Exxon, trắc nghiệm về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông

Exxon, trắc nghiệm về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông

Thanh PhươngĐăng ngày 24-09-2019 

\"media\"/

Một cơ sở của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil tại Mỹ.REUTERS

Dự án dầu khí của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil ngoài khơi bờ biển Việt Nam đang trở thành một sự trắc nghiệm về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên vùng Biển Đông. Đó là nhận định chung của hãng tin Bloomberg trong một bài phân tích đề ngày 23/09/2019.

Vào đầu tháng này có tin là tập đoàn Exxon sẽ rút khỏi dự án Cá Voi Xanh, cụ thể là sẽ bán 64% cổ phần trong liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong dự án khai thác dầu khí tại một nơi chỉ cách bờ biển Đà Nẵng 80 km. Mặc dù dự án này nằm bên ngoài bản đồ đường “lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ, nó lại nằm trong khu vực mà Bắc Kinh cũng muốn phát triển.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/09/2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã bác bỏ thông tin nói trên, khẳng định các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam vẫn “được tổ hợp nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Exxon Mobil triển khai theo kế hoạch”. Về phần Exxon, theo Bloomberg, tập đoàn này chưa trả lời báo chí về dự án Cá Voi Xanh.

Bắc Kinh gần đây đã gia tăng áp lực đối với Hà Nội qua việc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hộ tống vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn. Đây là lô dầu khí liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft của Nga.

Vào năm ngoái, dưới áp lực của Trung Quốc, Việt Nam đã buộc phải yêu cầu công ty Tây Ban Nha Repsol ngưng một dự án dầu khí ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam. Theo nhận định của ông Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nếu Exxon rút đi, đây sẽ là một vố đau đối với Việt Nam, vì nó xảy ra tiếp theo sau vụ Repsol. Trong trường hợp này, Trung Quốc coi như đạt mục tiêu và có thể sẽ hưởng lợi lâu dài về việc các tập đoàn dầu khí ngoại quốc ngại liên doanh với Việt Nam tại các vùng biển này.

Trong quá khứ, Bắc Kinh cũng đã từng gây áp lực đối với các hoạt động thăm dò dầu khí của Exxon ngoài khơi Việt Nam. Vào năm 2008, các quan chức Trung Quốc đã cảnh cáo tập đoàn Mỹ là phải từ bỏ các dự án thăm dò bị xem là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Nhưng lần này, Hà Nội đã có phản ứng quyết liệt hơn. Cũng trong cuộc họp báo ngày 12/09, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng đã nhắc lại lập trường của Hà Nội : Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công Ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Nhà nghiên cứu Bill Hayton, Viện Hoàng gia về Các Vấn đề Quốc tế Chatham House, Anh Quốc, cũng khẳng định: “Trung Quốc không có quyền chính đáng gì trên các vùng biển đó, cho nên những hành động của Trung Quốc là vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”. Theo ông Hayton, nếu Trung Quốc tạo thành một tiền lệ, tức là họ muốn làm gì thì làm ở Biển Đông, bất chấp các công ước quốc tế, thì luật pháp quốc tế sẽ bị giáng một đòn nặng và thế giới sẽ bớt an toàn hơn.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, tập đoàn Exxon có thể có những lý do khác để bán cổ phần của họ trong liên doanh Cá Voi Xanh. Hãng tin này trích lời chuyên gia Andrew Harwood, công ty tham vấn năng lượng Wood Mackenzie, Exxon Mỹ hiện nay đang có kế hoạch thoái vốn ra khỏi các dự án không quan trọng hoặc các dự án tại những nơi dễ gặp phiền toái, để huy động nguồn tài chính cho các dự án có tiềm năng phát triển cao hơn. Nhưng cho dù Exxon rút khỏi dự án Cá Voi Xanh vì những lý do nói trên, thì rõ ràng là áp lực của Trung Quốc đã có tác động gián tiếp.

Mặt khác, theo nhận định của Bloomberg, Việt Nam ngày càng bị cô lập trong nỗ lực chống lại Trung Quốc, vào lúc mà Bắc Kinh sắp đạt được một thỏa thuận với Manila về việc cùng thăm dò dầu khí tại một khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines. Trung Quốc cũng vừa khởi đầu đàm phán song phương với Malaysia để giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.

Bài Liên Quan

Leave a Comment