Quan hệ quân sự Mỹ-Ấn chặt chẽ thêm với cuộc tập trận ba binh chủng
Trọng NghĩaĐăng ngày 24-09-2019
Chiến hạm Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ thao diễn nhân cuộc tập trận Malabar 2018, ngoài khơi đảo Guam. Ảnh chụp ngày 15/06/2018US Navy
Khi đến dự lễ đón tiếp thủ tướng Narenda Modi do cộng đồng Ấn kiều tổ chức ngày 22/09/2019, tại Houston, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh đến hợp tác song phương về an ninh quốc phòng, với một sáng kiến mới : một cuộc tập trận ba binh chủng đầu tiên giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ xác nhận: « Vào tháng 11, Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ chứng minh bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ quốc phòng song phương khi tổ chức cuộc tập trận quân sự ba binh chủng đầu tiên giữa hai quốc gia. Cuộc tập trận được đặt tên là “Tiger Triumph”. Một cái tên hay!… Rất hay!».
Tập trận quân sự ba binh chủng (tiếng Anh: tri-service military exercise) là một cuộc diễn tập quân sự phối hợp cả ba lực lượng không quân, hải quân và lục quân.
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ và Hoa Kỳ tập trận chung. Hai bên đã có cuộc tập trận thường niên Malabar, mở ra từ năm 1992, nhưng chỉ liên quan đến hải quân, hay các cuộc tập trận chống khủng bố Vajra Prahar và Yudh Abhyas của các lực lượng lục quân. Còn kết hợp cả ba binh chủng thì đây là lần đầu tiên.
Đối với Ấn Độ, cuộc tập trận ba binh chủng là một dấu hiệu phản ánh rõ nét đà tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, vì cho đến nay, mới có một lần duy nhất Ấn Độ triển khai toàn bộ hải, lục và không quân tập trận là với Nga, vào năm 2017 tại Vladivostok.
Trang tin đài truyền hình Ấn Độ NDTV hôm 23/09 trích lời phát ngôn viên hải quân Ấn Độ cho biết là cuộc tập trận Tiger Triumph vào tháng 11 sắp tới sẽ diễn ra ngoài khơi hai thành phố duyên hải Visakhapatnam và Kakinada, nhìn ra vịnh Bengal.
Trên trang blog của mình, báo Ấn Độ Times of India ngày 23/09 cho rằng đà tăng cường quan hệ quân sự với Ấn Độ cũng nằm trong lợi ích của Mỹ vì điều đó cho phép « giảm thế bá quyền của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ Dương ».