên được tuyên tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra tại Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai hôm 10/5/2019.
Cáo trạng của Viện kiểm sát được truyền thông trong nước trích đăng cho biết, từ tháng 8 năm 2018 đến ngày 10/10/2018, hai bị cáo đã sử dụng mạng xã hội Facebook với các tên Salem Trần, Hoa Hong Ha Ngoc, Ma Ma Ma Ma để tương tác với các tài khoản Facebook có tên Tân Thái và Benny Trương để xem, nghe nội dung các video, bài viết có nội dung chống phá nhà nước. Sau đó cả hai đã kích động, kêu gọi biểu tình chống luật đặc khu, an ninh mạng, phản đối Trung Quốc, kích động người dân xuống đường biểu tình vào ngày 13/10/2018.
Cáo trạng cũng cho biết bà Dung đã làm các tờ truyền đơn có nội dung chống phá nhà nước và rủ bà Sương đi rải truyền đơn tại 4 điểm ở thị trấn Định Quán, tỉnh Đồng Nai trước khi bị bắt giữ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những luật sư nhận bào chữa cho hai bị cáo, hôm 23/9 đã viết một số phân tích trên facebook cá nhân, xác định có những oan sai trong bản án phúc thẩm. Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, tội danh theo điều 117 quy định rõ hành vi chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuy nhiên “tìm trong suốt 103 tài liệu của bà Dung tự tay viết, thì lại không hề có 1 tờ nào có nội dung đề cập đến nhà nước cả?!”
Liên quan đến cáo buộc kích động biểu tình bất hợp pháp, luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định trên Facebook:
“Thực tế thì biểu tình là một quyền hiến định, được quy định tại điều 25 của hiến pháp. Muốn biết một cuộc biểu tình bất hợp pháp hay không thì phải có Luật biểu tình để đánh giá. Vì Luật biểu tình sẽ quy định những thể thức để công dân thực hiện quyền biểu tình, nếu không thực hiện đúng theo thể thức quy định, thì cuộc biểu tình đó mới bị xem là bất hợp pháp.
Hiện nay quốc hội chưa ban hành luật biểu tình, thì không có cơ sở pháp lý để giám định viên đánh giá biểu tình bất hợp pháp. Nếu cho rằng, cứ biểu tình là bất hợp pháp thì thực tế giám định viên đang chà đạp hiến pháp khi phủ nhận quyền biểu tình của công dân. Nội dung này vị đại diện VKS lờ, không tranh luận.”
Luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu là hai luật vấp phải nhiều phản đối của người dân trong và ngoài nước, dẫn đến những cuộc biểu tình của hàng ngàn người ở nhiều thành phố của Việt Nam hồi năm 2018.
Luật An ninh mạng của Việt Nam đã bắt đầu đi vào hiệu lực từ đầu năm nay. Đây là bộ luật gặp nhiều chỉ trích của quốc tế vì bị cho là có những điều khoản thắt chặt kiểm soát tự do Internet.
Dự luật Đặc khu có điều khoản cho người nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm làm nhiều người lo ngại sẽ tạo điều kiện cho người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã phải hoãn việc thông qua dự luật này vì những phản đối gay gắt của người dân.
Từ năm 2018 trở lại đây, Việt Nam cũng gia tăng bắt giữ những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ. Từ đầu năm 2019 đến nay, RFA ước tính có ít nhất 10 tiếng nói chỉ trích chính quyền Việt Nam bị bắt giữ đã được truyền thông trong nước xác nhận. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 133 người vì thực hiện những quyền cơ bản của mình.