Một số điểm đáng chú ý trong cuộc tập trận hải quân chung mang tên Malabar lần thứ 23 giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản
Ngày đăng 02-10-2019
Từ ngày 25/9 – 05/10, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận hải quân quy mô lớn mang tên Malabar lần thứ 23 ở ngoài khơi thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki của Nhật Bản. Cuộc tập trận nằm trong nỗ lực thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, được xem là chiến lược nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thành phần, địa điểm tập trận
Cuộc tập trận Malabar-23 diễn ra ở ngoài khơi thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki của Nhật Bản, kéo dài 10 ngày. Tham gia tập trận này, Ấn Độ cử khinh hạm tàng hình INS Sahyadari 6.100 tấn, tàu hộ vệ tác chiến chống ngầm INS Kiltan và máy bay tuần tra biển tầm xa Poseidon-8I. Một nguồn tin quốc phòng cho biết đây là lần đầu tiên Ấn Độ cử một trong các máy bay P-8I của nước này đến Nhật Bản. Trong khi đó, Mỹ triển khai tàu khu trục USS McCampbell, tàu chiến đổ bộ USS Green Bay và tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân Los Angeles. Nước chủ nhà Nhật Bản điều tàu chở trực thăng lớp Izumo 27.000 tấn JS Kaga, tàu khu trục Samidare và tàu tuần dương Chokai.
Nội dung, ý nghĩa của cuộc tập trận
Truyền thông các nước cho biết cuộc tập trận Malabar được ba nước tổ chức với nhiều hoạt động phối hợp tác chiến trên biển và trên không, trong đó tác chiến chống ngầm là một phần quan trọng của cuộc tập trận. Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã triển khai các máy bay tuần tra biển trang bị radar, tên lửa và ngư lôi. Ấn Độ và Mỹ sử dụng các phiên bản khác nhau của máy bay P-8, trong khi Nhật Bản sử dụng máy bay Kawasaki P-1. Đáng chú ý, cuộc tập trận Malabar diễn ra trước thềm cuộc họp cấp ngoại trưởng đầu tiên của nhóm Bộ Tứ gồm 3 nước trên và Australia bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 tại thành phố New York, Mỹ. Nhóm này từ lâu vẫn thể hiện sự ủng hộ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi mà tất cả các nước đều tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác, luật pháp quốc tế, quyền tự do đi lại trên biển cũng như trên không và phát triển bền vững.
Trước đó, từ ngày 02 – 6/9/2019, Mỹ và ASEAN cũng đã tiến hành cuộc tập trận chung song phương đầu tiên, ở ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực Nam của Việt Nam. Cuộc tập trận này mang tính biểu tượng lớn. Điều đó có nghĩa là bất chấp sự bất mãn của Trung Quốc với những gì nước này xem là hành động bên ngoài xen vào tình hình Biển Đông, ASEAN rất muốn thấy sự tham gia của Mỹ trong một hiện diện quan trọng về quốc phòng và an ninh khu vực. Nó cũng cho thấy những ưu tiên trong Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ là chính sách tham gia quốc phòng và an ninh của Mỹ vào trong khu vực này không hề thay đổi mà còn sẽ tiếp tục được tăng cường. Theo Japan Times, Nhật Bản đã củng cố sự hiện diện của họ tại biển Đông, triển khai các tàu chiến Izumo và Murasame như một phần của việc triển khai lực lượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Các cuộc tập trận Malabar trước đây
Cuộc tập trận Malabar lần thứ 22 từ ngày 7/6 đến 16/6/2018, chức cuộc tập trận hải quân Malabar ngoài khơi đảo Guam trên biển Philippines với mục đích siết chặt hợp tác trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang mở rộng thế đứng quân sự. Phó Tư lệnh Hải quân, Phó Đô đốc G. Ashok Kumar lúc đó cho biết cuộc tập trận hàng năm sắp tới sẽ rất quan trọng xét về phương diện “phạm vi và độ phức tạp” nhằm đối phó với những đe dọa và thách thức trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ đã tàu sân bay chạy bằng hạt nhân USS Ronald Reagan lớp Nimitz, tàu ngầm tấn công USS Pasaneda lớp Los Angeles, cùng tàu tuần dương Antietam và Chancellorsville. Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản cử tàu sân bay chở trực thăng JS Ise lớp Hyuga, khu trục hạm JS Suzunami lớp Takanami, khu trục hạm JS Fuyuzuki lớp Akizuki. Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm Mỹ, Nhật Bản và một vài quốc gia khác đang kêu gọi Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ đã đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có trụ sở tại Hawaii thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, phản ánh ưu tiên của Washington nhắm vào vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Malabar vốn là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Ấn Độ được bắt đầu từ năm 1992, nhưng đối với New Dehli, lần biểu dương sức mạnh hải quân năm nay thể hiện thay đổi quan trọng trong quan điểm của quốc gia này về chiến lược biển nói chung và ý nghĩa của Malabar nói riêng. Năm 2007, dù ba nước Singapore, Australia và Nhật Bản mới tham gia với tư cách khách mời, Trung Quốc đã ngay lập tức mở chiến dịch tấn công ngoại giao, buộc New Delhi phải đưa Malabar trở về diễn tập song phương. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, sự hiện diện trở lại của Nhật Bản với tư cách chủ trì, Malabar đã chính thức trở thành cuộc diễn tập ba bên, một bước đi mà New Delhi đã mong muốn nhằm tạo ra tam giác liên kết chiến lược có khả năng kiềm tỏa, răn đe mạnh mẽ đối với khu vực. Bắt đầu từ năm 2016, Nhật Bản chính thức tham gia cuộc tập trận này. Việc tham gia Malabar 2016 của Nhật Bản đã phản ánh được chính sách đối ngoại và quân sự năng động, tự chủ hơn mà một trong những lý do quan trọng là bắt nguồn từ các thách thức an ninh và tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Với Mỹ, việc duy trì tập trận thường xuyên tại các vùng biển đã trở thành một chính sách xuyên suốt và lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh Washington khẳng định sự ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như Ấn Độ Dương là nằm trong lợi ích của Mỹ.