Kỹ thuật ướp xác
Hà Dương Cự/Người ViệtOctober 4, 2019
Người Ai Cập cổ xưa tin rằng thân xác là nơi trú ngụ của linh hồn. Nếu xác bị hủy diệt thì linh hồn có thể bị lưu lạc không có nơi trú ẩn.
Sau khi chết các vua chúa Ai Cập cũng như các quan lớn hay các nhà quyền quí đều được ướp xác. Kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ xưa đã đạt tới một trình độ cao siêu, những xác ướp 3, 4 ngàn năm trước vẫn còn giữ được cho tới ngày nay.
Không những ở Ai Cập mà nhiều nơi trên thế giới cũng có nhiều thân xác không bị hủy hoại như những người chết trên núi cao hay một vài thiền sư ở Việt Nam và Trung Quốc.
Làm sao cơ thể bị hủy hoại
Trước khi muốn giữ xác để không bị phân rã theo thời gian thì phải tìm hiểu nguyên do khiến cho cơ thể bị hủy hoại. Nguyên do chính làm thân thể phân rã là vi khuẩn.
Vi khuẩn có khắp mọi nơi: trên da, trên tóc, trong không khí, trên cây cỏ và các sinh vật. Vi khuẩn luôn luôn tiêu thụ các chất hữu cơ và làm phân hóa những chất đó. Khi con người còn sống thì cơ thể có những hệ thống bảo vệ không cho vi khuẩn tự do hoành hành. Trong một cơ thể sống vi khuẩn có trong hệ thống tiêu hóa để giúp tiêu hóa thức ăn.
Chỉ vài giờ sau khi sự sống không còn nữa thì vi khuẩn bắt đầu quá trình phân hóa cơ thể. Trong vài tháng thì cơ thể hoàn toàn tan rã chỉ còn bộ xương.
Vi khuẩn cần có ba yếu tố để phát triển: nguồn thực phẩm, nước hay hơi nước và nhiệt độ ôn hòa. Nếu có đủ ba điều kiện thì vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh, một vi khuẩn có thể trở thành 30,000 vi khuẩn trong vòng 5 giờ đồng hồ và 16 triệu vi khuẩn trong vòng 8 giờ.
Nguyên tắc giữ cho thân xác không bị hủy hoại
Muốn cho vi khuẩn không làm tan rã thân xác thì làm cho không có nước hay rất ít hơi nước, lúc đó quá trình phân rã sẽ bị chậm lại. Ở những chỗ thật lạnh thì vi khuẩn cũng không sinh sản được, đây là lý do ngăn nước đá của tủ lạnh giữ thực phẩm được lâu không bị hư hại.
Quá trình ướp xác của Ai Cập
Theo cơ quan Smithsonian thì ướp xác ở thời cổ đại Ai Cập có lẽ bắt đầu một cách tình cờ không có chủ ý. Khí hậu ở Ai Cập rất khô không có mưa, nên có nhiều xác chôn trong cát khô không bị phân hủy. Đến khoảng năm 2600 TCN (Trước Công Nguyên) vào Triều Đại Thứ Tứ và Thứ Năm thì người Ai Cập mới bắt đầu ướp xác một cách có tổ chức. Tuy mỗi thời đại có thay đổi chút ít, nhưng tập tục này kéo dài trên 2,000 năm, tới thời đại La Mã mới thôi.
Để giữ cho xác không bị phân hóa người Ai Cập đã nghĩ ra cách làm sao cho xác không còn hơi nước và trong ngoài đều khô rồi quấn kỹ lại để hơi nước và vi khuẩn không thâm nhập vô được. Đó là lý thuyết, trên thực tế thì việc ướp xác rất là khó khăn và ghê rợn. Công việc này kéo dài tới 70 ngày và được những vị thầy tu đã được huấn luyện kỹ càng đảm trách.
Đầu tiên những cơ quan nội tạng cần phải lấy ra vì những cơ quan này rất dễ bị hư hỏng. Tất cả bộ tiêu hóa và phổi được lấy ra. Những bộ phận này được ướp riêng trong một lọ đặc biệt. Tim thì được giữ lại vì người Ai Cập tin tim là trung tâm của con người và sự thông minh cũng nằm ở tim. Óc cũng được lấy ra hoặc bằng một cái móc đặc biệt thông qua lỗ mũi hoặc mở một lỗ trên sọ.
Khi đã lấy hết các bộ phận dễ bị hủy hoại các thầy tu làm khô xác bằng cách bao chung quanh thân xác một loại muối đặc biệt gọi là natron. Loại muối này có tính hút nước rất cao. Họ cũng để những bọc natron vào trong cơ thể. Khi thân thể đã khô thì người ta lấy những bọc natron ra và lau thân xác sạch sẽ. Rồi sửa soạn lại sao cho giống như người sống, thí dụ phần bụng rỗng thì được nhét những thảo mộc có hương thơm và mắt thì để mắt giả vào.
Sau đó là phần tẩm liệm, xác khô được quấn nhiều lớp vải. Khi quấn vải các thầy tu để nhiều bùa và viết những lời chú trên tấm vải. Xen kẽ vào những lớp vải là những lớp nhựa thông. Cuối cùng một lớp vải liệm đẹp đẽ được bọc bên ngoài. Đó là xong phần ướp xác.
Xác ướp được đem ra phần mộ. Người Ai Cập cổ xưa tin là người chết sẽ đi vào một thế giới khác, gọi là thế giới bên kia. Cho nên trong mộ, ngoài xác ướp còn để những vật dụng và xác ướp thú vật để cho người chết sử dụng ở thế giới bên kia. Trước khi mộ được đóng kín thầy tu còn làm nhiều nghi lễ tôn giáo để bảo đảm người chết được đi qua thế giới bên kia một cách suông sẻ.
Những xác ướp ngoài Ai Cập
Ngoài Ai Cập cổ xưa đã cố tình ướp xác còn có nhiều trường hợp thân thể người chết không bị phân rã ở khắp thế giới. Sau đây là một số xác ướp nổi tiếng:
-Xác ướp đông lạnh
Có nhiều người chết ở vùng thật lạnh thân xác không bị vi khuẩn phân hủy nên qua nhiều năm vẫn còn. Thí dụ có nhiều người leo núi Everest chẳng may bị thiệt mạng trên đó và xác không mang xuống được. Nhiều năm sau người ta đi qua thấy xác vẫn nằm nguyên tại chỗ.
Xác ướp lạnh nổi tiếng nhất là xác một người đàn ông được tình cờ phát hiện ra bởi hai người leo núi ở miền Bắc nước Ý vào năm 1991. Xác này được đặt tên là Ötzi để đánh dấu chỗ xác chết, vùng thung lũng Ötztal Valley Alps. Đây là xác ướp lâu đời nhất, Ötzi chết đã được trên 5,300 năm, vào Thời Đại Đồ Đồng, tức là có trước cả các xác ướp Ai Cập. Vì là được đông lạnh ngay khi chết hay chết vì lạnh rồi đông lại và không qua một xử lý nào nên xác ướp Ötzi còn nguyên.
Các nhà khoa học dùng những phương tiện khoa học như tia X, quét CAT (CAT scan) và khảo sát DNA đã rút ra được nhiều thông tin về chính Ötzi. Từ đó suy ra được nhiều tin tức về Thời Đại Đồ Đồng. Xác ướp Ötzi hiện nay được bảo quản kỹ lưỡng và được trưng bày tại bảo tàng viện South Tyrol Museum of Archaeology ở Bolzano, Italy. Bạn có thể tới đó để nhìn xác người lâu đời nhất.
-Nhục thân của các thiền sư
Có nhiều vị thiền sư sau khi viên tịch đã để lại nhục thân không bị phân rã. Khoa học chưa giải thích được hiện tượng đặc biệt này.
Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tu tại chùa Đậu ở làng Gia Phúc, tỉnh Hà Tây, Việt Nam, vào thế kỷ thứ 17. Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh đã được chụp quang tuyến X và các nhà nghiên cứu đã xác nhận là có xương cốt bên trong tượng.
Dashi Dorzho Itigilov là vị Lạt Ma Pandido Khambo đời thứ 12 của Phật Giáo Tây Tạng. Ông đã viên tịch vào năm 1927. Theo Đại Kỷ Nguyên (DKN.tv) khi qua đời ông dặn các đệ tử sau 30 năm hãy mở nắp quan tài ra. Vào năm 1955 và 1973 các Lạt Ma đã mở quan tài ra và thấy là nhục thân ông vẫn còn nguyên vẹn không bị mục rữa.
Cũng theo mạng DKN.tv, Từ Hiền Pháp Sư của chùa Định Huệ, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, cũng có nhục thân không bị hủy hoại mặc dù đã qua hơn 1,000 năm.
(Hà Dương Cự)