Campuchia dẫn đầu cuộc đua 5G ở ASEAN

Campuchia dẫn đầu cuộc đua 5G ở ASEAN

Dù được đánh giá là kém phát triển nhất trong khối ASEAN, nhưng Campuchia sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phát sóng 5G vào cuối năm nay.

\"\"

Smart Axiata ra mắt công nghệ 5G tại Phnom Penh vào tháng 7 vừa qua.

Cuộc đua 5G ở Campuchia đang nóng dần, khi các hãng viễn thông chính của nước này thông báo kế hoạch lắp đặt các trạm phát sóng 5G trị giá hàng trăm triệu USD, sử dụng công nghệ của Huawei và ZTE.

Smart Axiata thuộc tập đoàn Axiata, có trụ sở tại Malaysia và Cellcard, vốn thuộc sở hữu của tập đoàn Royal Group, đang hy vọng giành chiến thắng trong cuộc đua này.

Nhiều nhà mạng nhảy vào 5G

CEO Thomas Hundt của Smart nói rằng, thiết bị 5G của hãng đang được lắp đặt ở Phnom Penh và các thử nghiệm hiện trường đã hoàn tất. Smart tiếp tục sử dụng công nghệ thế hệ mới 5G từ Huawei Technologies, như hãng từng sử dụng cho mạng 4G hiện tại. Smart sẽ khởi sự các dịch vụ 5G thương mại, sau khi được chính phủ cấp phép và công ty sẽ đầu tư 100 triệu USD cho công nghệ 5G trong vòng 3 – 5 năm tới.

Còn với Cellcard, CEO Ian Watson cho biết giai đoạn đầu trong kế hoạch 5G của hãng là hình thành 500 trạm phát 5G ở Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville. Với tiến độ hiện giờ, Cellcard sẽ khai trương dịch vụ 5G vào tháng 12 sắp tới.Watson nói rằng, Cellcard đã chọn ZTE trong giai đoạn đầu triển khai, với kế hoạch tăng dần lên 2.000 trạm phát sóng trong năm tới. Hãng này dự định đầu tư khoảng 200 triệu USD cho công nghệ 5G trong vòng 18 tháng tới, và sẽ dùng thiết bị công nghệ của Nokia trong kế hoạch mở rộng 5G ở vùng nông thôn. Nhưng ông Watson thú nhận nhu cầu dịch vụở khu vực ngoài các thành phố lớn rất thấp.

“Tôi cho rằng, trong vòng 3 – 5 năm tới chúng tôi sẽ bắt đầu thu hồi vốn.Nhưng vấn đề là nếu không chịu làm thì sẽ bị bỏ rơi ở phía sau”, Watson phát biểu.

Metfone, một hãng viễn thông lớn ở Campuchia thuộc sở hữu của tập đoàn Viettel, đang hợp tác với hãng viễn thông quốc gia Telecom Cambodia, cũng thử nghiệm dịch vụ 5G với thiết bị của Huawei. TC – một hãng cung cấp dịch vụ qua đường dây cố định – đã ký hợp đồng với Huawei vào tháng 4.2019, để xây dựng mạng lưới 5G trong năm 2020. Hợp đồng này được ký giữa lúc hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, bị cả thế giới soi mói về độ tin cậy và bảo mật.

\"\"

CEO Smart Axiata Thomas Hundt rất tự tin về hiệu quả và sự tin cậy của thiết bị, công nghệ Huawei. Ảnh: Nikkei.

Phía sau lợi thế công nghệ là…

Hoa Kỳ đã kêu gọi các nước đồng minh loại Huawei khỏi các dự án 5G, với lý do Bắc Kinh có thể lợi dụng công nghệ Huawei để dọ thám – điều mà Huawei cực lực bác bỏ. Nhật Bản và Australia có các biện pháp để rào chắn Huawei, một vài nước châu Âu cũng thận trọng khi quyết định chọn Huawei.

Liên quan đến vấn đề bảo mật an ninh của Huawei, CEO Hundt nói rằng Smart có xét đến lý do an ninh, nhưng đã kết luận rằng “tổng quan các yếu tố kỹ thuật, hệ thống hỗ trợ và chi phí thì Huawei là lựa chọn tốt nhất”. Marc Einstein, chuyên gia phân tích trưởng của công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ ITR có trụ sở ở Nhật Bản, nhận định các quan hệ ngày càng mật thiết của Phnom Penh với Bắc Kinh, là một trong những yếu tố chính giúp Huawei thành công ở Campuchia. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, có thể cung cấp thiết bị có giá rẻ hơn các đối thủ châu Âu 20 – 30%.

Không dễ phổ cập 5G

Dịch vụ 5G hiện có mặt tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và nhiều thị trường ở châu Âu, và riêng các thành phố lớn ở Trung Quốc vào cuối năm nay. Các hệ thống mạng thế hệ mới ở nhiều nước tiên tiến khác và phần lớn các nước Đông Nam Á khác, dự kiến sẽ khởi sự vào năm sau là sớm nhất.

Dù tốc độ phát triển kinh tế có chậm hơn so với các nước trong ASEAN, Campuchia đặt mục tiêu dẫn đầu trong việc áp dụng công nghệ mạng siêu nhanh để giúp chuyển sang nền kinh tế số. Einstein nói rằng, việc các hãng viễn thông Campuchia sớm sử dụng 5G là một tín hiệu tốt, nhưng phải mất “nhiều năm” để đa số người dùng có thể xài 5G.

“Chúng tôi có thể là mạng thương mại đầu tiên ở Đông Nam Á, nhưng chỉ vài tháng sau đó chúng tôi không phải còn một mình một chợ nữa.Điều này rất tuyệt vời cho sự phát triển của Campuchia”, Einstein hy vọng về “cú nhảy vọt” thoát khỏi các dịch vụ cố định có chất lượng kém ở Campuchia.

Mạng 5G có thể truyền tải dữ liệu nhanh gấp 100 lần mạng 4G và giúp giảm tình trạng trì mạng xuống, chỉ còn 10% so với hiện nay.

Chính phủ Campuchia tin tưởng các hệ thống mạng mới sẽ hỗ trợ tiến bộ mới trong nền kinh tế số, như trí thông minh nhân tạo và kết nối các thiết bị với mạng internet của vạn vật. Với Campuchia, công nghệ mới sẽ là yếu tố “thay đổi cuộc chơi”, nhà phân tích Sofea Zukarnain thuộc Frost & Sullivan ITC, nhận định.

Bà Zukarnain nói, Campuchia vẫn cần tăng cường độ truyền tải của mạng cáp quang, để hỗ trợ các kế hoạch mở rộng mạng 5G.

“Để 5G có thể hỗ trợ tốt cho các hoạt động kinh tế thương mại, cần có kết nối mạng ổn định và mạnh. Có khoảng 137.000 kết nối cáp quang ở Campuchia tính đến cuối năm 2018, do chi phí thuê đường truyền cao, tỷ lệ sử dụng thấp và người dùng – cả cá nhân lẫn doanh nghiệp – vẫn chuộng internet qua mạng di động. Cáp quang rất quan trọng trong những giai đoạn đầu của mạng 5G, bởi có băng thông rộng không giới hạn, suy giảm tốc độ truyền tải ít hơn và không bị sóng điện từ can thiệp”, bà Zukarnain nhận định.

Ricky Hồ (theo TGHN

Bài Liên Quan

Leave a Comment