Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông
Ngày đăng 02-10-2019
Phát biểu trong cuộc gặp với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ David Hale cho biết Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Bên lề Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (26/9) đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2020, đề nghị hai bên phối hợp tăng cường tiếp xúc và đối thoại, nhất là cấp cao, làm sâu sắc hơn và mở rộng khuôn khổ quan hệ thương mại – đầu tư, an ninh – quốc phòng và tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Thứ trưởng Hale bày tỏ vui mừng quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua duy trì đà phát triển thực chất, hiệu quả, mong muốn đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông, mong muốn hai bên duy trì tiếp xúc ở các cấp, thường xuyên tham vấn và phối hợp trong quan hệ song phương cũng như các diễn đàn đa phương.
Trong năm 2019, giới chức Mỹ đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố khẳng định Washington có lợi ích ở Biển Đông, cam kết tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ (23/7, USCG) cho biết, hoạt động của USCG ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm giúp các nước trong khu vực củng cố năng lực thực thi chủ quyền; nhấn mạnh USCG đang hợp tác chặt chẽ với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang tăng cường quy mô và năng lực của lực lượng. Đô đốc Schultz cho biết USCG được huy động hỗ trợ tại khu vực theo yêu cầu của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, lực lượng cũng giúp củng cố năng lực bảo vệ chủ quyền của nhiều nước trong khu vực, chuyển giao nhiều tàu tuần tra năng lực hoạt động cao cho các nước. Ngoài ra, Đô đốc Schultz nhận định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là Biển Đông, có ảnh hưởng rất lớn đối với các lợi ích của Mỹ và quốc tế. USCG hiện diện tại khu vực nhằm mang đến “hình mẫu về minh bạch” trong quản trị các vấn đề hàng hải dựa trên pháp luật.
Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Mỹ Andrea Thompson (25/3) cho biết Mỹ tiếp tục coi trọng vai trò của Việt Nam trong việc cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Về vấn đề Biển Đông, Mỹ cam kết mạnh mẽ nhằm bảo đảm khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở; ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác, thương mại không bị cản trở, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không. Mỹ cũng kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy (22/3) tuyên bố Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho Việt Nam, cho rằng việc này có vai trò quan trọng cho an ninh khu vực. Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy, Việt Nam hiện có một tàu cảnh sát biển do Mỹ cung cấp. Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực để nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam. Điều đó rất quan trọng với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Họ có thể đóng góp nhiều cho khu vực. Ngoài ra, ông W. Patrick Murphy cũng cho biết, Mỹ mong muốn “được làm việc chặt chẽ với Việt Nam về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực”; đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, nhấn mạnh tất cả quốc gia trên thế giới đều có lợi ích khi giao thông và thương mại ở các tuyến đường biển không bị cản trở. Ông Patrick Murphy khẳng định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ. Các bên có nhiều tầm nhìn riêng trong khu vực và Mỹ hoan nghênh điều đó.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế tổ chức ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Thuật và Quốc Tế (CSIS), Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver (3/4) cho biết Việt Nam là “một đối tác quan trọng” và Washington mong muốn liên minh chặt chẽ hơn với Hà Nội. Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver, Việt Nam giới hạn chiến hạm nước ngoại đến thăm mỗi năm một lần do ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính sách ngoại giao của Việt Nam. Ông cho biết “có thể Mỹ không bao giờ có được một liên minh với Việt Nam, nhưng Việt Nam luôn luôn có cơ hội liên minh với Mỹ khi Việt Nam muốn”. Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đã trở nên vững mạnh hơn trong hai năm qua. Hai nước có những kế hoạch dựa trên quyền lợi chung sẽ làm cho sự hợp tác ngày càng mạnh hơn; đồng thời nhấn mạnh Mỹ đang tìm cách cải thiện quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Ông Schriver nêu thí dụ vào năm ngoái, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã đến thăm Đà Nẵng lần đầu tiên sau chiến tranh. Hai bên đang thảo luận để có một cuộc viếng thăm thứ hai vào năm nay. Ông hi vọng rằng các chuyến viếng thăm của chiến hạm Mỹ trở thành một thông lệ. Ngoài ra, ông cho biết, vào 2017, Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam một tàu tuần duyên USCGC Morgenthau và chiếc tàu này đang tích cực tham gia vào nhiều công tác bảo vệ an ninh hang hải ở Biển Đông. Ông Schriver hi vọng sẽ có chiếc tàu thứ hai cho Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục giúp Việt Nam tăng cường khả năng quân sự và theo đuổi những cơ hội về huấn luyện và hợp tác quân sự gồm cả quân y, cấp cứu và hoạt động bảo vệ hòa bình. Ngoài ra, ông Schriver cũng nhận định rằng Mỹ và Việt Nam “chia sẻ chung một quyền lợi, đó là tích cực ủng hộ sự ổn định dựa trên luật pháp, bảo vệ chủ quyền, quyền của mỗi cá nhân hay của quốc gia bất kể lớn hay nhỏ. Chúng ta cùng chia sẻ một tầm nhìn rằng muốn cho toàn vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phồn thịnh, mỗi quốc gia trong vùng phải được tự do quyết định đường hướng riêng của mình trong một hệ thống giá trị để bảo đảm những cơ hội cho ngay cả những nước nhỏ nhất có thể phát triển và không bị những nước lớn phá phách bóc lột. Tóm lại, điều mà chúng ta mong muốn là Việt Nam là một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, không phải điều gì khác”. Đáng chú ý, ông Schriver cũng phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa những hòn đảo ở Biển Đông, cho rằng hành động này của Bắc Kinh đi ngược lại tuyên bố và cam kết của ông Tập Cận Bình, đồng thời nhận định “toàn vùng ngày càng phải đương đầu với một Trung Quốc xâm lăng và liều lĩnh, sẵn sàng chấp nhận xung đột để theo đuổi quyền lợi của họ”. Cùng quan điểm trên, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nhận định rằng “đối với Việt Nam và tất cả các thành viên ASEAN, Mỹ đang giúp các nước này bảo vệ chủ quyền quốc gia, giúp họ tăng cường khả năng và quân đội và giúp Việt Nam tự tin để đối phó với Trung Quốc và bảo vệ được quyền lợi quốc gia”.
Đô đốc Philip S. Davidson, Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương của Mỹ (12/2) đã tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về chuyện Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Mỹ. Ông Davidson nói rằng mối quan hệ quân sự giữa Bộ tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương của Mỹ và quân đội Việt Nam là “ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam, vốn sẽ được hỗ trợ bởi việc Việt Nam mua Scan Eagle UAV (máy bay trinh sát không người lái) và máy bay huấn luyện T-6 và một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ”. Ngoài ra, Đô đốc Davidson cho biết thêm, Việt Nam đã nổi lên là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Việc mua bán trang thiết bị quân sự trên thuộc loại Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS), một trong hai chương trình chính để Mỹ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác. Theo chương trình DCS, đối tác đạt thỏa thuận với một nhà sản xuất Mỹ, nhưng nhà sản xuất phải được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp giấy phép thông qua vụ mua bán trước khi chuyển giao thiết bị. Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, Đô đốc Davidson nói thêm rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017”.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. Mỹ (5/2017) đã bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). USCGC Morgenthau có choán nước toàn tải 3.250 tấn, chiều dài 115 m, rộng 13 m, mớn nước 4,6 m, thủy thủ đoàn 160 người. Tàu có tốc độ tối đa 53,7 km/h, phạm vi hoạt động hơn 22.500 km và có thể hoạt động liên tục 45 ngày. Sau khi được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam, tàu được đổi tên thành CSB 8020. CSB 8020 dự kiến giúp nâng cao năng lực nhận thức về các vấn đề hàng hải của Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường năng lực trong thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, ứng phó nhân đạo. Ngoài ra, con tàu còn mang ý nghĩa biểu tượng và cụ thể về Quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ. Trong tháng 3/2019, Mỹ cũng đã chuyển giao 6 xuồng cao tốc Metal Shark cho Vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam. Động thái trên là một bước tiến quan trọng nữa trong việc mở rộng hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ. Nó còn thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực thực thi luật hàng hải, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển, hợp tác trợ giúp nhân đạo hàng hải trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.