Biển Đông : Philippines lại phản đối tàu Trung Quốc áp sát Bãi Cỏ Mây
Mai VânĐăng ngày 02-10-2019
Một tầu tuần duyên Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 29/03/2014.REUTERS/Erik De Castro
Ngoại trưởng Philippines hôm nay 02/10/2019 cho biết là đã ra lệnh gởi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần bãi cạn Ayungin, tức là Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal Ayungin). Bãi cạn này thuộc quần đảo Trường Sa, hiện do Philippines kiểm soát, nhưng bị cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đòi chủ quyền.
Trong một tin nhắn Twitter, ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr đã xác nhận rằng bộ Ngoại Giao Philippines đã gởi công hàm phản đối ngay vào khuya hôm qua.
Quyết định phản đối đã được đưa ra sau khi báo chí Philippines từ hôm 30/09, đã tiết lộ rằng tân tham mưu trưởng lực lượng vũ trang vừa được bổ nhiệm, tướng Noel Clement đã báo cáo với Thượng Viện Philippines về sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây, đồng thời cho biết là đã chuyển thông tin này cho bộ Ngoại Giao.
Theo tướng Clement, tàu hải cảnh Trung Quốc đã di chuyển cách Bãi Cỏ Mây khoảng từ 4 đến 5 hải lý, và sự hiện diện đó, nếu không được phép của chính phủ Philippines, là một vụ vi phạm vùng biển Philippines.
Bãi Cỏ Mây là một thực thể hiện có một toán thủy quân lục chiến trấn giữ bên trên chiếc tàu hải quân cũ BRP Sierra Madre mà Philippines đã cố tình cho mắc cạn tại đấy vào năm 1999 để làm chỗ trú cho binh lính giữ đảo.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc thường xuyên cho tàu hải cảnh và dân quân biển bao vây Bãi Cỏ Mây, chặn đường tiếp tế cho lực lượng Philippines đồn trú trên đấy. Tháng 5 vừa qua, bộ Ngoại Giao Philippines đã gởi công hàm phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc chặn 3 tàu tiếp tế của Philippines đưa hàng tiếp tế đến tiền đồn của họ.
Một bản báo cáo hôm 26/09 vừa qua của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS của Mỹ đã vạch trần ý đồ của Trung Quốc dùng tàu hải cảnh lớn thường xuyên đi vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây (cũng như bãi cạn Luconia của Malaysia) để cho thấy là các vùng này thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh.